(HNM) - Tại Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã tổ chức hội thảo nhằm tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn, kết nối các giải pháp hiệu quả và các thực hành sáng kiến nhằm nỗ lực cải thiện chất lượng không khí.
Năm 2018, Hà Nội có dân số gần 8 triệu người, chưa kể có thêm hàng triệu người ngoại tỉnh đang sinh sống và làm việc trên địa bàn. Thành phố có khoảng 6 triệu xe gắn máy, 600 nghìn ô tô, tiêu thụ khoảng 40 triệu kWh điện và hàng trăm nghìn lít xăng dầu mỗi ngày… Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí nghiêm trọng nếu không có giải pháp xử lý.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh, sự bùng phát các công trình xây dựng cũng là lý do gia tăng hàm lượng bụi mịn (PM2.5), gây tác hại cho sức khỏe cộng đồng, làm suy giảm chất lượng không khí của thành phố.
Những chiếc bếp than tổ ong cũ được giáo viên Trường Mầm non Chim Non (quận Hoàn Kiếm) sử dụng để làm chậu trồng hoa. |
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho rằng, Hà Nội đã triển khai rất nhiều giải pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí, tuy vậy vẫn còn hạn chế. Ví như, việc đầu tư 2 tuyến đường sắt trên cao giúp giảm phương tiện cá nhân còn chậm tiến độ; việc xây dựng nhiều nhà cao tầng ở trung tâm thành phố cần tính toán cụ thể.
Trước đây, thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng từng bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp, thành phố này đã giảm đáng kể ô nhiễm trong thời gian gần đây. Đó có thể là kinh nghiệm hay để Hà Nội tham khảo...
Mặc dù thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã triển khai nhiều hành động nhằm tăng cường quản lý chất lượng không khí nhưng theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi, công tác quản lý môi trường thành phố còn nhiều hạn chế. Để việc cải thiện chất lượng không khí đạt kết quả thực chất đòi hỏi sự phối hợp liên ngành mạnh mẽ và dài hạn của chính quyền các cấp, các cơ quan nghiên cứu, tổ chức dân sự - xã hội và cả cộng đồng.
Từ thực tiễn tại địa phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đông Anh Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, Hội đang thực hiện đề án Thu gom rơm rạ bảo vệ môi trường, tránh đốt bỏ gây lãng phí năng lượng và giữ vệ sinh môi trường,tạo nguồn nguyên liệu sản xuất nấm rơm trên địa bàn giai đoạn 2015-2020.
Triển khai đề án này, Đông Anh đã xây dựng được 5 mô hình trang trại và 15 mô hình sản xuất nấm rơm tại các hộ gia đình. Các mô hình này đã thu gom được 575 tấn rơm, rạ để sản xuất khoảng 38 tấn nấm, thu về khoảng 2,3 tỷ đồng. Tuy mô hình vẫn còn nhỏ song cho thấy hiệu quả rõ nét, đang được huyện tiếp tục nhân rộng.
Ở khía cạnh khác, theo bà Trần Thị Hoa (Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh - Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đánh giá, để giúp Hà Nội đạt lộ trình thay thế bếp than tổ ong đến năm 2020, trung tâm đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khảo sát hiện trạng sử dụng bếp, kiểm tra sự phù hợp của bếp cải tiến đang có trên thị trường, tổ chức các buổi tuyên truyền cho nhân dân và tập huấn cho cán bộ cơ sở. Vừa qua, trung tâm phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội tổ chức Ngày hội đổi bếp tại 2 phường Phúc Tân và Chương Dương (quận Hoàn Kiếm)...
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi, hiện Hà Nội đã trồng được 920 nghìn cây xanh trong Chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020. Hà Nội cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng để khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng; đồng thời, dùng các nhiên liệu sạch trong giao thông; kiểm soát ô nhiễm chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa để hạn chế ô nhiễm môi trường...
Với những nỗ lực trên, hy vọng Hà Nội sớm cải thiện chất lượng không khí để Thủ đô xanh, sạch, đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.