Kinh tế

Tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn để kinh tế tư nhân bứt phá

Đình Hiệp 09/05/2025 - 21:33

Việc cải cách thể chế giúp tháo gỡ các “rào cản”, “điểm nghẽn” để khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

toan-canh(1).jpg
Tọa đàm “Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết số 68-NQ/TƯ - Những việc cần làm ngay”. Ảnh: Nhật Bắc

Đó là một trong những nội dung quan trọng được các chuyên gia kinh tế, các đại biểu thảo luận tại Tọa đàm với chủ đề “Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết số 68-NQ/TƯ - Những việc cần làm ngay” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 9-5.

Thảo luận tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, thực tiễn gần 40 năm đổi mới cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân đã đi sâu vào cuộc sống, từ công việc hằng ngày của những tiểu thương cung cấp hàng hóa dịch vụ thiết yếu cho mỗi người dân, đến những tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Qua đó, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang góp phần đưa thương hiệu Việt vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Với hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, sử dụng khoảng 82% tổng số lao động.

Bên cạnh những bước tiến rất đáng tự hào, kinh tế tư nhân đang đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng trở thành lực lượng kinh tế nòng cốt của đất nước.

sy-dung.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng (bên phải) trao đổi với ông Phan Đức Hiếu. Ảnh: Nhật Bắc

Thời gian qua, dư luận liên tiếp được đón nhận những thông điệp quan trọng từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về kinh tế tư nhân, như: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”; “tháo chốt”, loại bỏ những điểm nghẽn để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình; muốn tăng trưởng 2 con số, phải dựa vào kinh tế tư nhân…

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết, Nghị quyết số 68-NQ/TƯ ngày 4-5-2025 của Bộ Chính trị về "Phát triển kinh tế tư nhân" nêu rõ các chính sách để phát triển doanh nghiệp lớn thành "sếu đầu đàn", thành các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu, mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân lớn vào các dự án trọng điểm của quốc gia, các lĩnh vực chiến lược, như đường sắt, các dự án cấp bách...

Nghị quyết số 68-NQ/TƯ cũng đưa ra một loạt các giải pháp về tín dụng để phát triển doanh nghiệp, như có cơ chế chính sách đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập.

dung-1.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu. Ảnh: Nhật Bắc

Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, việc triển khai nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TƯ có thể trở thành dấu mốc thay đổi về chất, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB phát biểu. Ảnh: Nhật Bắc
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB phát biểu. Ảnh: Nhật Bắc

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, cho biết, khi Nghị quyết số 68-NQ/TƯ đưa vấn đề kinh tế tư nhân là quan trọng hàng đầu, chúng tôi nhìn nhận đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm.

"Chúng tôi cũng như các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã mong mỏi Nghị quyết này từ rất lâu. Phải nói rằng, chúng tôi đánh giá rất cao và nhìn nhận đây là một bước đổi mới rất lớn của Việt Nam", ông Từ Tiến Phát cho biết.

Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính: "Khi chúng tôi tham gia xây dựng nghị quyết, ban đầu rất lo ngại rằng những đề xuất mạnh mẽ như vậy sẽ không được chấp thuận. Nhưng lần này, có sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, đặc biệt là bài viết của Tổng Bí thư như kim chỉ nam, tiếp thêm niềm tin và quyết tâm cho chúng tôi. Nghị quyết lần này có tính đột phá cao hơn những lần trước. Đây là một đột phá thực sự, gần như bức tường được phá băng".

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính phát biểu. Ảnh: Nhật Bắc
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính phát biểu. Ảnh: Nhật Bắc

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, để sớm thể chế hóa Nghị quyết, cần sớm sửa đổi và bãi bỏ một số luật lệ, quy định và cập nhật ngay vào các dự luật, nghị quyết đang xây dựng.

Trong đó, cần thiết rà soát để bãi bỏ ngay 30% thủ tục hành chính, quy định với các danh mục, phụ lục cụ thể về điều kiện kinh doanh từ các bộ, ngành và thực hiện ngay trong thời gian tới. Vì nếu không có danh mục cụ thể thì không thể bảo đảm việc cắt giảm, bãi bỏ theo tinh thần nghị quyết.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội phát biểu. Ảnh: Nhật Bắc
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội phát biểu. Ảnh: Nhật Bắc

“Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư có ý nghĩa gì khi có yêu cầu phê duyệt chủ trương đầu tư, đó là ý tưởng của nhà đầu tư thì tại sao phải phê duyệt và kéo dài vài năm, hơn cả thời gian xây dựng nhà máy. Vì vậy cần phải cam kết bãi bỏ những danh mục cụ thể”, ông Hiếu chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn để kinh tế tư nhân bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.