(HNMO) - Những ngày giáp Tết, Hà Nội tưng bừng trong sắc xuân. Đường phố lộng lẫy hơn khi được tô điểm bởi những chùm đèn trang trí và sắc đào, mai bày bán trên các ngõ phố.
Nhiều chương trình nghệ thuật, vui chơi dịp Tết Mậu Tuất tại Hà Nội. |
Những bữa tiệc âm nhạc, giải trí chào Xuân
Ngay trong đêm Giao thừa (30 Tết), nhiều đơn vị nghệ thuật của Hà Nội đã chuẩn bị những chương trình riêng phục vụ nhân dân dịp Tết. Nhà hát Chèo Hà Nội xây dựng hai chương trình nghệ thuật vào 22h ngày 15-2 (tức đêm Giao thừa), đó là “Bay cùng mùa xuân” tại Công viên Thống Nhất và “Sắc xuân Hà Nội” tại trung tâm quận Hà Đông. Nếu như “Bay cùng mùa xuân” mang màu sắc trẻ trung, sôi động với những ca khúc về mùa xuân như “Xuân yêu thương”, “Khúc giao thừa”, “Thì thầm mùa xuân”, “Bay cùng mùa xuân”... thì “Sắc xuân Hà Nội” lại đậm nét cổ truyền khi tái hiện không gian vui Tết truyền thống trên sân khấu qua các tác phẩm: “Áo lụa Hà Đông”, “Hà Nội một trái tim hồng”, “Tình ca mùa xuân”, múa “Hương sen Tây Hồ”, hát chầu văn “Cô đôi thượng ngàn”…
Nhà hát Cải lương Hà Nội chuẩn bị chương trình chào Xuân gồm các tác phẩm ca múa nhạc, kịch ngắn diễn ra tại Vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) vào đêm 30 Tết với các tác phẩm: “Hào khí Thăng Long”, “Dòng máu Lạc Hồng”, “Đất nước lời ru”, ca cổ “Đài hoa dâng Bác”, xẩm và chùm kịch ngắn “Đêm Giao thừa”, “Dịch vụ lấy chồng ngoại”…
Chương trình "Ngày hội xiếc thú và những chú hề" tại rạp xiếc Việt Nam từ ngày mùng 3 Tết. |
Theo kế hoạch tổ chức của Sở VH-TT Hà Nội, dịp đón Tết Mậu Tuất sẽ có nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể thao diễn ra từ đêm Giao thừa cho đến ra Giêng. Có thể kế đến là chương trình biểu diễn thể dục, thể thao tại khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ (mùng 5 Tết); triển lãm ảnh mừng Đảng, mừng Xuân (từ ngày 1 đến 20-2) tại Nhà triển lãm Đinh Tiên Hoàng; biểu diễn nghệ thuật tại các quận, huyện, thị xã vào 20h các ngày từ 18 đến 20-2-2018 (tức từ ngày mùng 3 đến mùng 5 tháng Tết); tổ chức chiếu phim tại các địa phương từ tháng 1-2018; trang trí mở cửa đón khách tham quan, du lịch tại các di tích bảo tàng, đền Ngọc Sơn, nhà tù Hoả Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Hà Nội… Một hoạt động thể thao thú vị của năm nay là lần đầu tiên, Hà Nội tổ chức thi bơi chải tại hồ Tây vào mùng 9 và 10 tháng Giêng.
Từ mùng 3 Tết, Rạp xiếc trung ương khai xuân với chương trình “Ngày hội xiếc thú và những chú hề”. Theo Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Tống Toàn Thắng - đạo diễn chương trình, đây là chương trình được dàn dựng theo kiểu carnaval với những màn trình diễn vui nhộn của các loài động vật như khỉ, gấu, voi, ngựa, chó, mèo, trăn… Nhà hát Tuổi trẻ năm nay cũng sẵn sàng chương trình ca nhạc - hài kịch với tên gọi “Chào xuân” diễn ra từ ngày 23 đến 25-2 (tức từ mùng 7 đến mùng 10 tháng Giêng). Chương trình gồm các tiểu phẩm hài kịch mới nhất do NSƯT Chí Trung đạo diễn, “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng viết kịch bản với các vở hài kịch: “Tơ trời mong manh”, “Nhầm” và các tiết mục ca múa nhạc do nhà hát dàn dựng.
Đi đâu, chơi gì ngày Tết
Đón Xuân Mậu Tuất, nhiều di tích của Hà Nội tổ chức các hoạt động vui đón Tết mang màu sắc truyền thống. Từ đầu tháng 2, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội sắp đặt không gian Tết truyền thống tại Đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc) gồm: sắp đặt không gian thờ của gia đình thành thị và gia đình nông thôn khu vực đồng bằng Bắc Bộ; trình diễn thư pháp Việt; các dòng tranh dân gian; giới thiệu nghệ thuật cây cảnh và thú chơi cây cảnh của người Hà Nội trong ngày Tết. Bên cạnh đó, các hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống tại các điểm di tích trong khu phố cổ Hà Nội sẽ diễn ra trong thời gian từ 20h đến 22h vào các ngày từ 17-2 đến 22-2 (tức mùng 2 đến mùng 7 Tết) tại đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào, vào mùng 2 Tết), đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc, vào mùng 3 Tết), Trung tâm Thông tin di sản phố cổ Hà Nội - Đền Quan Khế (28 Hàng Buồm, vào mùng 4 Tết), Hội quán Phúc Kiến (40 Lãn Ông, vào mùng 5 Tết).
Nhiều hoạt động vui Tết cổ truyền tại Hoàng thành Thăng Long và phố cổ Hà Nội. |
Gần 1 tháng nay, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tổ chức hoạt động Tết Việt và tiếp tục kéo dài đến 24-2 (tức ngày mùng 8 tháng Giêng) với nhiều chương trình nhớ về Tết truyền thống xưa. Ngoài những trò chơi dân gian, cảm nhận thú chơi tranh ngày Tết của cha ông qua các dòng tranh dân gian như tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, trong dịp Tết Nguyên đán, tại Hoàng thành còn diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa truyền thống, cũng như các màn biểu diễn văn nghệ, múa rối nước, võ thuật cổ truyền phục vụ khách du xuân. Ban tổ chức cho biết, các hoạt động tại đây không chỉ nhắc nhở công chúng nhớ về Tết truyền thống với những nét đẹp như: gói bánh chưng, làm hoa trang trí ngày Tết, xin chữ đầu xuân mà còn tái hiện không gian dâng hương Điện Kính Thiên.
Một địa điểm vui xuân không thể thiếu tại Hà Nội đó là Hội chữ Xuân Mậu Tuất tại khu Hồ Văn (di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Khai mạc từ ngày 9-2, Hội chữ đã tấp nập du khách đến xin chữ để treo trang trí trong nhà. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đơn vị tổ chức, cho biết, trong đêm Giao thừa, hoạt động cho chữ sẽ kéo dài đến 2h sáng để phục vụ nhu cầu “xin chữ đầu năm” của người dân. Ban tổ chức đã niêm yết công khai bảng giá cho chữ với mức giá giấy viết thư pháp đã bao gồm cả công vẽ có giá từ 100.000 - 200.000 đồng. Số điện thoại đường dây nóng của ban tổ chức được công khai để du khách phản ảnh hiện tượng, hành vi tiêu cực. Theo truyền thống hằng năm, hoạt động xin chữ đầu xuân đặc biệt tấp nập vào ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, bởi nhiều người quan niệm đây là truyền thống “tôn sư trọng đạo” - nét đẹp văn hoá của người Việt.
Hội chữ Xuân Mậu Tuất tại Hồ Văn - di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám. Riêng đêm Giao thừa, hội chữ mở cửa đến 2h sáng. |
Bên cạnh những địa danh diễn ra các hoạt động vui chơi Tết truyền thống, một số địa điểm khác của Hà Nội tổ chức những hoạt động vui chơi hiện đại. Công viên Thiên đường Bảo Sơn tổ chức “Lễ hội hoà âm ánh sáng mừng Xuân Mậu Tuất” từ ngày 17-2 đến 16-3 (tức từ mùng 2 Tết). Tại lễ hội này, có khoảng 100 mô hình như cối xay gió, giày thủy tinh, hồng hạc, thiên thần, tiên nữ, thiên nga, vườn bươm bướm, tượng nhân sư, biển cá heo… được dựng lên. Bên cạnh đó, lễ hội còn có các hoạt động như hội chợ ẩm thực ASEAN, diễu hành carnival, vũ hội chào xuân và mở nhiều khu vui chơi hấp dẫn.
Công viên nước Hồ Tây - đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi cũng thực hiện chương trình “Tết phương Đông” để thu hút du khách. Ban tổ chức của Công viên Hồ Tây cho biết, “Tết phương Đông” được trang trí mô phỏng những nét văn hóa đặc trưng của các nước phương Đông như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mông Cổ và Việt Nam. Du khách sẽ được trải nghiệm vườn hoa anh đào đặc trưng của Nhật Bản; vườn phong lá đỏ của Hàn Quốc; những chiếc đèn lồng đỏ, Tử Cấm Thành của Trung Quốc; hay văn hoá du mục của Mông Cổ…
Tết đã đến thật gần. Với “bữa tiệc” nghệ thuật được bày biện thịnh soạn cùng nhiều địa điểm vui chơi hấp dẫn, người Hà Nội và khách thập phương sẽ có thêm nhiều lựa chọn vui chơi bổ ích và ý nghĩa cho riêng mình và gia đình trong những ngày đầu năm mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.