Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Hồng Sơn - Ngô Hương| 29/08/2020 06:18

(HNM) - Giải ngân vốn đầu tư công có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19. Làm tốt công tác này sẽ thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nhiều loại vật tư, nguyên liệu, qua đó tạo việc làm, góp phần tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, thành phố Hà Nội quyết tâm tập trung giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.

Giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hà Nội. Trong ảnh: Tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm dự kiến khánh thành vào Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10. Ảnh: Quang Thái

Chủ động trong giải ngân

Theo Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội, trong 8 tháng năm 2020, ước tính Hà Nội giải ngân được khoảng 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phụ trách điều hành hoạt động của Ban Cán sự đảng UBND thành phố và UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, nếu tính cả khối lượng đã hoàn thành nhưng đang chờ nghiệm thu thanh toán trong thời gian tới thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 8-2020 đạt 53% kế hoạch năm. Bên cạnh một số dự án lớn, quan trọng như cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt được khánh thành dịp Quốc khánh 2-9 hay tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm khánh thành vào Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10..., thành phố đang chuẩn bị khởi công một số dự án mới.

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nên các cấp, ngành thành phố đã có nhiều nỗ lực ngay từ những ngày đầu năm. Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm Phùng Ngọc Sơn, Quận ủy và UBND quận đã thành lập tổ công tác chuyên trách để xử lý các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng. Hằng tuần, lãnh đạo quận và các đơn vị liên quan họp 2-3 lần để nắm bắt tình hình và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội Ngô Tuấn Phong cho biết, đơn vị chủ động kiểm soát chi, đẩy mạnh ứng dụng trực tuyến trong thanh toán, vì vậy cơ bản các dự án được giải ngân ngay khi đủ điều kiện; thậm chí nhiều dự án được thanh toán sớm ngay trong ngày.

Thông tin thêm, Trưởng phòng Quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước (Sở Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Quốc Chương xác nhận, kết quả giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay suôn sẻ hơn so với cùng kỳ năm trước nhờ sự cải thiện về thủ tục đầu tư và thanh toán. Nhiều kinh nghiệm được rút ra như tập trung giải quyết các nhóm nguyên nhân, tháo gỡ vướng mắc ở từng dự án bên cạnh việc tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, địa phương.

6 giải pháp hoàn thành kế hoạch

Cầu vượt tại nút giao đường Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, một công trình sử dụng vốn đầu tư công, đưa vào sử dụng từ ngày 28-8-2020. Ảnh: Nhật Nam

Tại hội nghị giao ban trực tuyến tháng 8-2020 của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phụ trách điều hành hoạt động của Ban Cán sự đảng UBND thành phố và UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu khẳng định, Hà Nội đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020, với 6 giải pháp.

Thứ nhất, thành phố rà soát các nguồn vốn, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Thứ hai, thành phố ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Thứ ba, thành phố sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Thứ tư, thành phố thành lập các tổ công tác do các đồng chí phó chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng; trực tiếp tháo gỡ tại công trường, dự án, xử lý ngay các vướng mắc. Thứ năm, triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14, trong đó có một số nội dung có hiệu lực từ ngày 15-8-2020 để bảo đảm các hoạt động đầu tư xây dựng không bị gián đoạn. Cuối cùng là xây dựng phương án điều hòa vốn, kiên quyết chuyển nguồn vốn sang các dự án có khả năng giải ngân nhanh hơn.

"Cùng với đó, thành phố Hà Nội đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí vốn vay nước ngoài theo điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo để sớm thực hiện thủ tục phê duyệt tổng mức đầu tư", đồng chí Nguyễn Văn Sửu nói.

Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Quốc Chương cho hay, Sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc tiến độ các dự án đầu tư; tổng hợp kiến nghị của các chủ đầu tư, báo cáo, đề xuất UBND thành phố tháo gỡ. Với dự án đang triển khai và chuẩn bị khởi công, dự kiến việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ được đẩy nhanh hơn trong những tháng còn lại của năm 2020.

Mới đây, UBND thành phố cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương phải nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà UBND thành phố đã chỉ đạo; quán triệt tới các đơn vị trực thuộc tinh thần “góp gió thành bão” để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu các đơn vị có trách nhiệm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc về hồ sơ, trình tự, thủ tục, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; kiểm điểm tiến độ giải quyết, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tập trung giải ngân vốn đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.