Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội quyết tâm phục dựng điện Kính Thiên, đưa Hoàng thành Thăng Long thành công viên di sản

Võ Lâm - Ảnh: Viết Thành| 23/02/2021 14:45

(HNMO) - Chiều 23-2, dưới sự chủ trì của Giáo sư Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và các sở, ngành liên quan về tiến độ triển khai các dự án do Trung tâm thực hiện.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Chủ trì buổi làm việc còn có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Chử Xuân Dũng.

Tham dự có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam Michael Croft; lãnh đạo các hội đồng tư vấn khoa học, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và quận Ba Đình, huyện Đông Anh.

Triển khai 5 dự án bảo tồn 2 di sản lớn

Báo cáo Thường trực Thành ủy, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết, năm 2020, Trung tâm đã thực hiện các dự án cải tạo, sửa chữa xuống cấp bằng nguồn kinh phí thường xuyên để phục vụ khách tham quan tại Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa; tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại số 18 Hoàng Diệu theo quy hoạch tổng thể mặt bằng đã được phê duyệt.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh trình bày báo cáo tại hội nghị.

Trung tâm đã và đang thực hiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư 5 dự án. Trong số này có Dự án bảo tồn, tôn tạo tường thành cung phía Tây, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (hoàn thành năm 2017); Dự án bảo tồn nhà Cục Tác chiến và từng bước hoàn trả không gian điện Kính Thiên; Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (dự án tổng thể), Dự án lập quy hoạch chi tiết 1/500 Khu di tích Thành Cổ Loa...

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Giáo sư Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy cho biết, nghị quyết đại hội các nhiệm kỳ Đảng bộ thành phố đều rất coi trọng xây dựng văn hóa, con người Hà Nội. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố xác định phải phát huy các giá trị văn hóa, con người Hà Nội thực sự trở thành nguồn lực nội sinh hàng đầu quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô. Trong khi đó, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới đã được công nhận hơn 10 năm qua; Khu di tích Cổ Loa là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đây là những tài sản rất quý giá của Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đặt vấn đề: “Kể từ khi Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được vinh danh là di sản văn hóa thế giới, đến nay thực hiện tốt được 7/8 cam kết; còn một nội dung là nhất thể hóa quản lý đang tiếp tục thực hiện. Vì vậy, tại cuộc làm việc này, tôi đề nghị tập trung thảo luận, làm sáng tỏ: Vì sao nhất thể hóa quản lý chưa được thực hiện? Vì sao các dự án được triển khai tại 2 khu di tích có ý nghĩa rất quan trọng nhưng không đạt tiến độ?”.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong nhiệm kỳ 2015-2020, có 14 dự án liên quan 2 di tích trên, nhưng mới hoàn thành được 2 dự án và phần lớn hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu về bảo tồn, tôn tạo, phát triển văn hóa du lịch. Trong đó, dự án phục dựng điện Kính Thiên có ý nghĩa rất quan trọng.

Đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu tập trung bàn về Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (đối với Khu di tích Cổ Loa cơ chế sẽ tương tự), phân tích kỹ, nguyên nhân khách quan, chủ quan từ nhận thức đến chủ trương, từ chủ trương đến thể chế và nên chăng có Ban Chỉ đạo liên ngành của thành phố để thúc đẩy việc này? Tất cả hướng đến tầm nhìn là phát triển Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản đẹp nhất Hà Nội dành cho du khách trong và ngoài nước.

“Thành ủy Hà Nội mong muốn, 5 năm tới, phải tạo bước chuyển căn bản, hoàn tất các cam kết với UNESCO và thực hiện các dự án gắn với tầm nhìn đó. Nguồn lực không thiếu, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử rất tâm huyết, sẵn sàng cống hiến, nhân dân Thủ đô rất mong đợi; vậy 5 năm tới làm gì để đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản xứng đáng với giá trị toàn cầu nổi trội?”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Thống nhất cao phải phục dựng điện Kính Thiên

Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan, làm rõ, đề xuất những phương án, giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện các dự án bảo tồn 2 di sản quan trọng nêu trên.

Đáng chú ý, các đại biểu đều đánh giá cao cuộc làm việc của Thường trực Thành ủy, coi đây là ví dụ cụ thể về sự quan tâm với tinh thần đổi mới phong cách lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội.

Các đại biểu cũng nhất trí cao với ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, đặc biệt là tầm nhìn đưa Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trở thành công viên di sản của Thủ đô, vừa bảo tồn, vừa phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch và Dự án phục dựng điện Kính Thiên.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho rằng, việc phục dựng điện Kính Thiên là rất quan trọng; nhưng thành phố nên chia ra một dự án nghiên cứu trước; sau đó, sau khi kết quả nghiên cứu được phê duyệt mới thực hiện dự án phục dựng.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: “Chúng ta không thể không phục dựng điện Kính Thiên. Nhưng trước hết phải nghiên cứu cơ sở để phục dựng. Thành phố nên vào Huế để nghiên cứu thêm, vì chắc chắn triều Nguyễn có tham khảo hình thức Hoàng thành Thăng Long để xây dựng kinh thành”.

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chia sẻ: “Các dự án như phục dựng điện Kính Thiên rất khó khăn, nhưng phải hành động ngay từ bây giờ”.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: “Hoàn toàn có cơ sở phục dựng lại điện Kính Thiên, vì trên thế giới có những di tích không có cơ sở như chúng ta, nhưng họ đã phục dựng thành công”.

Nhà sử học Lê Văn Lan nhìn nhận, các dự án phục dựng khu vực Hoàng thành Thăng Long thời gian qua còn tản mạn và chậm tiến độ. Ông đề nghị Thường trực Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vào hai dự án là Nhà trưng bày, bảo quản hiện vật 18 Hoàng Diệu và phục dựng điện Kính Thiên.

Nhà sử học Lê Văn Lan phát biểu tại hội nghị.

Hà Nội thực hiện rất nghiêm các cam kết với UNESCO

Nhiều ý kiến đều khẳng định việc thống nhất quản lý Khu di sản Hoàng thành Thăng Long là yêu cầu cao nhất của UNESCO. Vì thế, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải thực hiện bàn giao đất đai của các đơn vị, cá nhân liên quan.

Trong khi đó, trao đổi về Khu di tích Cổ Loa, nhiều nhà khoa học đã nhấn mạnh đề nghị phải sớm xây dựng đền thờ Ngô Quyền, người đã đưa đất nước thoát khỏi một nghìn năm Bắc thuộc; đồng thời phục dựng lại các vòng thành của thành Cổ Loa. Theo Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên, đây chính là tâm nguyện của cán bộ và nhân dân trong huyện.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, đối với Hoàng thành Thăng Long, nên tách thành hai dự án riêng, trong đó dự án công viên di sản đến nay đủ điều kiện triển khai chủ trương đầu tư và triển khai luôn dự án đầu tư trên diện tích 4,3ha. Dự án thứ hai là đối với khu vực Thành cổ thì quan trọng nhất là trục “thần đạo” với nhiều di tích phải bảo tồn, tôn tạo, trong đó phần việc quan trọng nhất là phải di dời nhà Cục Tác chiến.  

Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft nhìn nhận, Hà Nội là tấm gương, nơi thực hiện rất nghiêm túc các cam kết với UNESCO trong bảo tồn và phát huy các di sản thế giới. UNESCO sẵn sàng huy động các nguồn lực quốc tế để giúp Hà Nội bảo tồn Hoàng thành Thăng Long. Ông cũng đề nghị Hà Nội nên tham vấn ý kiến của Hội đồng Di sản thế giới để bảo đảm việc phục dựng các di tích như điện Kính Thiên không ảnh hưởng đến các giá trị toàn cầu của di sản.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến chuyên gia, trước hết là tách dự án tổng thể thành các dự án thành phần. UBND thành phố cũng phối hợp với các bộ, ngành trung ương để thúc đẩy tiến độ các dự án, trong đó có phần việc quan trọng nhất là bàn giao đất để thống nhất quản lý.

Chỉ đạo quyết liệt, tập trung hành động

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá, kết quả công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa thời gian qua đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Việc triển khai thực hiện các dự án rất chậm, dàn trải, chưa đáp ứng được sự mong đợi của người dân, của Trung ương, thành phố và UNESCO. Nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, từ nhận thức của các cấp, các ngành; việc cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, thành phố còn chậm; công tác phối hợp liên ngành chưa tốt...

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Nhấn mạnh một số yêu cầu, nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước ta đối với việc bảo tồn, phát huy các di sản thế giới và di sản quốc gia; nhận thức rõ hơn những giá trị to lớn của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; từ đó quyết tâm, trách nhiệm, không chỉ thực hiện bằng năng lực, trình độ, mà bằng cả tâm huyết; phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ...

Về giải pháp, đối với việc bàn giao để thống nhất quản lý Hoàng thành Thăng Long, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng cơ sở mới tại quận Nam Từ Liêm để di dời Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam; đồng thời bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, theo tiến độ, yêu cầu để thực hiện bàn giao, tiếp nhận các khu vực còn lại; khẩn trương sửa chữa công trình, mua sắm thiết bị để bảo quản các di vật khảo cổ sau khi tiếp nhận.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, đề xuất chủ trương trình phê duyệt các dự án, trong đó tập trung làm nhanh đối với dự án tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và phục dựng điện Kính Thiên, bổ sung vào danh mục dự án ưu tiên, sớm triển khai đầu tư của thành phố.

“Thường trực Thành ủy xác định, tinh thần chỉ đạo quyết liệt, ai không làm được, chưa nói đến việc kỷ luật, nhưng phải ngồi sang bên để người khác làm. Nếu không quyết tâm thì 10 năm, 20 năm cũng không làm được. Phải tập trung hành động”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Quang cảnh hội nghị.

Đề cập 4 dự án tu bổ, tôn tạo, chỉnh trang liên quan đến Hoàng thành Thăng Long, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng, theo đề xuất của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thì thời hạn hoàn thành còn quá xa, nên rút ngắn lại.

Đối với Khu di tích Cổ Loa, Bí thư Thành ủy đồng ý không lập quy hoạch 1/500 toàn bộ khu di tích; cho phép triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo theo Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt; khi triển khai thực hiện dự án thành phần sẽ lập Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 cho từng dự án.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy đề nghị Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nghiên cứu thêm một dự án huấn luyện đào tạo nhân sự, truyền thông nhằm phát huy giá trị di sản theo gợi ý của đại diện UNESCO. Đồng chí Vương Đình Huệ cũng thống nhất chỉ đạo Trung tâm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, làm hiệu quả, sâu sắc hơn giá trị di sản.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo thành lập ngay Ban Chỉ đạo các dự án liên quan đến Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa, do Chủ tịch UBND thành phố đứng đầu; đồng thời tiếp tục kiện toàn Hội đồng tư vấn khoa học; tăng cường năng lực cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội; tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện nhiệm vụ này.

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội là cơ quan trực thuộc UBND thành phố; có chức năng quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Khu di tích Cổ Loa và Khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội quyết tâm phục dựng điện Kính Thiên, đưa Hoàng thành Thăng Long thành công viên di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.