(HNMO) - Chiều 10-4, tại trụ sở UBND thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đã tham dự và chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) của thành phố.
Cùng tham dự có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; lãnh đạo các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã.
Đã khoanh vùng, cách ly, xử lý kịp thời các ổ dịch
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trong tuần qua, trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới. Tính đến 12h ngày 10-4, Hà Nội có 104 ca mắc (44 trường hợp đã khỏi bệnh, 60 trường hợp đang điều trị). Trong số này, có 64 ca được phát hiện tại cộng đồng, trong đó có 40 ca liên quan tới ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai.
Đáng chú ý, Hà Nội đã phát hiện những ca bệnh chưa rõ nguồn lây, có lịch trình di chuyển phức tạp, như: Ca bệnh số 237 người Thụy Điển, tạm trú tại quận Long Biên; ca bệnh số 243 tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Hiện tại, ổ dịch thôn Hạ Lôi ghi nhận thêm 4 ca mắc, trong đó, bệnh nhân số 254 đã chạy thận tại Bệnh viện Thận Hà Nội và tiếp xúc với nhiều nhân viên y tế, bệnh nhân khác.
Về việc xử lý các ổ dịch, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, cơ quan chức năng đã khoanh vùng, xử lý toàn bộ khách sạn, nơi bệnh nhân 237 cư trú, đã lấy mẫu 118 người tiếp xúc gần với bệnh nhân này và tất cả đều có kết quả âm tính.
Tại ổ dịch thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã khoanh vùng, cách ly toàn bộ thôn, gồm 11 xóm liền kề, 11.077 nhân khẩu kể từ ngày 8-4; tiến hành phun khử khuẩn tại các gia đình bệnh nhân và khu vực liên quan; điều tra các trường hợp F1, F2 đúng quy định.
Liên quan đến việc bệnh nhân số 254 đã đến Bệnh viện Thận Hà Nội, cơ quan chức năng đã thiết lập khu vực cách ly tại bệnh viện này, khử khuẩn toàn bộ bệnh viện; lấy mẫu xét nghiệm; chuyển 17 bệnh nhân chạy thận cùng phòng với bệnh nhân 254 đến Bệnh viện Bắc Thăng Long để tiếp tục điều trị...
Còn tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, đến nay cơ bản đã được kiểm soát. Cơ quan chức năng đã rà soát được 26.506 trường hợp tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm 21.975 trường hợp, trong đó 14.037 mẫu có kết quả âm tính.
Về công tác xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã lấy được 49.598 mẫu, trong đó có 10.594 mẫu test nhanh và hơn 39.000 mẫu xét nghiệm RT-PCR. Qua đó, đơn vị đã phát hiện 40 trường hợp dương tính, tuy nhiên 37/40 trường hợp này khi xét nghiệm khẳng định lại đều âm tính, còn 3 trường hợp đang đợi kết quả.
Xét nghiệm cho 100% người dân thôn Hạ Lôi
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, sau bệnh nhân 243, đến nay, các cơ quan chức năng đã ghi nhận thêm 4 ca dương tính với Covid-19 trên địa bàn huyện. Ngoài ra, qua rà soát, trên địa bàn thôn Hạ Lôi có 339 trường hợp F1 (119 trường hợp liên quan đến bệnh nhân số 243, 220 trường hợp liên quan đến bệnh nhân số 250); trong đó có 294 trường hợp ở xã Mê Linh, 45 trường hợp ở các địa phương khác. Đến nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của huyện đã chuyển 320 trường hợp F1 đi cách ly tập trung tại các bệnh viện. Trung tâm Y tế huyện Mê Linh đã và đang phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và Trung tâm Y tế của 29 quận, huyện, thị xã lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân thôn Hạ Lôi.
Trước thực tế trên, huyện Mê Linh kiến nghị bổ sung, tăng cường cán bộ y tế về xã Mê Linh, hỗ trợ huyện khoanh vùng, dập dịch; xét nghiệm cho 100% người dân thôn Hạ Lôi.
Về việc thực hiện cách ly y tế ở thôn Hạ Lôi, lãnh đạo địa phương cho biết, người dân nghiêm túc thực hiện quy định cách ly, có ý thức chủ động phòng, chống dịch Covid-19. Hàng hóa, lương thực, thực phẩm, vật tư y tế được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho người dân… Để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, huyện duy trì 66 tổ điều tra ở thôn, xóm và các chốt phòng, chống dịch, trong đó có 3 chốt “mềm” để cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, 6 chốt “cứng” nhằm quản lý cách ly triệt để, bảo đảm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” tại thôn.
Đã có một số doanh nghiệp đồng hành bình ổn giá thịt lợn
Liên quan đến vấn đề cung ứng hàng hóa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã xây dựng phương án cấp độ 3, bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa cho nhân dân thành phố cũng như nhân dân tại khu vực cách ly, lượng hàng hóa dự trữ gấp 3 lần so với các tháng bình thường. Hiện nay, thành phố có 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện ích, 455 chợ, 492 cửa hàng xăng dầu, hơn 600 cửa hàng gas..., đều bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Về giá thịt lợn trên thị trường vẫn tăng cao, Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện nay đã có một số doanh nghiệp đồng hành bình ổn giá, ví dụ như siêu thị Big C đã thực hiện giảm giá thịt lợn. Một số doanh nghiệp khác cũng đã mở thêm các điểm bán để bảo đảm cung cấp hàng hóa khi nhu cầu người dân tăng.
"Sở đã xây dựng các kịch bản, quy trình điều phối hàng hóa cho các kịch bản khi dịch diễn biến phức tạp. Đó là: Quy trình điều phối hàng hóa phục vụ cho nhu cầu bình thường của người dân; quy trình điều phối hàng hóa khi xảy ra thiếu hàng hóa cục bộ; quy trình điều phối khi xảy ra thiếu hàng trên diện rộng; quy trình phối hợp cùng các địa phương điều phối hàng hóa cho các khu vực cách ly. Khi thôn Hạ Lôi cách ly, Sở Công Thương cùng các địa phương đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa cho thôn, bảo đảm hàng hóa đầy đủ, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân", Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin.
Tới đây, Sở Công Thương sẽ cập nhật các điểm cung ứng hàng hóa, bán khẩu trang trên ứng dụng Hà Nội Smart City để người dân dễ dàng tìm kiếm và mua sắm tại những điểm gần nơi mình sinh sống.
Tại cuộc họp, các đơn vị, địa phương tiếp tục thông tin về việc rà soát, cách ly các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh.
Bệnh viện Thận Hà Nội và Bệnh viện Bắc Thăng Long cho biết, đã tiến hành rà soát các trường hợp F1 liên quan đến bệnh nhân số 254, trong đó, 42 bệnh nhân lấy mẫu ở Bệnh viện Thận Hà Nội đã có kết quả âm tính; 17 bệnh nhân ở Bệnh viện Thận Hà Nội được chuyển đến cách ly tại Bệnh viện Bắc Thăng Long hiện có sức khỏe ổn định.
Quận Bắc Từ Liêm cho biết, đã rà soát, cách ly các trường hợp F1 liên quan đến các ca bệnh, đặc biệt với ca bệnh 243, quận đã xác định 8 trường hợp F1, trong đó trường hợp cán bộ Công an phường Đông Ngạc đã có kết quả âm tính. Quận cũng rà soát được 293 người bán hoa trên địa bàn và đề nghị UBND thành phố cho tiến hành xét nghiệm nhanh với những trường hợp này để tránh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Quận Long Biên cho biết, trên địa bàn không phát sinh thêm trường hợp lây nhiễm mới liên quan đến ca bệnh số 327.
Bộ Tư lệnh Thủ đô báo cáo đã vận chuyển được 14.342 công dân đến các khu cách ly tập trung; đưa 1.631 công dân hết thời gian cách ly về các địa phương. Công an thành phố xử lý 1.643 trường hợp không thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 171 trường hợp buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc...
Phát biểu tại cuộc họp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương khẳng định những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị thành phố và sự đồng lòng của nhân dân Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch. Đồng chí Nguyễn Lan Hương cho rằng, những ngày qua, nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội, vì thế các đơn vị, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý thay mặt UBND thành phố trao số tiền 56 tỷ 200 triệu đồng cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.
Đây là số tiền mà cán bộ, viên chức, người lao động trên toàn thành phố ủng hộ 1 ngày lương cho công tác phòng, chống dịch của thành phố. Đồng chí Nguyễn Lan Hương thay mặt Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tiếp nhận số tiền này. Đồng thời, đồng chí cũng thay mặt Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chuyển giao các trang thiết bị y tế trị giá 2,1 tỷ đồng cho Sở Y tế Hà Nội.
Hà Nội vẫn đang kiểm soát được dịch Covid-19
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và đặc biệt là Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thành ủy, lãnh đạo thành phố đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần: Quyết đoán, kịp thời, nhanh nhạy, bản lĩnh, công khai, minh bạch, đúng tinh thần "chống dịch như chống giặc".
Thành phố đã vượt qua những thời điểm rất cam go, phức tạp như khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, rồi ca bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh như Bệnh viện Bạch Mai; đối mặt với nhiều ca phức tạp khi các ca này đi lại tiếp xúc với nhiều nơi, trực tiếp liên quan đến các cơ sở khám, chữa bệnh của cả trung ương và Hà Nội. Vừa qua, thành phố phải cách ly thôn Hạ Lôi để phòng dịch với số lượng hơn 11.000 người. "Chúng ta đã vượt qua và kiểm soát được tình hình", Bí thư Thành ủy nói.
Theo Bí thư Thành ủy, Hà Nội là địa phương chịu tác động nặng nề nhất, nhiều nguy cơ rủi ro nhất với các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài và giờ đây có nguy có lây nhiễm chéo trong cộng đồng. "Chúng ta ngoài việc thực hiện trách nhiệm không chỉ chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn mà phải thực hiện nhiệm vụ đón bà con ở nước ngoài về cách ly tại các khu cách ly tập trung. Với khối lượng công việc lớn và phức tạp như vậy, nhưng chúng ta đã vào cuộc quyết liệt, đến nay cơ bản vẫn kiểm soát được tình hình dịch", đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định.
Có được những thành công bước đầu đó, theo đồng chí Vương Định Huệ là do sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các cấp. "Chúng ta đang phải đối diện với kẻ thù vô hình dễ lây, khó phòng. Thành ủy Hà Nội rất cảm ơn, trân trọng công lao đóng góp của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cán bộ các thôn, tổ dân phố đã thực hiện nghiêm túc "rà từng ngõ, gõ từng nhà", thực hiện nhiều mô hình phòng, chống dịch sáng tạo", Bí thư Thành ủy bày tỏ.
Bí thư Thành ủy cũng cảm ơn sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ, giúp đỡ của toàn thể nhân dân Thủ đô và gần 2 triệu khách vãng lai cũng như thường xuyên sinh sống ở thành phố đã chấp hành nghiêm túc các quy định phòng dịch, có trách nhiệm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, qua công tác phòng dịch, những giá trị căn bản của xã hội, của đất nước, của nhân dân Việt Nam, của Thủ đô không mất đi mà còn nhân lên rõ rệt với nhiều tấm lòng hảo tâm, chung sức, đồng lòng với Đảng bộ, chính quyền thành phố, để chia sẻ, hỗ trợ đóng góp về mặt tinh thần, vật chất, sáng kiến hay cả những lời khuyên, tư vấn với nhiều gương không thể kể hết như nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ kinh phí, thiết bị y tế...
Bên cạnh việc biểu dương những thành quả mà Hà Nội đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay khi số lượng các ca bệnh giảm bớt, người dân bắt đầu có hiện tượng chủ quan. Số người ra nơi công cộng tăng lên. Vì thế, Bí thư Thành ủy kêu gọi người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội, hạn chế ra đường khi không có việc cần thiết để giảm tối đa thiệt hại. Các cấp chính quyền cần tuyên truyền, vận động nhân dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.
Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ "kép"
Cùng với ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, Bí thư Thành ủy yêu cầu vẫn phải đảm bảo sự vận hành thông suốt của hệ thống chính trị, nhất là công tác ứng trực cho những nhiệm vụ quan trọng và đột xuất.
Trong đó, phải tiếp tục chuẩn bị các công tác để tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp; phải duy trì hoạt động thiết yếu của đời sống kinh tế - xã hội để giảm thiểu thiệt hại kinh tế tác động bởi dịch bệnh, tập trung tăng cường cho các hoạt động kinh tế mà thành phố có dư địa, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động và an sinh xã hội.
Cụ thể, về nông nghiệp, năm nay thành phố quyết tâm đạt tăng trưởng khoảng 4,04%, trên cơ sở tái đàn lợn; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm; giảm diện tích trồng hoa và tăng diện tích trồng rau, củ, quả... Bí thư Thành ủy cũng cho biết, Hà Nội đã chuyển 650 tỷ đồng ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay giải quyết việc làm, thúc đẩy nông thôn phát triển và các công trình hạ tầng khác, bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp đề ra. Ngoài ra, Hà Nội cũng đang đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thực hiện các công trình chào mừng đại hội đảng bộ các cấp.
"Hà Nội phấn đấu tăng trưởng cao gấp 1,3 lần mức tăng GDP của cả nước trong năm 2020. Tới đây, Hà Nội sẽ ban hành danh mục các công trình chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, để các địa phương cùng thực hiện", Bí thư Thành ủy cho biết.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch thành phố cần có hướng dẫn, tập huấn bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh việc bị lây nhiễm khi thực hiện nhiệm vụ sản xuất.
Nhấn mạnh thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai gói hỗ trợ kinh tế 7.000 tỷ đồng; thực hiện rà soát các đối tượng bị thiệt hại để thực hiện gói hỗ trợ này, Bí thư Thành ủy lưu ý: "Việc triển khai chính sách này phải theo phương châm nhanh, kịp thời, đúng đối tượng, tuyệt đối không để xảy ra sai phạm, trục lợi".
Cuối cùng, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, thành phố và nhân dân cần phải sát cánh, đồng lòng, đồng sức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ một cách bản lĩnh, quyết liệt thì mới có thể chiến thắng được dịch bệnh và các mặt trận khác.
Mở rộng xét nghiệm, bảo đảm đời sống nhân dân
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cam kết sẽ thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp.
Đánh giá về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, số ca dương tính trong những ngày gần đây có xu hướng giảm, nhưng diễn biến phức tạp hơn, nguy cơ lây lan trong cộng đồng cao hơn, do những ca mới phát hiện đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, ở nhiều địa điểm. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường quản lý, không để người dân tập trung đông người; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội. Mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong công tác phòng, chống dịch, góp phần tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Trường hợp nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. "Các chuyên gia quốc tế cảnh báo, khi mầm bệnh đã ra ngoài cộng đồng thì dịch Covid-19 có nguy cơ lan nhanh, có thể tăng gấp nhiều lần số ca dương tính trong khoảng thời gian ngắn. Và chỉ cần 10% người dân không cách ly xã hội thì mọi nỗ lực của các cơ quan chức năng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong thời gian qua sẽ không có giá trị", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung trăn trở.
Để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung giao Công an thành phố mở đợt cao điểm về phòng, chống tội phạm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật; giao Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, nhất là những hàng hóa phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với đó, các ngành, địa phương sớm tiến hành khảo sát các đối tượng bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 theo tinh thần công khai, minh bạch, lập danh sách các đối tượng cần trợ giúp, làm căn cứ để triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội.
Đối với các công trình xây dựng không có yếu tố liên quan đến nguồn lây nhiễm Covid-19, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung giao chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn quyết định việc để các đơn vị thi công tiếp tục làm việc hay dừng lại. Nếu tiếp tục làm việc, đơn vị thi công các công trình phải bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch.
Tiếp tục khẳng định việc xét nghiệm là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện sớm các trường hợp dương tính với Covid-19, từ đó triển khai phương án khoanh vùng, dập dịch hiệu quả, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu các lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả các trường hợp thi hành công vụ, tham gia phòng, chống dịch tiếp xúc gần với nguồn lây nhiễm; xét nghiệm nhanh cho những trường hợp bị tạm giam, tạm giữ trước khi đưa vào tạm giam, tạm giữ. 100% trường hợp cách ly tập trung phải được xét nghiệm khẳng định lần thứ hai trước khi hết thời gian cách ly.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đồng ý với đề xuất của huyện Mê Linh về lấy mẫu xét nghiệm cho người dân thôn Hạ Lôi - nơi cư trú của bệnh nhân số 243 và một số bệnh nhân mới phát hiện. Công tác xét nghiệm tại địa phương này sẽ tiến hành theo thứ tự ưu tiên F1, F2, F3... Để đẩy nhanh tiến độ. Nếu cần, các cơ quan, đơn vị chức năng có thể huy động thêm sinh viên ngành Y đến hỗ trợ.
Trước thực trạng cánh đồng hoa ở thôn Hạ Lôi không được thu hoạch kịp thời do người dân đang trong thời gian cách ly y tế, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho phép những hộ dân không có thành viên nào tiếp xúc với nguồn lây nhiễm được bố trí một lao động đi thu hoạch hoa; đồng thời giao các cơ quan chức năng hỗ trợ đầu ra cho cánh đồng hoa ở Hạ Lôi.
Liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung lưu ý, các địa phương hoàn thành việc xét nghiệm cho các trường hợp có yếu tố liên quan đến bệnh viện này chậm nhất vào ngày 13-4 (thứ hai tuần tới); giao UBND quận Đống Đa ra quyết định hết thời hạn cách ly đối với Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 12-4. Theo đó, Bệnh viện Bạch Mai có thể trở lại khám, chữa bệnh bình thường.
Nhằm bảo đảm an toàn cho các cơ sở y tế, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung giao Sở Y tế Hà Nội rà soát, xây dựng kế hoạch mua sắm, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác dự phòng; chủ động hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức đón tiếp, điều trị cho bệnh nhân theo quy trình phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19. Tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố bố trí trang thiết bị, giường bệnh cách nhau tối thiểu 2m.
Riêng Bệnh viện Thận Hà Nội phải khử khuẩn toàn bộ khu vực, trang thiết bị y tế; phối hợp lấy mẫu xét nghiệm cho 100% cán bộ, nhân viên và bệnh nhân đang điều trị. "Sau khi hoàn thành việc xét nghiệm với các đối tượng cần ưu tiên, dự kiến, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ mở rộng xét nghiệm đến một số chợ dân sinh, điểm công cộng", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.