Qua khảo sát, phần lớn các chủ tịch UBND cấp xã đánh giá nội dung tập huấn về tín dụng chính sách là hữu ích và thời lượng phù hợp đối tượng tập huấn.
Thực hiện kế hoạch tập huấn về tín dụng chính sách đối với cán bộ là chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, từ ngày 7 đến 23-6, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn cho 110 đại biểu là chủ tịch UBND các xã, thị trấn là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Thanh Oai, Chương Mỹ.
Trong chương trình tập huấn, các chủ tịch UBND xã, thị trấn được nghe Tiến sỹ Trần Hữu Ý, Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương truyền đạt nội dung liên quan đến vai trò của chủ tịch UBND cấp xã trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội và một số nghiệp vụ chính của chủ tịch UBND cấp xã trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Các báo cáo viên là lãnh đạo các phòng nghiệp vụ của Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội giới thiệu về kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội; phổ biến các văn bản, chính sách mới; hướng dẫn thực hiện công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay; giới thiệu dịch vụ Ngân hàng điện tử (Mobile Banking) của NHCSXH trên điện thoại thông minh; những lưu ý và giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn...
Các đại biểu tham dự hội nghị tập huấn đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, khó khăn, vướng mắc và đưa ra các kiến nghị, đề xuất. Các đại biểu sôi nổi thảo luận và phát biểu ý kiến về các câu hỏi, tình huống mà báo cáo viên đưa ra.
Ông Đào Sỹ Hải, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Nhờ sự vào cuộc, phối hợp tích cực của các chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn với vai trò là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.
Đến nay tổng dư nợ các chương trình tín dụng của Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đạt 13.500 tỷ đồng với 262 nghìn khách hàng đang vay vốn, tăng 769 tỷ đồng so với đầu năm, tập trung ở chương trình tín dụng như cho vay giải quyết việc làm; hỗ trợ cải tạo và xây mới công trình nước sạch, công trình vệ sinh, vốn vay cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh, sinh viên; cho vay vốn nhà ở xã hội...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.