Nông nghiệp - Nông thôn

Hà Nội: Mẫu nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm chiếm 96,02%

Ngọc Quỳnh 03/10/2023 - 11:55

Trong 9 tháng, ngành Nông nghiệp đã tổ chức lấy 862 mẫu để kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, hiện đã có kết quả 658 mẫu; 204 mẫu chờ kết quả phân tích. Trong đó, có 632 mẫu nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm (chiếm 96,02%); 25 mẫu vi phạm (tỷ lệ 3,98%)..

Sáng 3-10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (NN&PTNT) tổ chức sơ kết công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2023 và triển khai hội thi nâng cao kiến thức về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Tại hội nghị, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Hà Tiến Nghi cho biết, trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội tiếp tục duy trì “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn). Lũy kế đến nay, hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.392 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản, đã cấp 13.176 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.

sieu-thi-lan-chi-1.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại siêu thị Lan Chi (huyện Phú Xuyên).

Bên cạnh đó, trong 9 tháng, ngành Nông nghiệp đã tổ chức lấy 862 mẫu để kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, hiện đã có kết quả 658 mẫu; 204 mẫu chờ kết quả phân tích. Trong đó, có 632 mẫu nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm (chiếm 96,02%); 25 mẫu vi phạm (tỷ lệ 3,98%). Công tác giám sát kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm, những mẫu vi phạm. Các ngành chức năng tiến hành ban hành văn bản cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT tổ chức thanh tra, kiểm tra 478 lượt cơ sở sản xuất - kinh doanh nông, lâm, thủy sản, kết quả có 33 cơ sở vi phạm, chiếm 4,2%; xử phạt 33 trường hợp với số tiền hơn 350 triệu đồng...

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, hiện nay, việc quản lý an toàn thực phẩm ở các địa phương còn khó khăn do các xã, thị trấn chưa bố trí được cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt. Công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, công tác hậu kiểm đối với cơ sở sau ký cam kết còn hạn chế.

Ngoài ra, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm về an toàn thực phẩm đã chuyển biến nhưng còn hạn chế, ý thức lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng còn tùy tiện, dễ dãi, tạo điều kiện cho thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường...

Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn yêu cầu, để kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thực phẩm bán trên thị trường, từ nay đến cuối năm, các địa phương cần bố trí ổn định lực lượng cán bộ làm công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản từ cấp quận, huyện, thị xã tới các xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở trong thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là công tác giám sát, cảnh báo nguy cơ an toàn thực phẩm. Đối với mẫu phát hiện vi phạm quy định chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, đề nghị các địa phương đôn đốc các cơ sở thực hiện truy xuất, nguồn gốc, xử lý lô hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.

Tại hội nghị, Sở NN&PTNT cũng triển khai hội thi nâng cao kiến thức về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Vòng chung khảo, tổng kết và trao giải hội thi dự kiến được tổ chức vào tháng 11-2023.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Mẫu nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm chiếm 96,02%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.