Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội sẽ trở thành trung tâm hàng hóa chế biến để xuất khẩu

Đỗ Minh| 29/05/2023 06:26

(HNM) - Phát triển trong lòng đô thị, nên sản xuất nông nghiệp Hà Nội cần có hướng đi riêng. Trong đó tập trung xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với chuỗi sản xuất, liên kết vùng, xây dựng cơ sở chế biến, hướng tới xuất khẩu… Đây là những nội dung chính được Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa thông tin với phóng viên Báo Hànộimới.

Sơ chế, đóng gói rau an toàn tại Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm). Ảnh: Ánh Ngọc

- Trước hết, bà có thể chia sẻ về bức tranh xuất khẩu nông sản hiện nay của thành phố Hà Nội?

- Mặc dù là Thủ đô, nhưng diện tích sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn khá lớn. Để tạo ra những sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân, hướng tới xuất khẩu, thành phố Hà Nội đang xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số.

Theo đó, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng, trong đó chủ lực là trái cây, gỗ và sản phẩm từ gỗ và một số mặt hàng chế biến. Cụ thể, năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt 1,75 tỷ USD, trong đó hàng nông sản thực phẩm đạt 871 triệu USD, tăng 12,2%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 883 triệu USD, tăng 17,5%... Đa số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Hà Nội đặt nhà máy tại Hà Nội, thu mua nguyên liệu từ các tỉnh, thành phố khác để đóng gói, xuất khẩu.

Đặc biệt, một số sản phẩm nông sản mũi nhọn của Hà Nội có chất lượng cao và xuất khẩu, như: Nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai xuất khẩu sang Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú xuất khẩu đi Đức; rau Văn Đức xuất khẩu Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc... Bên cạnh đó, Hà Nội đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và 4 cơ sở đóng gói với công suất 30-50 tấn/ngày/cơ sở; trong đó 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 8 mã số cấp cho vùng trồng nhãn. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng đang liên kết với Nhật Bản để xây dựng các mô hình sản xuất lúa, chuối hữu cơ, phục vụ xuất khẩu.

- Vậy, những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội là gì, thưa bà?

- Một số địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất còn lỏng lẻo; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Các cơ sở chế biến nông sản chủ yếu là nhỏ và vừa, sản lượng cung cấp ít, chưa ổn định, sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Đáng chú ý, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, sản phẩm nông sản phần lớn chưa được kết nối thị trường thương mại số.

- Để tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm sản, thời gian tới, theo bà, ngành Nông nghiệp Thủ đô giải quyết những khó khăn, vướng mắc đó ra sao?

- Điều cốt yếu là phải xây dựng được nguồn nguyên liệu nông sản đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Theo đó, ngành Nông nghiệp sẽ đồng hành cùng các địa phương tập trung xây dựng những vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Đồng thời, tăng cường gắn kết giữa vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến; tạo cơ chế phát triển nguồn nhân lực quản lý cho hợp tác xã, doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu.

Hiện tại, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và đang hỗ trợ các địa phương đào tạo, tập huấn về xuất nhập khẩu; quản lý và vận hành hiệu quả hệ thống, tiêu chuẩn OTAS (truy xuất, xác thực nguồn gốc). Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn của Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức khảo sát, đánh giá vùng trồng; thu thập thông tin, đo đạc và lập bản đồ vùng trồng chuối; thẩm định hồ sơ, cấp, xác thực mã số vùng trồng, nhập dữ liệu vùng trồng lên hệ thống OTAS, hồ sơ điện tử, cắm biển mã số và kích hoạt trên hệ thống, cấp tem mã số vùng trồng gắn lên sản phẩm...

Ngoài ra, thành phố Hà Nội đã duy trì, phát triển, tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trên Hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ (GIS) ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm sản, nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm của ngành Nông nghiệp trên địa bàn thành phố; xây dựng hệ thống phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

Đặc biệt, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung vào các sản phẩm nông sản, thực phẩm đạt chứng nhận hạng 4 sao, 5 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để quảng bá, xây dựng nền tảng số, hình thành kênh bán hàng; phối hợp các sở, ngành, địa phương tăng cường tập huấn, thông tin về thị trường thế giới, giúp doanh nghiệp hình thành sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngành Nông nghiệp cũng sẽ hỗ trợ hình thành các nhà máy chế biến, đóng gói nông, lâm sản; xây dựng, liên kết các vùng sản xuất ở các tỉnh, thành phố, nhằm giảm tải sản xuất tại Hà Nội.

Hy vọng, trong tương lai không xa, thành phố Hà Nội sẽ trở thành trung tâm hàng hóa chế biến để xuất khẩu đi các nước, giúp gia tăng giá trị cho ngành Nông nghiệp nói riêng và kinh tế Thủ đô nói chung.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội sẽ trở thành trung tâm hàng hóa chế biến để xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.