(HNMO) - Thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn, sản xuất không đúng quy trình, không đảm bảo an toàn vẫn tràn lan trên thị trường đang là mối lo ngại của người dân. Làm thế nào để nâng cao quản lý trên khâu sản xuất và lưu thông - đó là vấn đề được đặt ra tại kỳ họp thứ 2 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XV.
Trả lời nội dung này, UBND Thành phố cho biết, Hà Nội hiện có 59.109 cơ sở thực phẩm; 425 chợ, 117 siêu thị, 22 Trung tâm thương mại; 1.047 điểm giết mổ nhỏ, lẻ thủ công. Khoảng 240.000 hộ gia đình trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ. Sản xuất thực phẩm của Thành phố mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, còn lại phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.
Thời gian qua Thành phố đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, bài bản, đúng quy định các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo của Trung ương, thực hiện nhiều giải pháp quản lý trong khâu sản xuất, lưu thông; Xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó phân công rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; ban hành quyết định về phân công quản lý ATTP trên từng địa bàn để tránh chồng chéo/bỏ sót trong quản lý cơ sở; xây dựng quy chế phối hợp giữa 3 sở Y tế, Nông nghiệp, Công thương trong quản lý ATTP; Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tuyến Thành phố (đội phản ứng nhanh) để kiểm tra đột xuất các điểm nóng về ATTP... Đồng thời, Thành phố cũng tổ chức ký cam kết ATTP cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, giới thiệu các mô hình điểm về ATTP, xây dựng chương trình truyền thông “Tuyên chiến với thực phẩm bẩn"...
Đáng chú ý, về tổ chức sản xuất, quản lý ATTP theo chuỗi sản phẩm, đến nay, Hà Nội đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất lúa chất lượng cao với 157 cánh đầu mẫu lớn ở 14 huyện; 5.500ha rau an toàn được quản lý; 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.232 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (1690ha); Xây dựng và duy trì 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm (27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 33 chuỗi nguồn gốc trồng trọt), trong đó 7 chuỗi rau, thịt với 6 cơ sở với 11 địa điểm bán được xác nhận sản phẩm an toàn; Phối hợp với các tỉnh triển khai mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi như: Chuỗi sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Hòa Bình, Sơn La với hệ thống cửa hàng, siêu thị Biggreen, Fivimart; chuỗi thịt gà DaBaCo Bắc Ninh...
Về kiểm soát buôn bán chất cấm, ngâm tẩm thực vật, Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với UBND quận, huyện và chính quyền các địa phương đã tiến hành rà soát, thông kê các cơ sơ sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (toàn Thành phố có 628 cơ sở). Ở cấp thành phố, đã kiểm tra, xếp loại đối với 70 công ty, lấy 70 mẫu thuốc bảo vệ thực vật để kiểm định chất lượng, qua đó có 4 công ty xếp loại A, 3 công ty xếp loại B, 13 công ty xếp loại C, 28 công ty không đủ chỉ tiêu để đánh giá, 22 công ty hiện đang chờ kết quả phân tích mẫu. Ở cấp quận huyện, đã kiểm tra, xếp loại đối với 164 cửa hàng, có 92 cửa hàng xếp loại B, 72 cửa hàng xếp loại C.
Thành phố đã kiểm tra 63.898 lượt cơ sở về ATTP (tăng 1.607 lượt cơ sở so với cùng kỳ năm 2015), qua đó phát hiện 11.546 cơ sở vi phạm, phạt tiền 3.672 cơ sở với số tiền phạt hơn 21,5 tỷ đồng. Đồng thời, xử lý 35 thông tin báo nêu, trong đó 21 thông tin xác minh có vi phạm như phản ánh, chuyển điều tra xử lý hình sự 03 vụ, tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo ATTP. Cụ thể, đã tiêu hủy 108 tấn mỡ động vật; khoảng 3,7 tấn đuôi, chân bò; 1,48 tấn hải sản; 2,67 tấn thịt bò; 2,9 tấn ruốc; 6,5 tấn hương liệu, phụ gia thực phẩm; 215kg bột trà sữa chân châu; 2,77 tấn kim chi củ cải; 3.000 thùng bánh kẹo; 3.013 lọ thực phẩm chức năng...
Qua thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, huyện là Đông Anh, Thường Tín, Đống Đa, Nam Từ Liêm và Ba Đình với 10 xã/phường, lực lượng chức năng đã kiểm tra 2563 cơ sở, phát hiện 747 cơ sở vi phạm, xử lý 543 cơ sở, phạt tiền hơn 750 triệu đồng, đóng cửa 17 cơ sở. So với 6 tháng cùng kỳ trước khi thực hiện thí điểm, tỷ lệ cơ sở vi phạm bị xử lý vi phạm hành chính cao hơn (21,2% so với 17,6% của cùng kỳ năm trước), số tiền phạt cao hơn gần gấp 3 lần do kiểm tra chặt chẽ và bài bản hơn. Từ hiệu quả đạt được bước đầu, thời gian tới, Thành phố sẽ nhân rộng mô hình này ở các quận, huyện và mở rộng tới các xã, phường.
Song song với tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả các giải pháp đã và đang thực hiện, Thành phố cũng sẽ tăng cường một số giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý ATTP như: Tập trung triển khai có hiệu quả chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường quản lý nhà nước về ATTP; Đổi mới cơ chế chính sách để phát triển nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất, giết mổ, lưu thông sản phẩm thực phẩm an toàn; Đầu tư trang thiết bị chuyên ngành giám sát ATTP, trong đó có các xe chuyên dụng; Đổi mới phương thức truyền thông, thi đua khen thưởng, kỷ luật trong bảo đảm ATTP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.