Thứ Ba, 08/04/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đang tập trung cao độ cho nhiệm vụ tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp, đó là cấp tỉnh, cấp xã và bỏ cấp huyện.
Có ý kiến băn khoăn rằng, liệu tới đây, đội ngũ cán bộ cấp xã có đủ năng lực, trình độ đảm nhận các nhiệm vụ mới nặng nề hơn khi cấp hành chính này sẽ được trao quyền lớn hơn?
Đây là vấn đề lớn, được dư luận quan tâm và đã được Đảng, Nhà nước ta xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, trên cơ sở bảo đảm sau sắp xếp, bộ máy mới sẽ tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
1. Theo dự kiến, ngoài sắp xếp tinh gọn đơn vị hành chính cấp tỉnh, sẽ sáp nhập tổng số hơn 10.000 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay còn khoảng 5.000 đơn vị. Và theo lộ trình, nội dung này được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trước ngày 30-6-2025, để chính quyền cấp xã sẽ bắt đầu vận hành từ ngày 1-7-2025, trong khi cấp tỉnh sẽ vận hành sau ngày 30-8-2025. Như vậy, sau thời gian này, nước ta sẽ chính thức vận hành chính quyền 3 cấp (Trung ương, tỉnh và xã).
Khi đánh giá về việc tổ chức chính quyền 3 cấp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, với mô hình chính quyền 3 cấp thì cấp xã là cấp quan trọng nhất, rất khác so với hiện nay. Bởi với mô hình 4 cấp như hiện nay, cấp xã chủ yếu giải quyết các công việc hành chính mà không được phân cấp, phân quyền để lo về kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, mà những việc này giao cho huyện, tỉnh lo.
Như vậy, tới đây, cấp xã là cấp quan trọng nhất vì đây là nơi gần dân nhất; đồng thời là nơi tổ chức triển khai các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Với vai trò đặc biệt quan trọng sau khi sắp xếp lại, các phần công việc về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ đang được cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện trên cơ sở bảo đảm khi đi vào hoạt động sẽ thực hiện được vai trò là cấp chính quyền gần dân, phục vụ nhân dân tốt nhất. Trong đó, công tác sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức vào các vị trí công tác mới ở cấp xã được đặc biệt chú trọng và đây là “cơ hội vàng” để sàng lọc, giữ lại những người ưu tú, có trách nhiệm, đồng thời loại bỏ người yếu kém, những cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.
Đặc biệt, chủ trương tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã cũng sẽ được xem xét nhằm tăng cường sức mạnh cho cấp chính quyền cơ sở, nhất là trong những lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, ngân sách, dịch vụ công...
Ngoài việc tổ chức, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cấp xã theo hướng tinh, gọn, mạnh, cấp có thẩm quyền cũng đang tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và đặc biệt là Luật Cán bộ, công chức.
Việc hoàn thiện thể chế này, một mặt bảo đảm thống nhất trong hoạt động của mô hình chính quyền 3 cấp; mặt khác hướng đến xây dựng bộ máy chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Trong đó, Luật Cán bộ, công chức sẽ sửa đổi theo hướng không tiếp tục quy định về khái niệm cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời quy định cán bộ, công chức thống nhất từ Trung ương, cấp tỉnh đến cấp cơ sở.
Nói cách khác, tới đây sẽ không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức cấp trung ương, cấp tỉnh, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về liên thông trong công tác cán bộ. Đây là động lực để đội ngũ cán bộ cấp xã yên tâm công tác, đồng thời không ngừng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
2. Thực tế trong những năm vừa qua, thành phố Hà Nội đã gương mẫu, đi đầu trong phân cấp, ủy quyền trong nhiều lĩnh vực trọng điểm cho chính quyền địa phương thực hiện. Điển hình là từ năm 2022 đến nay, thành phố đã thực hiện hiệu quả Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội (theo Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 12-9-2022 của HĐND thành phố Hà Nội).
Sau hơn 2 năm triển khai, tất cả 16 lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền đều cho kết quả khả quan. Trong đó đến nay, thành phố đã thực hiện phân cấp, ủy quyền 136 nhiệm vụ quản lý nhà nước; 578 phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính. Đáng chú ý, thực hiện tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, mới đây, UBND thành phố thống nhất phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp huyện trong việc tổ chức thực hiện một số quy hoạch...
Có thể thấy, vấn đề được rút ra qua phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền tại Hà Nội là khối lượng công việc ở cấp được phân cấp, ủy quyền (cấp huyện) tuy có nhiều hơn nhưng quy trình thủ tục hành chính được thông suốt, công việc giải quyết nhanh và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc phân cấp, ủy quyền giúp rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp.
Cũng nhằm mục đích nâng cao chất lượng cán bộ cấp xã, trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã.
Trong đó, từ năm 2023 đến nay, thành phố đã triển khai hiệu quả Đề án số 34-ĐA/TU (ngày 6-11-2023) của Ban Thường vụ Thành ủy về tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã thuộc thành phố Hà Nội đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Thực hiện đề án này cùng các giải pháp đã thực hiện, thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã bảo đảm số lượng, chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong tình hình mới.
Phải khẳng định, với những việc đã, đang triển khai của thành phố cho thấy, Hà Nội đã “đi trước một bước” về phân cấp, ủy quyền và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đây sẽ là những kinh nghiệm quý, giúp các địa phương cấp xã sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy áp dụng cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong mô hình chính quyền cấp xã mới.
3. Trên tinh thần không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được tiến hành mạnh mẽ, triệt để, khoa học, nhân văn, làm từ trên xuống dưới với phương châm “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”. Bộ máy mới khi đi vào hoạt động hướng đến mục tiêu chính quyền cơ sở vững mạnh, cán bộ gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Khi chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, cấp xã sẽ được phân cấp, phân quyền mạnh hơn với nhiều chức năng, nhiệm vụ mới. Nói cách khác, cấp xã hoạt động theo mô hình chính quyền mới sẽ vừa đảm nhận nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã, vừa gánh vác trách nhiệm của chính quyền cấp huyện hiện nay. Khi đó, yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ cấp xã trong mô hình mới sẽ rất lớn và đòi hỏi sự lắng nghe, cầu thị và chuyên nghiệp trong thực thi công vụ.
Đúng như nhấn mạnh rất sâu sắc của Tổng Bí thư Tô Lâm về vai trò của cấp xã trong mô hình mới là: “Chính quyền phải chủ động tiếp cận được với người dân, thay vì nhân dân phải tới chính quyền... Cán bộ xã ở cơ sở phải nắm bắt được tất cả tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Phải biết được người dân đang mong muốn gì? Khó khăn về cái gì? Cần giúp đỡ cái gì? Những nội dung này xã phải giải quyết...”.
Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đặt ra với đội ngũ cán bộ cấp xã theo mô hình mới càng lớn hơn, đòi hỏi mỗi người khi công tác ở cấp chính quyền này phải không ngừng nâng cao trình độ, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ở góc độ cơ quan có thẩm quyền trong công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần thực hiện đúng các quy định hiện hành, bảo đảm nguyên tắc công bằng, không vị thân, không thiên vị. Làm sao để công tác đánh giá, lựa chọn cán bộ đúng thực chất, trọng dụng được nhân tài và trên hết là thực hiện hiệu quả phương châm việc chọn đúng người, người làm đúng việc.
Cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị sẽ hướng đến các cấp chính quyền tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, nhất là ở cấp xã, để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.