(HNMO) - Ngày 13-6, UBND TP Hà Nội đã họp với các bộ, ngành liên quan, lấy ý kiến hoàn thiện Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, giai đoạn năm 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đề án đưa ra 6 nhóm giải pháp, bao gồm: Quản lý số lượng phương tiện; quản lý chất lượng phương tiện; quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện; phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; tăng cường công tác quản lý nhà nước. Lộ trình thực hiện chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2017-2018 tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước; giai đoạn 2017-2020 tập trung thực hiện các giải pháp quản lý số lượng, chất lượng phương tiện và phát triển vận tải hành khách công cộng; giai đoạn 2017-2030 triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển vận tải hành khách công cộng, rà soát điều chỉnh quy hoạch, bố trí hợp lý giao thông tĩnh; đến năm 2030 dự kiến dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.
Đóng góp vào đề án, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, từng giai đoạn phải có mục tiêu cụ thể để điều chỉnh trong quá trình triển khai. Với nhóm giải pháp thứ 3 (quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện), trong trường hợp vận tải hành khách công cộng không đáp ứng được thì lộ trình cấm xe máy cần tính toán rất kỹ.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) kiến nghị, chỉ nên hạn chế lưu hành xe máy ở một số tuyến, không cấm sở hữu; tổ chức phân vùng hạn chế có lộ trình để người dân biết và thích nghi. Đồng thời nên có đánh giá tác động của giải pháp này đến kinh tế - xã hội và dư luận nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng nhận định, việc triển khai đề án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đến phân cấp, phân quyền quản lý. Tuy nhiên, TP quyết tâm thực hiện với lộ trình và các giải pháp cụ thể. Rút kinh nghiệm thế giới, trong quá trình thực hiện, nếu có điểm chưa phù hợp thì sửa, điều chỉnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, quản lý phương tiện nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là việc khó, lớn và "nóng". Thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP và các sở, ngành đã tập trung tối đa, toàn diện cho nội dung này. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, TP tiếp thu và hoàn chỉnh đề án trước khi trình HĐND TP xem xét, thông qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.