Xã hội

Người cao tuổi trên địa bàn Thủ đô:Tuổi già nhưng chí không già

Hiền Phương 23/09/2024 - 07:35

Phát huy vai trò “tuổi cao, chí càng cao”, nhiều người cao tuổi trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã, đang tích cực lao động, phát triển kinh tế gia đình. Các mô hình, cách thức làm giàu tiêu biểu của bậc cao niên có sức lan tỏa mạnh mẽ, khích lệ tinh thần yêu lao động, cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu chính đáng cho các tầng lớp nhân dân Thủ đô, nhất là lớp trẻ.

tuoi-gia-2.jpg
Ông Lê Hữu Diện, xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ) giới thiệu về mô hình trồng bưởi Diễn theo tiêu chí của VietGAP.

Không ngừng lao động

Đã gần 80 tuổi nhưng PGS.TS Nguyễn Thị Chính, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn vi sinh, Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển nấm Linh Chi vẫn là tấm gương sáng trong nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học và ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Bà đã tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng trong đời sống, đặc biệt là phòng và hỗ trợ điều trị ung thư, các bệnh hiểm nghèo. Trung bình mỗi năm, bà mang lại doanh thu cho trung tâm khoảng 15 tỷ đồng. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, bà cùng các cộng sự gửi tặng hàng nghìn hộp nấm dược liệu các loại cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để các bác sĩ sử dụng, tăng sức đề kháng của cơ thể.

Hơn 30 năm làm Chủ nhiệm, Giám đốc và hiện tại là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thống Nhất, ông Trần Quốc Cường, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) luôn là người “chỉ huy” giỏi. Với định hướng của ông, 5 năm qua, 12 dịch vụ của hợp tác xã mang lại doanh thu 433,2 tỷ đồng. Không chỉ bảo đảm đời sống của hơn 1.500 xã viên, mỗi năm hợp tác xã còn chi trên 100 triệu đồng cho hoạt động đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ người nghèo, ủng hộ công tác khuyến học địa phương…

Với ông Lê Hữu Diện, xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ), dù đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn không ngừng học hỏi để đưa mô hình bưởi hữu cơ của gia đình có mặt tại thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đặt mục tiêu sản xuất bưởi sạch theo tiêu chí của VietGAP, ông Diện đã nghiên cứu và chuyển hướng chăm sóc cây từ bón phân vô cơ sang hữu cơ, từ bảo vệ cây bằng thuốc hóa học sang chế phẩm sinh học; đầu tư hơn 50 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bằng phần mềm điều khiển từ xa. Nhờ đó, quả bưởi của gia đình ông khi chín có màu vàng óng, tép căng mọng, vị ngọt thanh, không he đắng, có giá trị gấp đôi so với cách trồng thông thường. Với 2ha bưởi, trung bình mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Không giấu nghề, ông Diện luôn phối hợp với Hội Nông dân xã Trung Hòa hỗ trợ bà con kiến thức, kinh nghiệm trồng bưởi hữu cơ. Nhờ đó, các mô hình trồng cây ăn quả theo mô hình của gia đình ông đã được nhân rộng trong và ngoài xã.

Tiếp tục cống hiến

Toàn thành phố Hà Nội hiện có 157.962 người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, trong đó có 16.040 người làm kinh tế giỏi các cấp. Tổng doanh thu 5 năm (2018-2023) của người cao tuổi làm kinh tế giỏi đạt hơn 307.249 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 76.800 lao động.

Thời gian qua, các địa phương đều tạo mọi điều kiện nhằm phát huy vai trò, trí tuệ, kinh nghiệm, bản lĩnh của người cao tuổi trong phát triển kinh tế. Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Mê Linh Tạ Thị Chúc cho biết: “Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện luôn chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên phát huy tinh thần “Tuổi cao, gương sáng”, nêu gương điển hình người cao tuổi tích cực tham gia lao động, sản xuất để các hội viên, người cao tuổi học hỏi, giúp nhiều người có động lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng”.

Là địa phương có nhiều làng nghề và nhiều người cao tuổi đang tham gia sản xuất, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Hoài Đức Nguyễn Viết Ngữ chia sẻ: “Những tấm gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi, mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trên địa bàn huyện đều được các cấp hội phổ biến, nhân rộng để không chỉ những người cao tuổi mà các thế hệ sau cùng học tập”.

Xác định mục tiêu hàng đầu là phát huy tối đa vai trò, kinh nghiệm của người cao tuổi trong phát triển kinh tế, phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng và để phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi đạt được nhiều kết quả hơn, thời gian tới, Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên. “Các cấp hội người cao tuổi thành phố sẽ nhân rộng mô hình, điển hình tiêu biểu thực hiện phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Phấn đấu giai đoạn 2022-2025, ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm, được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. Hộ gia đình có người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi. Các cấp hội người cao tuổi sẽ tiếp tục là cầu nối, tạo điều kiện để người cao tuổi giúp nhau đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế”, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Toàn chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người cao tuổi trên địa bàn Thủ đô: Tuổi già nhưng chí không già

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.