(HNMO) - Ngày 17-8, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND, triển khai công tác y tế trường học năm học 2018 trên địa bàn thành phố.
Chia khẩu phần ăn cho các cháu về từng lớp tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy). Ảnh: Thái Hiền |
Theo đó, Hà Nội phấn đấu 100% trường học và các cơ sở giáo dục có phòng y tế riêng, bảo đảm diện tích, thuận tiện công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh; 100% trường học có cán bộ y tế trình độ từ y sỹ trung cấp trở lên; 100% trường mầm non, phổ thông tổ chức kiểm tra, khám sức khỏe theo chuyên khoa cho học sinh; 100% các trường hợp mắc bệnh được thông báo cho gia đình để phối hợp chuyển tuyến điều trị.
100% các trường học đảm bảo vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước ăn uống, sinh hoạt cho học sinh, giáo viên; có nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh, an toàn, thân thiện và sử dụng tốt; duy trì kiểm tra các điều kiện vệ sinh tại các đơn vị trường học.
Ngoài ra, tất cả các quận, huyện, thị xã triển khai mô hình điểm về truyền thông nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật trong trường học, góp phần từng bước giảm tỷ lệ mắc tật khúc xạ, gù vẹo cột sống, bệnh răng miệng, giun sán, hen phế quản... và các yếu tố nguy cơ của sức khỏe trong trường học; theo dõi đánh giá tình trạng dinh dưỡng, phối hợp triển khai Chương trình "Sữa học đường", bữa ăn học đường cấp mầm non, tiểu học.
100% các trường THCS, THPT tổ chức truyền thông giáo dục DS-SKSS vị thành niên, phòng chống HIV/AIDS cho học sinh. 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế; không để xảy ra dịch bệnh lớn, ngộ độc thực phẩm trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn;
Tiếp tục củng cố và nhân rộng mô hình điểm liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe học sinh như: Phòng chống các bệnh mắt học đường, nha học đường, tăng cường các điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh. Đẩy mạnh hoạt động phòng chống tai nạn thương tích học đường, xây dựng trường học an toàn đặc biệt là phòng tai nạn ngã cao, đuối nước, giao thông, cháy nổ...
Lồng ghép các hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường với các hoạt động khác như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu Vitamin A, cải thiện tình trạng dinh dưỡng học sinh, phòng chống dịch bệnh...
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác đảm bảo ATTP trong trường học: Bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh, nước uống cho học sinh, các hàng, quán bán thực phẩm khu vực xung quanh các trường học; phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, từng bước triển khai áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng tại các trường tiểu học bán trú; chương trình "Sữa học đường" nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo, tiểu học...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.