(HNM) - Nhiều năm nay, Hà Nội luôn giữ vững vị thế là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Năm học 2016-2017 - năm đầu tiên triển khai nghị quyết đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống - tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh Ngành Giáo dục Thủ đô luôn nỗ lực, quyết tâm
Nhân kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2016), Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với Thành ủy viên, Nhà giáo Ưu tú, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội TS Nguyễn Hữu Độ để cùng nhìn lại những dấu ấn mà Ngành GD-ĐT Thủ đô đã đạt được, đồng thời hiểu hơn những bước vận hành của ngành trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ. |
Dấu ấn Hà Nội
- Năm học 2015-2016, Hà Nội được Bộ GD-ĐT tặng Cờ thi đua xuất sắc với 16/16 chỉ tiêu thi đua được xếp loại tốt và xuất sắc. Nhìn lại một năm công tác, thầy và trò Ngành GD-ĐT Hà Nội đã để lại những dấu ấn nào, thưa ông?
- Năm học 2015-2016, với quyết tâm cao và nỗ lực của toàn ngành, chất lượng và hiệu quả giáo dục Thủ đô tiếp tục có bước chuyển rõ nét, đạt nhiều thành tựu. Kết quả ấy được thể hiện toàn diện ở các lĩnh vực công tác, ở tất cả các cấp học, ngành học. Quy mô GD-ĐT phát triển mạnh với 2.622 cơ sở giáo dục, hơn 1,7 triệu học sinh (HS), 133 nghìn cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực.
Công tác xây dựng trường chuẩn và trường chất lượng cao được quan tâm với 13 trường được công nhận là trường chất lượng cao, 1.103 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 52,7%). Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên và duy nhất của cả nước cho đến nay ban hành tiêu chí trường chất lượng cao, được Bộ GD-ĐT ghi nhận, đánh giá cao. HS Thủ đô tiếp tục giành nhiều thành tích ấn tượng trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế với 147 giải trong kỳ thi HS giỏi quốc gia, dẫn đầu toàn quốc về số lượng và chất lượng giải. Mới đây nhất, vào những ngày đầu tháng 11, trong kỳ thi toán và các môn khoa học quốc tế diễn ra tại Indonesia, cả 24 thành viên đội tuyển Hà Nội, đại diện cho quốc gia tham dự kỳ thi đều giành huy chương.
- Năm học vừa qua với Hà Nội dường như còn là năm khởi nguồn về việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của ngành GD-ĐT?
- Việc ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy, học đã được quan tâm trong những năm gần đây, song năm học 2015-2016 là năm đầu tiên Hà Nội ứng dụng thành công phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến trong công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, góp phần tăng cường tính minh bạch, tạo nhiều thuận lợi cho nhân dân Thủ đô. Đây cũng là tiền đề cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong năm học 2016-2017 này với việc sử dụng sổ điểm điện tử tại tất cả các trường trên địa bàn, giúp giảm áp lực cho GV và bảo đảm tính chính xác, hạn chế tình trạng sửa chữa, bổ sung điểm tùy tiện.
Tập trung hoàn thiện mạng lưới trường lớp
- Chỉ thị về nhiệm vụ năm học 2016-2017 của Bộ GD-ĐT và mới đây là của UBND thành phố xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục. Việc này sẽ được triển khai như thế nào để bảo đảm tính hiệu quả, thưa ông?
- Hà Nội luôn kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Để đạt được mục tiêu đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện mạng lưới trường lớp luôn được coi trọng. Một trong những kết quả nổi bật những năm qua là hoàn thiện mạng lưới trường, lớp học với nhiều loại hình trường học, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của con em nhân dân. Tuy nhiên, GD-ĐT Thủ đô vẫn tồn tại một số vấn đề khiến nhiều người băn khoăn, trong đó có câu chuyện quy mô trường lớp phát triển chưa đồng đều, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn khó khăn. So với cùng kỳ năm học trước, quy mô HS hiện nay tăng hơn 55 nghìn em, kéo theo nhu cầu học tập, đòi hỏi Ngành Giáo dục và các địa phương tiếp tục nỗ lực.
Thời gian qua, UBND các quận, huyện, thị xã đã tích cực và chủ động triển khai thực hiện Quyết định số 3074/QĐ-UBND ngày 12-7-2012 của UBND thành phố về quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp; Quyết định số 3075/QĐ-UBND ngày 12-7-2012 của UBND thành phố về quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng trường, lớp học phù hợp với quy hoạch, đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập của nhân dân. Ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu với UBND thành phố có kế hoạch, kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất cho việc cải tạo một số hạng mục công trình, lớp học đã xuống cấp cho các nhà trường.
- Những đầu việc trên liệu có đạt hiệu quả như mong muốn trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp?
- Việc triển khai công tác đầu tư cơ sở vật chất cho các trường được triển khai theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến và từng bước hiện đại. Hà Nội tiếp tục quan tâm rà soát tình hình và tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân các chương trình, dự án, quản lý có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đổi mới chính sách, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giáo dục; huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục, nhất là lĩnh vực giáo dục mầm non và các địa phương vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn thành phố có 70% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia; thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa trường lớp, tiến tới hoàn thành xóa các phòng học cấp 4 ở tất cả các cấp học.
- Ông vừa nhắc tới mục tiêu có 70% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020. Tuy nhiên, để giải quyết những rào cản cho mục tiêu này không đơn giản, thậm chí có những đầu việc không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của Ngành GD. Ông suy nghĩ gì về điều này?
- Hà Nội hiện có 52,7% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Để đạt mục tiêu đề ra, từ nay tới năm 2020, mỗi năm Hà Nội cần có thêm 80-90 trường đạt chuẩn. Kết quả rà soát các trường trong lộ trình xây dựng đạt chuẩn cho thấy, hầu hết các trường đều đạt 4/5 tiêu chuẩn, khó khăn nhất là tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Đây sẽ là đầu việc được đặc biệt quan tâm trong giai đoạn tới.
Với mục tiêu tạo ra môi trường giáo dục đạt chuẩn để tạo ra “sản phẩm” đạt chuẩn, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia những năm gần đây đã trở thành nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, được xác định tại Nghị quyết HĐND thành phố. Sở GD-ĐT Hà Nội đã có đề xuất thành phố hỗ trợ kinh phí đầu tư cho 7 huyện có tỷ lệ trường chuẩn dưới 50%, phê duyệt Đề án “Kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường học điện tử giai đoạn 2016-2020”...
Xây dựng đội ngũ nhà giáo là “gốc” thành công
- Tiếp tục sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Ngành GD-ĐT Thủ đô xác định lộ trình ra sao để thực hiện thành công sự nghiệp này?
- Năm học 2016-2017 là năm học tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; năm đầu tiên thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2021, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, Hà Nội chọn khâu đột phá bắt đầu từ đội ngũ GV. Ngành Giáo dục Thủ đô đã có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ GV với lộ trình cụ thể đến năm 2020; phấn đấu có nhiều nhà giáo mẫu mực với đủ 3 tiêu chí: Phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 100% GV tiểu học, THCS và 80% GV mầm non có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên; 30% GV THPT có trình độ thạc sĩ trở lên. Hà Nội cũng sẽ đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ tổ trưởng chuyên môn, GV cốt cán các bộ môn, GV chủ nhiệm lớp giỏi; nâng cao vai trò của GV chủ nhiệm lớp, của tổ chức Đoàn, Hội, Đội, gia đình và cộng đồng trong việc quản lý, phối hợp giáo dục toàn diện cho HS.
- Ngành Giáo dục Hà Nội được Bộ GD-ĐT ghi nhận, đánh giá cao trong việc triển khai Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong đó có sự nỗ lực cống hiến không nhỏ từ đội ngũ GV. Đâu là động lực cho đội ngũ này, thưa ông?
- Để hoàn thiện đội ngũ theo các tiêu chuẩn đã đặt ra, việc xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng đội ngũ GV, trong đó chú trọng nội dung bồi dưỡng phẩm chất và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường các kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng phát huy năng lực toàn diện cho HS. Riêng năm 2016, thành phố đã dành 56 tỷ đồng cho công tác bồi dưỡng đội ngũ, tăng gấp 2 lần so với những năm trước. Công tác bồi dưỡng cho GV được quan tâm, chú trọng hai yếu tố là phẩm chất và năng lực, đặc biệt là về năng lực của GV tiếng Anh. So với các địa phương khác, yêu cầu đối với GV tiếng Anh của Hà Nội cao hơn, chẳng hạn như GV cấp tiểu học tối thiểu phải có bằng B1, cấp THCS phải có bằng B2 và cấp THPT cần ít nhất là bằng C1.
Để đội ngũ nhà giáo phát huy thế mạnh trong chuyên môn, Hà Nội chú trọng xây dựng động lực làm việc cho họ, trong đó quan tâm 3 yếu tố: Biết làm, có điều kiện để làm và muốn làm. Trên nền tảng ấy, cùng với sự quan tâm thiết thực của lãnh đạo thành phố và của ngành, Hà Nội đã hoàn thiện được một đội ngũ nhà giáo không chỉ có phẩm chất tốt, chuyên môn vững, phong cách đẹp mà còn có ý thức trách nhiệm, chủ động và sẵn sàng trước những yêu cầu đổi mới, đồng lòng quyết tâm thực hiện theo lời Bác dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi. Nhân kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, xin chúc toàn thể đội ngũ nhà giáo Thủ đô tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới trong sự nghiệp “trồng người”, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.