Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm sao để tránh bị sẹo khi mắc thủy đậu?

Bảo Ngọc| 13/04/2023 17:20

(HNMCT) - Một tháng qua, bệnh thủy đậu “vào mùa”. Đây là căn bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai chưa có miễn dịch. Đáng lo ngại, bệnh thủy đậu ở người lớn gây nhiều biến chứng nguy hiểm hơn và dễ để lại những vết sẹo trên da.

Ở giai đoạn khởi phát, người bệnh bắt đầu nổi ban đỏ, sốt cao và mệt mỏi.

Bệnh ở người lớn nặng hơn trẻ nhỏ    

Nhiều người cho rằng, chỉ có trẻ em mới mắc bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, thực tế là người lớn vẫn có thể bị thủy đậu - điều thường xảy ra ở những người chưa từng mắc bệnh khi còn nhỏ hoặc chưa tiêm vắc xin phòng bệnh. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Trung (khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, năm nay, tỷ lệ người lớn mắc thủy đậu tăng lên, mô hình bệnh tật thay đổi so với trước. Mọi năm, chỉ lác đác bệnh nhân thủy đậu vào nhập viện, tuy nhiên, sau dịch Covid-19, số người mắc thủy đậu cao hơn trước.

Bệnh thủy đậu thường xuất hiện vào tháng 2 - 6 hằng năm. Đó là bệnh lây nhiễm, khá lành tính, tuy nhiên, nếu điều trị không đúng cách hoặc người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ thì có thể gặp các biến chứng đáng lo ngại.

Các chuyên gia y tế cho biết, ở người lớn, bệnh thường dễ gây biến chứng hơn so với trẻ nhỏ - thường gặp nhất là chứng nhiễm trùng da. Điều này xảy ra do tình trạng ngứa ngáy, khó chịu, bệnh nhân thường xuyên gãi và làm vỡ các nốt phỏng. Khi đó, các nốt này sẽ lan ra nhiều vùng da lành khác, gây ra nhiễm trùng, lở loét hoặc mưng mủ. Cùng với đó, nhiễm trùng da có thể dẫn đến bệnh nhiễm trùng máu.

Không chỉ vậy, ở một số người, thủy đậu còn có thể dẫn tới viêm tai ngoài, viêm tai giữa, viêm thanh quản..., thậm chí viêm thận cấp.

Một số khác gây ra biến chứng liên quan đến não bộ, gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Phụ nữ mang thai mắc thủy đậu cũng rất nguy hiểm, bởi biến chứng của bệnh có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Virus Varicella zoster gây bệnh thủy đậu.

Cần làm gì để tránh để lại sẹo?

Ngoài những biến chứng nguy hiểm, nhiều trường hợp mắc thủy đậu gặp những vấn đề nghiêm trọng về da. Thông thường, các nốt thủy đậu bị vỡ dễ để lại vết thâm. Hiện tượng thâm da do tăng sắc tố sau viêm và do nhiễm khuẩn ở các nốt thủy đậu.

Với trẻ dưới 15 tuổi, quá trình tái tạo da rất tốt, do đó, hiếm khi để lại sẹo thủy đậu, ngay cả khi mụn nước bị vỡ, vết thâm cũng có thể dễ dàng hết sau vài tháng mà không cần điều trị.

Tuy nhiên, với người trên 15 tuổi, quá trình tái tạo da diễn ra lâu hơn, các mụn nước nếu không được bảo vệ đúng cách thì rất dễ bị bội nhiễm và hình thành sẹo. Khi da bị tổn thương sâu, các mô và tế bào trên da sẽ không khớp với mô cũ, dẫn tới xuất hiện các vết sẹo thâm, sẹo lồi, sẹo lõm...

Đáng lo ngại, sẹo do bệnh thủy đậu gây nên có thể tồn tại lâu dài trên da mặt nếu không được điều trị đúng cách, làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp của khuôn mặt, khiến người bị bệnh cảm thấy xấu hổ, tự ti.

Nguyên tắc điều trị thủy đậu là vệ sinh da sạch sẽ. Điều này giúp hạn chế tình trạng ngứa ngáy trên da, từ đó hạn chế hoạt động gãi của bệnh nhân làm lây lan thủy đậu đến các vùng da khác. Ban đầu, mụn thủy đậu chứa đầy dịch, sau thì những nốt này sẽ dần hồi phục và khô lại.

Đối với nốt thủy đậu bị vỡ, lời khuyên của bác sĩ là người bệnh sử dụng các loại thuốc sát trùng nhẹ để thoa. Các loại thuốc này sẽ được bác sĩ chỉ định cụ thể tùy theo bệnh nhân, không tự ý mua thuốc uống hoặc thoa để điều trị tại nhà. Ở giai đoạn này, tuyệt đối không áp dụng các phương pháp điều trị sẹo khi tổn thương da chưa lành hẳn, chỉ điều trị sẹo thủy đậu khi các vết thương đã lên da non.

Người bị bệnh thủy đậu sau khi khỏi cần tránh ánh nắng trực tiếp bằng cách sử dụng kem chống nắng, áo chống nắng, mũ rộng vành và giữ gìn vệ sinh thân thể để thủy đậu không để lại sẹo.

Trong trường hợp có nhiều nốt phỏng bị vỡ hoặc các nốt này có dấu hiệu bất thường, cần phải tìm đến bệnh viện ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời, phòng ngừa tình trạng mất nước, bội nhiễm và các biến chứng nguy hiểm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm sao để tránh bị sẹo khi mắc thủy đậu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.