Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất, ban soạn thảo tiếp tục đề xuất 2 phương án rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, đồng thời bổ sung đối tượng có thể rút BHXH một lần.
Với 2 phương án được đưa ra, phương án 1 nhận được nhiều ý kiến đồng thuận hơn. Cụ thể như sau:
Phương án 1, gồm 2 nhóm người lao động. Nhóm thứ nhất là người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 1-7-2025), sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, thì được rút BHXH một lần.
Nhóm thứ hai là người lao động tham gia BHXH từ ngày luật này có hiệu lực trở đi không được áp dụng quy định rút BHXH một lần.
Phương án 2, sau 12 tháng người lao động không tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia khi có điều kiện và hưởng các chế độ BHXH.
Cả hai phương án nêu trên áp dụng cho người lao động bình thường, còn trường hợp đặc biệt (người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, ra nước ngoài định cư…) vẫn được rút BHXH một lần.
Điểm đáng chú ý tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mới nhất là quy định bổ sung đối tượng có thể BHXH một lần với người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng.
Theo đánh giá, cả 2 phương án đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Trong đó, cơ quan soạn thảo ưu tiên phương án 1, bởi phương án có sự kế thừa những quy định hiện hành với những người lao động đang tham gia BHXH, ít gây xáo trộn lớn trong xã hội, nhận được sự đồng thuận của nhiều người lao động. Ngoài ra, phương án này sẽ tiến tới tiếp cận tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về chính sách BHXH.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.