Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Nhiều địa phương đã triển khai tích cực và quyết liệt Công điện khẩn số 07 của UBND thành phố

Hoàng Lân| 19/08/2020 17:46

(HNMO) - Chiều 19-8, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố họp với các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến. Dự và chỉ đạo cuộc họp có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phát biểu tại cuộc họp.

Vẫn còn một bộ phận người dân còn chủ quan

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh nhận định, mặc dù Hà Nội đã có ca thứ phát, có hiện tượng dịch phát tán tại cộng đồng, tuy nhiên chưa lây lan thành ổ dịch lớn, các ca mắc được phát hiện hầu hết tại các bệnh viện. Hà Nội là nơi có nhiều bệnh viện lớn, thường xuyên có lượng người dân qua lại nên có nguy cơ cao dịch xâm nhập từ các tỉnh khác.

"Hiện nay, công tác phòng, chống dịch đã được thực hiện quyết liệt nhưng vẫn còn một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch", ông Hoàng Đức Hạnh đánh giá.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, từ ngày 17 đến 19-8, Hà Nội ghi nhận thêm 4 ca mắc mới (2 ca tại cộng đồng là BN969, BN979 và 2 ca  nhập cảnh từ Guinea Xích đạo). Tính từ ngày 25-7 đến nay, Hà Nội có 36 ca mắc, chưa có ca tử vong, trong đó có 11 ca ngoài cộng đồng. Hiện thành phố đã rà soát được 569 trường hợp F1, hơn 3.300 trường hợp F2 liên quan đến các ca bệnh. Số người đang cách ly tập trung là 2.169 người.

Về vấn đề rà soát người đi Đà Nẵng, đến nay có 100.178 người, trong đó số người về từ ngày 15-7 là 74.545 người (giảm hơn 2.600 người so với báo cáo trước đó). Các địa phương đã lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho những người đi từ Đà Nẵng về, đến 14h ngày 19-8 đã lấy được 66.914 mẫu, đã có kết quả 34.954 mẫu, ghi nhận 1 trường hợp dương tính (BN979). Hiện đã có 24 quận, huyện, thị xã cơ bản lấy xong mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố đã lấy cho 1.109 người có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Kết quả, 1.106 trường hợp âm tính, 2 dương tính (BN752, BN962), 1 trường hợp chưa có kết quả.

Về hoạt động phòng, chống dịch tại cơ sở khám, chữa bệnh, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, các bệnh viện đã thực hiện phân luồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Từ ngày 17 đến 19-8, số bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho, khó thở được phân luồng khám sàng lọc là 982 trường hợp; đã xét nghiệm cho 377 người là bệnh nghi ngờ, nhân viên y tế, bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Xử phạt nhiều người không đeo khẩu trang

Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại Văn bản số 3906/UBND-KGVX ngày 14-8-2020 và Công điện khẩn số 07 ngày 18-8-2020, các quận, huyện báo cáo đã siết chặt việc quản lý các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi công cộng; xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang; dừng các sự kiện lễ hội, quán bar, karaoke; các nhà hàng bảo đảm biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền nhân dân cài đặt ứng dụng Bluezone...

Cụ thể, quận Hoàn Kiếm cho biết, từ chiều 18-8, đã triển khai 457 tổ phản ứng nhanh công tác phòng, chống Covid-19; tiến hành nhắc nhở các cơ sở, điểm di tích trên địa bàn quận thực hiện bảo đảm giãn cách. Quận xử lý xử phạt 162 trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng với số tiền hơn 32 triệu đồng. Quận Bắc Từ Liêm thông tin, đã rà soát được 24 ca nghi ngờ, hiện còn theo dõi 10 trường hợp. Trên địa bàn có 8 trường hợp F0, trong đó có 6 trường hợp nhập cảnh, 2 trường hợp ngoài cộng đồng. Các trường hợp F0 này và những người liên quan đều được cách ly đúng quy định. Quận Nam Từ Liêm cho biết đã xử phạt 213 trường hợp không đeo khẩu trang và bán hàng rong, riêng trong ngày 18-8 đã xử phạt 10 trường hợp không đeo khẩu trang, 4 trường hợp bán hàng rong. 

Về vấn đề này, huyện Phúc Thọ báo cáo, đã thành lập duy trì các tổ giám sát tuyên truyền phòng, chống dịch tại các thôn, tập trung tuyên truyền tới người dân các biện pháp phòng dịch; giám sát, báo cáo ngay cho chính quyền những trường hợp nghi mắc. Trong khi đó, huyện Thanh Trì đã thành lập 30 tổ giám sát; nhắc nhở người dân thực hiện phòng, chống dịch trong cộng đồng...

Báo cáo về việc có nhiều người tập trung đi lễ tại Phủ Tây Hồ vào ngày mùng một tháng Bảy âm lịch (ngày 19-8), quận Tây Hồ cho biết, Ban Chỉ đạo quận đã yêu cầu các phường kiểm tra các cơ sở tín ngưỡng, tuân thủ các biện pháp phòng dịch, có rào chắn, yêu cầu người dân giãn cách, không tập trung đông quá 30 người... Tuy nhiên, đến chiều 19-8, số lượng người đến phủ ngày càng đông, các yêu cầu liên quan đến phòng, chống dịch bị ảnh hưởng, vì thế từ 15h ngày 19-8, quận chỉ đạo phường Quảng An tạm đóng cửa phủ, hạn chế đông người. "Thời gian tới, nếu lượng người tiếp tục đến đông, quận sẽ tiếp tục đóng cửa phủ", lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết.

Tại cuộc họp, Công an thành phố Hà Nội cho biết, đã kiên quyết xử lý những trường hợp không bảo đảm trong việc phòng, chống dịch, trong đó có hoạt động karaoke chui. Đã xử phạt 42 trường hợp vi phạm với số tiền 8,4 triệu đồng do vi phạm công tác phòng, chống dịch. 

Về việc quản lý công tác phòng, chống dịch tại các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, đã rà soát được 9 đơn vị, doanh nghiệp làm dịch vụ nuôi dưỡng người cao tuổi với 747 người. Sở đã thành lập 4 đoàn kiểm tra các cơ sở bảo trợ xã hội, chăm sóc người cao tuổi.

Về các hoạt động phòng dịch trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, đã yêu cầu các nhà hát thực hiện các clip tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch; thanh tra xử lý các vi phạm trong hoạt động văn hóa, thể thao, trong đó có hoạt động karaoke; yêu cầu các di tích bảo đảm công tác phòng, chống dịch...

Báo cáo tại cuộc họp, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, các cơ quan báo chí đã làm rất tốt công tác tuyên truyền phòng dịch tới người dân, trong đó có Báo Hànộimới đã có lượng tin, bài lớn góp phần vào việc tuyên truyền để người dân thực hiện phòng dịch hiệu quả. Tuy nhiên, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất, hiện có nhiều nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch tại các tòa nhà, khu chung cư không còn phù hợp, nên thay thế nội dung tuyên truyền mới hơn.

Hà Nội khoanh vùng không rộng, nhưng rất chặt chẽ

Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đánh giá, công tác phòng, chống dịch hiện đang được kiểm soát tốt, trong đó có Hà Nội. Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đức Phu, Hà Nội đã làm rất tốt công tác khoanh vùng dập dịch, điều tra dịch tễ. "Khác với một số địa phương khác, Hà Nội khoanh vùng không rộng nhưng lại rất chặt chẽ. Cách làm này đã không để dịch bệnh lây lan", PGS.TS Trần Đức Phu nhận định. 

Cùng với nhận định để có vắc xin phòng dịch, có thể Việt Nam còn phải chờ đợi thêm ít nhất 6 tháng đến 1 năm nữa, PGS.TS Trần Đức Phu cho rằng, để phòng, chống dịch, trong những cái khó cần phải lựa chọn cái dễ hơn để làm như thay vì đóng cửa nhà hàng, quán cà phê thì nên triển khai những biện pháp mà thành phố đã chỉ đạo gồm, thực hiện giãn cách chỗ ngồi, làm tấm chắn, yêu cầu khách hàng sát khuẩn, rửa tay, đo thân nhiệt". Việc khách hàng vào một quán ăn được nhắc nhở thực hiện các biện pháp phòng dịch là một cách tuyên truyền rất hiệu quả", PGS.TS Trần Đức Phu nhận xét. 

Việc tuyên truyền phòng, chống dịch được đẩy mức cao hơn

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cho biết, Thường trực Thành ủy ghi nhận và đánh giá cao Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, đặc biệt là các cơ sở đã quyết liệt, sát sao trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy cũng lưu ý các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, đặc biệt là khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người dân cài đặt ứng dụng Bluezone. Ban Chỉ đạo cần hướng dẫn cụ thể các địa phương về công tác phòng, chống dịch sao cho phù hợp với đặc điểm của từng nơi, cần thiết có thể nâng mức độ cảnh báo dịch cao hơn một mức.

Phó Bí thư Thành ủy đề nghị tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, vì chỉ có xét nghiệm RT-PCR mới xác định chính xác được ca bệnh. Tất cả cơ sở khám, chữa bệnh phải làm tốt công tác sàng lọc bệnh nhân. Đáng chú ý, Ban Chỉ đạo cần khẩn trương ban hành các quy trình, quy định chống dịch cụ thể tại công sở, nơi công cộng để hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng theo quy định. Lưu ý trong tháng này cần quan tâm đến hoạt động của các cơ sở thờ tự, tôn giáo, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị cần có sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố để vận động người dân thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý phát biểu tại cuộc họp.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch thành phố đánh giá tình hình dịch tuy vẫn diễn biến phức tạp nhưng số ca mắc đã giảm. Tại Hà Nội, các ca bệnh phát hiện đều rõ nguồn lây. Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành các chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch kịp thời. Đồng chí Ngô Văn Quý đánh giá cao thời gian qua các đơn vị, địa phương đã làm tốt công tác phòng, chống dịch, như: Thực hiện quyết liệt Văn bản số 3906/UBND-KGVX ngày 14-8-2020 và Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 18-8-2020 của UBND thành phố; kiểm tra các cửa hàng ăn uống, giải khát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; xử lý triệt để các ổ dịch; thực hiện việc xét nghiệm RT-PCR đối với các trường hợp ở Đà Nẵng về từ ngày 15-7. 

Tuy nhiên, đồng chí Ngô Văn Quý cũng cho rằng, dù các địa phương đã làm tốt công tác kiểm soát phòng, chống dịch nhưng vẫn có nơi còn hiện tượng người dân chủ quan, ví như trường hợp người dân tập trung đi lễ tại phủ Tây Hồ ngày 19-8 (mùng một tháng Bảy âm lịch). 

Dự báo về tình hình dịch, đồng chí Ngô Văn Quý cho rằng, thành phố đang kiểm soát tốt diễn biến dịch, hiện khó có khả năng dịch lây lan trên diện rộng. Dù vậy, Hà Nội vẫn có ca lây nhiễm trong cộng đồng nên các địa phương, người dân vẫn không được chủ quan, lơ là.

Từ những đánh giá, phân tích, nhận định trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục bám vào những văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, đặc biệt là Văn bản số 3906/UBND-KGVX ngày 14-8-2020 và Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 18-8-2020 của UBND thành phố. Trong đó, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch: Hạn chế ra đường khi không có việc cần thiết; đeo khẩu trang nơi công cộng; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng; thực hiện giãn cách tối thiểu 1m...

Các cơ sở doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần phải bảo đảm phòng, chống dịch như hướng dẫn của Bộ Y tế. Đối với các loại hình dịch vụ như karaoke, vũ trường, quán bar tuyệt đối dừng hoạt động; các địa phương kiên quyết không để quán nước vỉa hè hoạt động. Các nhà hàng ăn uống, cà phê phải thực hiện giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 1m, khuyến khích có vách ngăn, đo thân nhiệt cho khách, nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ.

Tại các phương tiện vận chuyển công cộng, người lái xe, phục vụ và hành khách phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển, thường xuyên dùng dung dịch sát khuẩn tay.

Ngoài ra, đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu tiếp tục dừng tổ chức những lễ hội, giải đấu thể thao, các sự kiện công cộng. Các bệnh viện phải thực hiện nghiêm việc phân luồng, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các cơ quan, đoàn thể hạn chế hội họp đông người, nên họp trực tuyến. 

Bên cạnh đó, đồng chí Ngô Văn Quý yêu cầu các địa phương nhanh chóng hoàn thiện việc xét nghiệm RT-PCR cho người đi từ Đà Nẵng về từ ngày 15-7; tổ chức kiểm tra phòng dịch tốt tại các cơ sở trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, trung tâm bảo trợ xã hội; bảo đảm trang bị đầy đủ thiết bị phòng, chống dịch cho các cơ sở y tế; giám sát và kiên quyết xử phạt những trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng và những cơ sở không được phép hoạt động vẫn cố tình vi phạm.

Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch thành phố yêu cầu Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo trong ngày 20 và 21-8 phải có hướng dẫn việc phòng, chống dịch tại các trường học; bảo đảm các biện pháp an toàn cho học sinh để chuẩn bị khai giảng vào năm học mới.

"Lúc này việc tuyên truyền phòng, chống dịch phải được đẩy lên mức cao hơn thì mới có thể giúp Hà Nội đạt hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch", đồng chí Ngô Văn Quý nhấn mạnh.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Nhiều địa phương đã triển khai tích cực và quyết liệt Công điện khẩn số 07 của UBND thành phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.