(HNM) - Hiện nay, ngành Nông nghiệp đã và đang đẩy mạnh việc đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản nhằm quản lý nguồn gốc nông sản bán ra thị trường. Tuy nhiên, số lượng các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản đa số ở quy mô nhỏ lẻ nên khó khăn cho các ngành chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Thiềng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có hàng trăm cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản quy mô nhỏ lẻ, rải rác trong khu dân cư. Từ đầu năm đến nay, huyện tiến hành kiểm tra 11 cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
Trong đó, kiểm tra 2 cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ (cơ sở của ông Vương Văn Phóng ở xã Uy Nỗ và ông Nguyễn Văn Chung ở xã Cổ Loa), Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã yêu cầu chủ cơ sở thực hiện ngay việc ký cam kết an toàn thực phẩm theo quy định và đề nghị các xã thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện cam kết.
Ngoài ra, 9/11 cơ sở còn thiếu giấy khám sức khỏe của người lao động, giấy xét nghiệm mẫu nước, hồ sơ nguồn gốc đầu vào, bảo hộ lao động... Đoàn kiểm tra đã hướng dẫn và nhắc nhở cơ sở sớm khắc phục và hoàn thiện hồ sơ hành chính.
Cũng về vấn đề này, theo ông Phùng Văn Điền - Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì), thực tế còn tình trạng ý thức của người sản xuất, kinh doanh chưa cao, vẫn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong quá trình sản xuất, bảo quản sản phẩm. Trong khi đó, xã không có cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý an toàn thực phẩm, gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, toàn thành phố hiện có 17.160 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong 9 tháng năm 2019, Chi cục đã kiểm tra, xếp loại 401 lượt cơ sở, trong đó có 292 cơ sở xếp loại A, B (chiếm 75,8%); 93 cơ sở xếp loại C (chiếm 24,2%).
Hiện nay, việc kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố gặp nhiều vướng mắc do số lượng cơ sở nhiều, việc thống kê chi tiết gặp nhiều khó khăn do thông tin hạn chế. Số lượng cơ sở xếp loại B nhiều nên tần suất đánh giá, kiểm tra dày trong bối cảnh lực lượng chức năng mỏng nên hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
Để nâng cao hiệu quả đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Ngô Vi Khả cho rằng cần tăng cường tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ cấp huyện để hướng dẫn các xã, thị trấn về kiểm tra hồ sơ, thủ tục giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.
Các xã, thị trấn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố biết và nghiêm túc thực hiện; đồng thời, tăng tần suất công khai cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, phòng tránh...
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, các địa phương cần huy động các nguồn lực, đầu tư nâng cấp cơ sở giết mổ và kinh doanh thực phẩm, nhất là khu vực chợ.
Ngoài ra, cần tổ chức thống kê, đánh giá, thẩm định, xếp loại cơ sở theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25-12-2018 về quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT; triển khai ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn đối với 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ. Đối với những cơ sở xếp loại C, cần kiểm tra nhiều lần, nếu không khắc phục, phải có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.