Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội - thành phố không ngừng vươn lên

Quỳnh Dương| 15/07/2018 07:20

(HNM) - Trên nền tảng truyền thống quý báu ấy, ngày 16-7-1999, Hà Nội được Tổ chức Khoa học, Văn hóa và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Từ đó đến nay, Hà Nội vẫn không ngừng phấn đấu xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét thanh lịch, độc đáo riêng có.

Ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam.


Nhân dịp kỷ niệm 19 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu cao quý này và 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam.

Thành phố Châu Á nhất ở Châu Á

- Cách đây đúng 19 năm, UNESCO trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" cho Hà Nội do đáp ứng được các tiêu chí: Sự bình đẳng trong cộng đồng; Xây dựng đô thị; Giữ gìn môi trường sống; Thúc đẩy phát triển văn hóa - giáo dục; Chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ. Sau gần 2 thập kỷ, ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của thành phố trong việc duy trì những tiêu chí này?

- UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” cho Hà Nội là để tôn vinh những giá trị truyền thống lịch sử - văn hóa, những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, cũng như khát vọng vì hòa bình của người dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây cũng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với quá trình vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức của Hà Nội trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô, từ đó gửi gắm niềm tin, hy vọng vào sự phát triển bền vững của Hà Nội trong tương lai.

Tôi nhận thấy, suốt gần 2 thập kỷ qua, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực phát triển để xứng đáng với tên gọi này. Để đánh giá một cách chính xác và chi tiết về những nỗ lực của các bạn thì cần có thời gian và những con số cụ thể mà tôi không thể diễn giải hết được. Điều cơ bản nhất, thành phố đã khắc phục được hậu quả của chiến tranh để phát triển, trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của cả nước. Bên cạnh đó, chính quyền của thành phố cũng đã và đang đưa ra những chính sách nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, cân bằng hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường.

- Sau gần 2 thập kỷ, trải qua nhiều thay đổi, nhất là việc Hà Nội mở rộng địa giới hành chính năm 2008, theo ông, thành phố đang phải đối mặt với những thách thức gì?


- Với xu hướng đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng trên thế giới, không chỉ riêng Hà Nội, nhiều đô thị khác cũng đang phải đối mặt với những khó khăn trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ xã hội, sự gia tăng số lượng người nghèo tại đô thị, gia tăng mật độ giao thông, ô nhiễm và các áp lực khác đối với môi trường. Với Hà Nội, nơi hội tụ của hàng nghìn di sản văn hóa thì việc bảo tồn, gìn giữ những di sản này cũng là một thách thức không nhỏ. Trước khi đến đây, tôi có đọc một cuốn sách nói rằng, Hà Nội là thành phố Châu Á nhất ở Châu Á. Tôi nghĩ, đây là nét hấp dẫn mà Hà Nội cần giữ gìn như một nguồn tài nguyên vô giá.

Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm của UNESCO

- Sinh ra và lớn lên ở Canada, một đất nước có nhiều thành phố sinh thái và thông minh bậc nhất thế giới, theo ông để bắt kịp xu thế phát triển bền vững, Hà Nội cần khắc phục và chú trọng vào những vấn đề nào?

- Bên cạnh việc phải giải quyết những thách thức ở trên, tôi nghĩ một điểm quan trọng nữa cần chú trọng đó là cần mở rộng quan hệ đối tác công - tư (PPP) trên tất cả các lĩnh vực. Đây là sự hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân để thực hiện một dự án đầu tư. Khái niệm này có thể hiểu là Nhà nước chuyển giao quyền lợi, trách nhiệm theo những mức độ khác nhau của một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho khối tư nhân. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, PPP giúp Chính phủ giảm bớt gánh nặng bảo lãnh vốn, giải được bài toán thu hút đầu tư về cơ sở hạ tầng, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tư nhân được đóng góp ý kiến, đề xuất các quy định, chính sách kinh tế, xã hội phù hợp hơn.

Thời gian qua, ngoài việc đưa ra chiến lược phát triển dài hạn, Hà Nội cũng có rất nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm đối với những thành phố phát triển trên thế giới. Sự kiện gần nhất tôi được biết là cuộc tọa đàm Hà Nội - Phát triển bền vững do UBND TP Hà Nội phối hợp với cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Pháp và Vùng Ile-de-France tổ chức tại thủ đô Paris hồi tháng 6 vừa qua. Đây là bước đi đúng hướng và tích cực để Hà Nội học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển đô thị thông minh và bền vững.

- Được biết, trước khi tới Việt Nam, ông đã có thời gian dài công tác tại Iraq, Lybia, Somalia - những quốc gia đang được coi là "điểm nóng" của thế giới, ông có thể chia sẻ công việc của mình tại đó?

- Thông thường mọi người sẽ đặt câu hỏi tại sao UNESCO quan tâm đến vấn đề về phát triển mà lại có mặt ở những vùng khủng hoảng. Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên, vì kể cả những khu vực chiến sự, vẫn có sự phát triển nhất định. Chính quyền, dù ở phía nào vẫn phải đưa ra chính sách phát triển như: Xây dựng các chương trình giáo dục phổ thông, tổ chức các kỳ thi... Vai trò của UNESCO tạo ra sự kết nối giữa chính quyền với các cơ quan điều phối, chuyên gia để có thể bàn bạc, thảo luận thúc đẩy phát triển ở các quốc gia như vậy. Sứ mệnh của UNESCO là kết nối để thúc đẩy đối thoại hướng tới giá trị tích cực hơn.

- Từ vùng đất của chiến tranh chuyển sang làm việc tại thành phố hòa bình, ông thấy có điều gì khác biệt?

- Quả thật, bước sang Việt Nam là một đất nước hoàn toàn khác, một đất nước hòa bình mà tôi có thể yên tâm làm việc và sinh sống cùng gia đình. Đương nhiên, mảng chương trình của UNESCO ở Việt Nam cũng khác so với mảng chương trình xây dựng cho Iraq, Lybia, Somalia. Rất may mắn, kế hoạch trọng tâm về văn hóa, giáo dục và khoa học của UNESCO ở Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với những ưu tiên trong chiến lược phát triển mà đất nước các bạn đang triển khai. Việt Nam là đất nước hòa bình và có nhiều tiềm năng nên trong thời gian tới UNESCO sẽ không thực hiện những dự án nhỏ và thí điểm nữa mà đi sâu vào các chương trình chất lượng hơn, quy mô hơn.

Nói một cách khác, UNESCO sẽ đồng hành để tăng cường hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, giúp các bạn giải quyết có hiệu quả đối với những thách thức đang phải đối mặt, hướng tới phát triển bền vững và hoàn thiện các mục tiêu phát triển đã cam kết với Liên hợp quốc. Tôi cũng muốn nói rằng, thời gian qua, Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm của UNESCO thông qua việc đóng góp vào các diễn đàn ngoại giao đa phương, triển khai hiệu quả sáng kiến và chương trình hợp tác, đóng góp thiết thực vào công việc của UNESCO. Việc Đại sứ Nguyễn Sanh Châu tham gia ứng cử vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO năm ngoái cho thấy chính sách chủ động, tích cực của các bạn đối với tổ chức này.

Tôi hạnh phúc khi được ở Hà Nội!

- Thời gian qua, UNESCO đã có nhiều dự án hợp tác với Hà Nội, đặc biệt về lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa. Ông có thể cho biết những kế hoạch hợp tác tiếp theo với thành phố trong thời gian tới?

- Hà Nội là một đô thị đa dạng văn hóa. Suốt nhiều năm qua, thành phố cũng là nơi phản ánh sự đa dạng trong hoạt động của UNESCO. Về lĩnh vực khoa học, năm ngoái, chúng ta đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận thành lập 2 trung tâm dạng 2 về toán và vật lý dưới sự bảo trợ của UNESCO tại Hà Nội. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên thực hiện các hoạt động hợp tác bảo tồn di sản văn hóa; phát huy các di sản văn hóa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh tế địa phương, phát triển du lịch bền vững...

Do UNESCO đang mở rộng hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ các bạn trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng này, vì vậy chúng tôi cũng mong muốn mở rộng hợp tác với Hà Nội. Cuối tháng 7 này, tôi sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo thành phố để thảo luận về những vấn đề mà Hà Nội quan tâm và ưu tiên trong thời gian tới. Đây là một bước đi để xây dựng chương trình hoạt động phù hợp của UNESCO tại Việt Nam.

- Ông có thể cho biết những ấn tượng của mình về Hà Nội sau một năm sinh sống và làm việc tại đây?


- Trước khi tới Hà Nội nhận nhiệm vụ, tôi chưa từng đặt chân đến thành phố này. Rất nhiều người nói với tôi rằng, đây là thành phố đáng mơ ước và tôi sẽ yêu thành phố này. Quả thực, Hà Nội là một thành phố tuyệt vời để làm việc và sinh sống. Gia đình chúng tôi đã rất hạnh phúc. Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được chọn là một điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều du khách muốn tới thăm và trải nghiệm.

Với tôi, Hà Nội là thành phố có sự giao thoa văn hóa, nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng. Trong thời gian một năm làm việc và sinh sống tại đây, tôi đã đến thăm Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và một số di sản khác của Hà Nội. Có thể nói, đây là những báu vật, là những công trình làm nên hình ảnh của Hà Nội trong con mắt của du khách quốc tế. Trong bối cảnh đô thị hóa, nhiều thành phố đang dần mất đi bản sắc, không còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống cổ xưa thì thật may mắn Hà Nội không như vậy. Với nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thành phố 1.000 năm tuổi của các bạn vẫn giữ được cái hồn với vẻ riêng biệt, đặc sắc.

Tôi tiếc rằng, vì công việc bận rộn, tôi đã không có nhiều thời gian để tận hưởng hết những gì đang diễn ra tại thành phố này - một thành phố xinh đẹp, thân thiện, hòa bình. Tôi thấy rất vui khi ở Hà Nội và mong muốn sẽ ở lại đây lâu dài.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội - thành phố không ngừng vươn lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.