(HNMO) - Ngày 25-2, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng hiệu quả cao, có thương hiệu, uy tín, khả năng cạnh tranh...
Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản trên địa bàn thành phố đạt 3,5-4,5%/năm; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 25.000ha, trong đó, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 10.000ha, năng suất 15 tấn/ha/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất đạt 200.000 tấn; tổng sản lượng thủy sản chế biến đạt 15.000 tấn; giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động.
Để đạt mục tiêu trên, thành phố tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ, bao gồm: Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, chợ thủy sản đầu mối, điều tra và bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong nhân giống thủy sản nhằm bảo tồn và phát triển các giống loài thủy sản bản địa, đặc hữu, có nguy cơ tuyệt chủng có giá trị khoa học, kinh tế cao.
Cùng với đó, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường quốc tế, có chính sách chủ động tạo nguồn lực cho các hiệp hội ngành hàng xây dựng, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; đầu tư, nâng cấp, xây dựng các cơ sở chế biến thủy sản để tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường...
Bên cạnh đó, thành phố tổ chức liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ ở tất cả lĩnh vực và đối tượng sản phẩm; tạo sự gắn kết, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro giữa các doanh nghiệp, người sản xuất, dịch vụ vật tư đầu vào và các doanh nghiệp chế biến thủy sản nhằm tăng năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.