(HNM) - Thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 (từ ngày 15-4 đến 15-5), ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương của thành phố tập trung kiểm tra sản phẩm tươi sống, sản phẩm tiêu dùng tại các công đoạn sản xuất có nguy cơ cao. Qua đó, kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.
Kiểm tra các sản phẩm có nguy cơ cao
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, huyện đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại 20 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh ở các xã, thị trấn. Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã xử lý vi phạm hành chính 3 cơ sở với số tiền 6 triệu đồng. Ngoài ra, 16 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của các xã, thị trấn đã kiểm tra tại 423 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ăn uống..., xử lý vi phạm hành chính 5 cơ sở với số tiền phạt là 8 triệu đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu được xác định là người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không mang đủ bảo hộ lao động theo quy định.
Còn Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có gần 1.200 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm do ngành Y tế quản lý, 107 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, 813 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã kiểm tra 163 cơ sở; đoàn kiểm tra thuộc các xã, thị trấn đã kiểm tra hơn 600 cơ sở. Qua kiểm tra, các đoàn đã tiến hành xử phạt 7 vụ vi phạm, trong đó có 1 vụ vi phạm về kinh doanh hàng đông lạnh không bảo đảm chất lượng đã bị xử phạt với số tiền 180 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Trực tiếp tham gia kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Phó Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, ngành Nông nghiệp đã tăng cường công tác lấy mẫu kiểm tra, hậu kiểm, giám sát an toàn thực phẩm. Tổng số mẫu được lấy kiểm tra trong tháng hành động là 10, hiện các mẫu đã được gửi đi phân tích chuyên sâu, chưa có kết quả. Các lực lượng thanh tra ngành Nông nghiệp đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 141 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản, qua đó, xử phạt 7 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 141 triệu đồng.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Theo đánh giá của Sở NN& PTNT Hà Nội, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 được các cấp chính quyền và các sở, ngành kịp thời chỉ đạo, phục hồi phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn nhằm bảo đảm nguồn cung cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm còn chưa thể bao quát hết do nông sản, thực phẩm chủ yếu tiêu thụ qua phương thức truyền thống (chợ đầu mối, chợ dân sinh...), gây khó khăn cho các ngành chức năng trong kiểm soát đầu vào.
Để tháo gỡ khó khăn và duy trì nền nếp công tác kiểm soát an toàn thực phẩm tại các xã, thị trấn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, huyện tiếp tục duy trì hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; duy trì và phát huy hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và xử lý các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm lành mạnh, phát huy ý thức trách nhiệm cộng đồng...
Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Đức Anh thông tin, huyện tiếp tục tuyên truyền vận động, hướng dẫn sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, bảo đảm điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân trong phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, thời gian tới ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ, xử lý nghiêm các vi phạm.
Để công tác quản lý an toàn thực phẩm đạt hiệu quả, ông Chu Phú Mỹ đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở trong việc hướng dẫn các cơ sở tập trung khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn; tiến hành giám sát, ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm phát sinh, bao gồm cả hoạt động giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm có mầm bệnh hoặc gia cầm thuộc diện có dịch bệnh cần phải quản lý...
Bên cạnh đó, các địa phương cần tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn sinh học; siết chặt quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất sử dụng trong nông nghiệp như: Hóa chất bảo vệ thực vật trong gieo trồng sản phẩm rau, củ, quả; chất kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.