Đó là yêu cầu tại Kế hoạch số 172/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội trong triển khai thực hiện Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 4-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030.
Để Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố có khả năng tự chủ, phát triển ổn định, lâu dài, đặc biệt là duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của thành phố, kế hoạch xác định 8 nhóm mục tiêu cụ thể.
Trong đó, tập trung nguồn lực, bảo đảm nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của thành phố.
Đặc biệt, quan tâm bố trí ngân sách thành phố và cấp huyện chuyển bổ sung vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội hằng năm, phấn đấu đến năm 2030 tỷ trọng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua đạt tối thiểu 60% trên tổng nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội.
Thành phố cũng tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội từ nguồn vốn trung ương và địa phương, bảo đảm 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.
Cùng với đó, tiếp tục quan tâm củng cố và giữ vững chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,1% trên tổng dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội.
Để làm tốt việc này, thành phố cũng tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp đối với tín dụng chính sách xã hội, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.