(HNMO) – Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tại cuộc họp với các sở, ngành, doanh nghiệp của Hà Nội về công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn giá, vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Quý Tỵ đang cận kề.
Tăng 20-25% hàng hóa dự trữ phục vụ Tết
Theo đánh giá của Sở Công thương, thời gian trước, trong và sau Tết nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng đối với các nhóm hàng phục vụ Tết sẽ tăng từ 20 – 25% so với các tháng bình thường trong năm. Đến nay, các doanh nghiệp đã chuẩn bị được trên 85 triệu lít bia các loại, khoảng 13 triệu chai rượu, trên 17.000 tấn bánh, mứt, kẹo; trên 15 triệu lít sữa các loại phục vụ nhân dân trong dịp Tết và khoảng 28 nghìn tấn các loại sản phẩm gia vị, nước mắm các loại. Ngoài ra, một số loại bánh mứt kẹo, rượu bia cao cấp được các doanh nghiệp nhập khẩu chiếm khoảng 10 – 15% tổng lượng hàng tiêu thụ Tết.
Bên cạnh đó, đối với các nhóm hàng thiết yếu (tập trung vào thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, rau củ) các doanh nghiệp đã có kế hoạch chuẩn bị tăng 20-25% so với các tháng thường trong năm. Đáng chú ý, với các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá luôn đảm bảo lượng hàng hóa dự trữ, bán ra thị trường với giá ổn định đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu tieu dùng trên địa bàn Hà Nội.
Hơn nữa, trong dịp Tết nguyên đán 2013, để đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường, nhất là với những nhóm hàng nguồn cung đang hạn chế như thịt gà, thịt lớn, trứng gia cầm, mặt hàng rau củ các doanh nghiệp phải chủ động khai thác nguồn hàng từ các tỉnh khác.
Mặt khác, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, hệ thống siêu thị, trung tâm bán lẻ trên địa bàn TP cũng đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp đôi so với các tháng thường (trong đó hàng Việt chiếm thị phần từ 75- 80%). Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự trữ gần 5 vạn m3 xăng dầu (tăng khoảng 10% so với Tết năm 2012)…
Cho biết thêm về việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, ý kiến từ ông Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) nêu rõ: Hiện Hapro đang dự trữ 18 nhóm mặt hàng phục vụ Tết, tổng trị giá khoảng 1000 tỷ đồng. Hàng sẽ được bán lẻ tại gần 200 điểm; trong số đó có 57 điểm bán bình ổn giá. Đáng chú ý để đáp ứng nhu cầu trong những ngày sát tết tăng cao, Hapro sẽ mở 300 gian hàng ngoài trời; tập trung 150 gian hàng Tết tại sân vận động quần ngựa, đường Lê Văn Lương (từ ngày 15 đến 29 Tết). Bên cạnh đó sẽ bán lưu động 45 chuyến thực phẩm tươi sống, chế biến, rau củ quả tươi dịp Tết đến các khu công nghiệp, các huyện vùng xa… Tổng công ty cũng tiếp tục tổ chức 5 hội chợ tết ở các huyện Đông Anh, Sóc Sơn…
Nhìn chung, ước tổng lượng hàng hóa dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn TP dịp trước, trong và sau Tết trị giá khoảng 6000 tỷ đồng. Sở Công thương cho biết, với lượng hàng hóa trên sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô trong dịp Tết.
Chưa đến Tết hàng hóa đã rục rịch tăng giá
Còn khoảng 1 tháng nữa mới đến Tết nhưng hiện đã có nhiều mặt hàng trên địa bàn Hà Nội tăng giá. Trước tiên phải kể đến mặt hàng thực phẩm tươi sống như trứng, rau xanh (tăng 15-20%) nguyên nhân do thời tiết gần đây rét đậm, rét hại kéo dài gây khan hiếm nguồn cung. Bên cạnh đó, theo quy luật hàng năm, cứ đến tháng giáp Tết do nhu cầu mua sắm của nhân dân tăng cao nên giá các mặt hàng sẽ leo thang.
Theo đó, mặt hàng gạo nếp đang tăng khoảng 10% so với đầu tháng 12. Dự báo, giá các mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm… sẽ còn tiếp tục tăng do ảnh hưởng nguồn cung và tâm lý găm hàng đến gần Tết mới bán của người chăn nuôi. Với mặt hàng rau củ quả như rau xanh giá cũng sẽ còn tăng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho nhân dân Thủ đô được tăng sử dụng rau an toàn, trong quý 1 này, Sở NN&PTNT sẽ mở thêm 300 điểm bán rau an toàn tại các khu đô thị mới; trong quý 2 mở 600 thêm điểm. Sở kiến nghị TP, hỗ trợ giết mổ gia súc, gia cầm có kiểm soát cho các doanh nghiệp.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường
Tại cuộc họp sau khi nghe ý kiến báo các từ các sở, ngành đơn vị về công tác chuẩn bị hàng hóa, quản lý thị trường phục vụ Tết Quý Tỵ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhận định: Qua 2 tháng thực hiện kế hoạch của TP triển khai kiểm tra, kiểm soát thị trường phục vụ Tết, các đơn vị và 29 quận huyện đã làm tốt công tác đấu tranh chống gà nhập lậu, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Tết năm nay, đứng trước tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập của nhân dân giảm sút nhưng các đơn vị vẫn chuẩn bị đầy đủ gạo, dầu ăn, thực phẩm… phục vụ Tết. TP đã xuất ra 365 tỷ đồng phục vụ cho công tác bình ổn giá.
Còn khoảng 1 tháng nữa là Tết, ngoài vấn đề cần giữ an ninh trật tự chung, Phó Chủ tịch đề nghị Sở Công thương phải nắm chắc tình hình chung về cung cầu thị trường. Hà Nội đã liên kết với 17 tỉnh, TP để có thể điều phối hàng hóa. Các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm soát về giá cả, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng, rượu lậu…;Kiểm tra chặt hàng hóa ở các hội chợ. Bên cạnh đó, cần tăng cường tiếp các đoàn kiểm tra liên ngành; kiểm soát các cửa ngõ ra vào Thủ đô.
Ngoài ra, rét đậm, rét hại đang kéo dài, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở NN&PTNN phải chú ý khâu sản xuất rau xanh, củ quả; TP đồng tình việc cần hỗ trợ giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Vào ngày 12-1, Phó Chủ tịch sẽ đi kiểm tra nguồn cung rau an toàn vào TP. Mặt khác, Phó Chủ tịch đề nghị Hapro triển khai tốt 300 gian hàng bán ngoài trời không chỉ trước tết mà tiếp theo ngay từ mùng 1, mùng 2 tết phải có những điểm bán rau củ quả tươi. Hapro cần tổ chức tốt các chuyến hàng phục vụ vùng xa, các huyện, khu công nghiệp đảm bảo hàng hóa phải tốt, chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.