Nông nghiệp - Nông thôn

Hà Nội phát triển vùng rau theo hướng quy mô lớn

Quỳnh Dung 19/12/2023 - 19:04

Thời gian qua, Hà Nội đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo hướng tập trung, quy mô lớn, hình thành các chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp hỗ trợ các hợp tác xã, hộ dân xây dựng thương hiệu rau an toàn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng...

Hiệu quả bước đầu

Bà Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín), cho biết, với diện tích 2,1ha, Hợp tác xã đầu tư xây dựng 6 nhà màng và có 10.000m2 sản xuất rau mầm. Để tạo thương hiệu rau mầm Hợp tác xã, quy trình sản xuất được áp dụng theo “5 không”: Không phân hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không thuốc trừ cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không cây trồng chuyển gen.

rau-thuong-tin.jpg
Sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (huyện Thường Tín) cho giá trị kinh tế cao.

Ngoài ra, để người tiêu dùng có thể nhận diện rau mầm Thanh Hà, Hợp tác xã đã có mã QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ, cung cấp cho thị trường hơn 200 tấn/năm rau mầm các loại, đều đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn...

Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Đa Hoàng Thị Ái Mơ cho biết, Thanh Đa là xã có diện tích trồng rau an toàn lên tới 120ha, lớn nhất huyện Phúc Thọ. Trong đó, thôn Phú An có truyền thống và diện tích trồng rau nhiều nhất (50ha), thôn Thanh Mạc có 30ha... Rau ở Phú An trồng chủ yếu ở khu bãi Nổi với 180 hộ tham gia sản xuất. Mỗi hộ ít nhất có 5 sào, hộ nhiều có tới 2 mẫu rau. Theo tính toán, người dân Thanh Đa trồng 2 vụ bắp cải (vụ đông và đông xuân); bầu và cà pháo (vụ hè, hè thu); 1 vụ ngô nếp (vụ thu đông) cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Như vậy, thu nhập trên 1 sào canh tác mỗi năm ước đạt khoảng hơn 40 triệu đồng. Nếu so với trồng lúa thì lợi nhuận từ trồng rau cao hơn cả chục lần (vụ lúa mỗi năm chỉ được khoảng 2,4 triệu đồng).

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố đã chuyển đổi được hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Trong đó, có 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, thực hiện 37 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với diện tích 2.080,9ha. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho biết, việc hình thành vùng rau an toàn tập trung theo quy mô lớn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đưa tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường; tạo sản phẩm rau an toàn có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cao, bảo đảm hiệu quả, bền vững. Ngoài ra, các ngành chức năng có thể kiểm soát được quy trình rau an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm...

Kiểm soát chất lượng rau ở các vùng tập trung

Hiện nay, để mở rộng, duy trì phát triển vùng trồng rau an toàn tập trung cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng về xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng thương hiệu, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm.

Giám đốc Hợp tác xã rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Cuối, cho biết, Hợp tác xã tập trung sản xuất rau hữu cơ theo quy trình khép kín, từ sản xuất đến sơ chế, chế biến sản phẩm, qua đó, có thể phân biệt được rau hữu cơ của Hợp tác xã với các loại rau khác trên thị trường. Cùng với đó, các ngành chức năng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân sản xuất rau an toàn, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không bón phân hóa học, bảo đảm thời gian cách ly lần cuối trước thu hoạch theo quy định để không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.

cuoi-quy.jpg
Mô hình trồng rau tập trung ở huyện Đan Phượng phát huy hiệu quả.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả các vùng rau an toàn tập trung, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám, hiện nay, trên địa bàn huyện hình thành vùng sản xuất rau an toàn tại các xã: Tráng Việt, Văn Khê, Tiền Phong, Tiến Thắng... với diện tích hơn 700ha. Thời gian tới, huyện hỗ trợ các hợp tác xã tập huấn cho nông dân vùng chuyên canh đủ điều kiện sản xuất rau an toàn; tham gia hội chợ, đăng ký nhãn hiệu, tem nhận diện sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu rau an toàn Mê Linh, nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường; duy trì và nhân rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, giúp người dân yên tâm sản xuất.

me-linh.jpg
Vùng trồng rau tập trung quy mô lớn ở huyện Mê Linh cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thay thế bằng thuốc sinh học để kiểm soát vật tư nông nghiệp trong sản xuất rau an toàn. Các địa phương chủ động hình thành các liên kết ổn định giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau với hợp tác xã, nông dân vùng sản xuất rau an toàn tập trung; phát triển mạng lưới tiêu thụ qua siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ gắn chứng nhận rau an toàn, sử dụng thương hiệu nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, các địa phương cần bố trí quỹ đất sạch, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rau an toàn. Chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm rau an toàn ở những địa phương có đủ điều kiện; tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau thu hoạch theo quy chuẩn kỹ thuật, cung cấp cho thị trường sản phẩm rau bảo đảm chất lượng, có tem nhãn nhận diện sản phẩm để có thể truy xuất nguồn gốc rau trên thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phát triển vùng rau theo hướng quy mô lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.