Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Nhà hàng, quán ăn thực hiện giãn cách, phòng dịch Covid-19

Hà Hương Nga| 19/02/2021 15:02

(HNMO) - Ngay sau khi thành phố Hà Nội triển khai quy định tạm đóng cửa các hàng quán đường phố, vỉa hè nhằm phòng, chống dịch Covid-19, các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê trên địa bàn thành phố đã nhanh chóng thích ứng, chuyển đổi sang các hình thức bán hàng qua mạng, chuyển hàng tận nơi hoặc bán hàng mang đi. Nhiều biện pháp phòng, chống dịch cũng được triển khai tích cực nhằm bảo đảm an toàn tại các địa điểm kinh doanh.

Một quán cà phê đăng thông báo bán hàng mang đi.

Nhanh chóng thích ứng

Ghi nhận của phóng viên trong ngày 19-2 tại các tuyến đường tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh ẩm thực như Trần Hưng Đạo, Hàng Đào, Quang Trung (quận Hoàn Kiếm); Nguyễn Thị Định, Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy); Lê Ngọc Hân, Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng); Lĩnh Nam, Tam Trinh (quận Hoàng Mai)…, phần lớn cửa hàng đã tuân thủ việc đóng cửa, một số nhà hàng mở cửa song chủ yếu kinh doanh qua mạng, bán mang đi. Một số ít cửa hàng rộng, đủ điều kiện triển khai các giải pháp phòng dịch thì vẫn mở hàng bán.

Anh Vũ Hiếu Trung, quản lý nhà hàng Ẩm thực Tây Bắc (tại phố Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng) bày tỏ sự đồng tình với chỉ đạo của thành phố về việc tạm đóng cửa các quán hàng vỉa hè. Từ kinh nghiệm của các lần dịch trước, ngay khi có thông báo của thành phố, nhà hàng của anh Trung đã chuyển mạnh sang kinh doanh qua mạng.

“Đến nay, nhiều khách hàng đã chọn mua hàng qua mạng, chuyển tận nhà để bảo đảm an toàn”, anh Trung cho biết.

Chị Tạ Thùy Ánh, chủ quán Ngan vịt phố cổ (trên phố Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy) cũng chọn cách đăng thông tin trên Facebook và treo bảng thông báo tại quán: Chỉ bán hàng online và mang đi. Mặc dù vậy, theo chị Thùy Ánh, doanh thu của quán không bị sụt giảm, có những ngày còn tăng hơn so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Mặc dù tới ngày 22-2 (tức 11 tháng Giêng) mới mở cửa trở lại, nhưng chị Nguyễn Thị Ánh, chủ quán gà xé, phở gà (phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, do quán có diện tích nhỏ, không bảo đảm phòng dịch khi ngồi ăn tại chỗ nên quán sẽ chỉ phục vụ mang đi.

Phục vụ song song cả tại chỗ và mang đi là giải pháp được nhà hàng Vị Quảng (ở ngõ Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm) triển khai nhằm bảo đảm không gián đoạn kinh doanh. Theo nhân viên nhà hàng, với đồ mang đi, hóa đơn từ 150.000 đồng trở lên sẽ được miễn phí vận chuyển 3km đầu tiên. Trong những ngày qua, số khách hàng gọi tới quán đặt đồ mang đi tăng đáng kể so với trước đó.

Nhân viên giao hàng chờ tại Highlands coffee để mang đồ giao cho khách. 

Trong khi đó, hầu hết quán cà phê trên địa bàn thành phố đã đóng cửa để phòng dịch. Với những quán mở cửa, đa số thực hiện hình thức bán mang đi, như Highlands coffee (trên phố Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai). Theo nhân viên tại đây, thực hiện chỉ đạo mới nhất của thành phố, quán chuyển sang hình thức bán mang đi, đồng thời mở cửa muộn hơn (9h) và đóng cửa sớm hơn (21h). 

Cốc giấy, bát giấy, tấm chắn… phòng dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cùng với những kinh nghiệm đã có từ các đợt dịch trước, đa số cửa hàng, quán ăn thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của thành phố.

Ghi nhận tại quán Phở gà ta (trên phố Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai), các tấm kính chắn được dựng lên nhằm phòng dịch. Hay tại quán bún ốc Hoàng Dung (đường Phủ Tây Hồ, quận Tây Hồ), ngay từ mùng 1 Tết đã lắp tấm kính chắn để bảo đảm an toàn cho thực khách. Chủ quán ăn này cho biết: “Ngay trong ngày mở cửa trở lại, chúng tôi đã lắp các tấm kính chắn, giữ khoảng cách giữa các khách hàng. Cùng với đó, mỗi khi khách vào ăn, chúng tôi đều nhắc nhở xịt dung dịch sát khuẩn tay”.

Quán Phở gà ta ở phố Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai gắn tấm kính chắn phòng dịch.

Còn anh Lý Quang Thái, nhân viên quán Stormbean coffee (trên phố Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ) cho hay, quán đã dừng nhận khách ngồi tại quán từ sáng 17-2 theo quy định, chỉ bán cho khách mang đi hoặc giao hàng tận nơi. Đồ uống cũng được phục vụ toàn bộ trong cốc giấy để bảo đảm vệ sinh. Bên cạnh đó, nhân viên thường xuyên sát khuẩn tay và đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc.

Chị Tạ Thùy Ánh, chủ quán Ngan vịt phố cổ ( trên phố Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy) cũng chia sẻ, cửa hàng dùng bát giấy khá bắt mắt, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm để khách cảm thấy an tâm khi mua hàng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng như khi khách ăn tại quán.

Chị Nguyễn Thị Hồng, một thực khách tại quán Phở gà ta, phố Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai cho biết, hằng ngày thường ăn cơm ở nhà, nhưng hôm nay phải làm việc đến tận quá trưa nên chị ra quán ăn. “Vào những quán thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm túc như thế này, tôi cảm thấy yên tâm hơn”, chị Hồng nói.

Vừa bảo đảm kinh doanh không bị gián đoạn, vừa làm tốt công tác phòng dịch là giải pháp tối ưu mà các nhà hàng, quán ăn đang nỗ lực thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Nhà hàng, quán ăn thực hiện giãn cách, phòng dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.