Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Làm rõ giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hạ tầng cơ sở

Vũ Thủy - Ảnh: Viết Thành| 14/10/2022 19:16

(HNMO) - Tại phiên họp giải trình về việc quản lý, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố, do Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức chiều 14-10, nhiều vấn đề “nóng” đã được trao đổi thẳng thắn. Qua đó, làm rõ trách nhiệm, đồng thời, đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hạ tầng cơ sở tại các khu đô thị, khu nhà ở.

168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội

Theo báo cáo giám sát bằng hình ảnh của Thường trực HĐND thành phố, thành phố đang triển khai 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở quy mô từ 2ha trở lên, trong đó có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chiếm tỷ lệ 63%. Ở nhiều khu đô thị, khu nhà ở, hệ thống chiếu sáng thuộc nhiệm vụ của chủ đầu tư nhưng chưa được hoàn thiện, chưa đồng bộ, hoặc hỏng nhưng chậm được sửa chữa. Đặc biệt, thiếu bãi đỗ xe là thực trạng phổ biến; nhiều khu đô thị, khu nhà ở chậm đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, vệ sinh môi trường không bảo đảm; thiếu vườn hoa, cây xanh, trường học, công trình thể thao, dịch vụ công cộng…

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên điều hành phiên thảo luận.

Các đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (tổ Mỹ Đức), Duy Hoàng Dương (tổ Hoài Đức), Hoàng Thị Thúy Hằng (tổ Đống Đa), Nguyễn Khánh Hưng (tổ Ba Vì)... đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, quận liên quan nêu kết quả công tác giám sát đầu tư dự án; kết quả các đợt thanh, kiểm tra, áp dụng các chế tài đối với các chủ đầu tư chậm triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Từ thực tế, có những tồn tại, hạn chế gì, nguyên nhân do đâu và các giải pháp chính để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt phát biểu thảo luận tại hội trường.

Đáng lưu ý, quận Hoàng Mai có 26 khu đô thị với quy mô 2ha trở lên, tuy nhiên, nhiều khu có hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều lô đất chậm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc trách nhiệm chủ đầu tư, vậy biện pháp xử lý là gì?

Trả lời các vấn đề trên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, đã tổ chức 36 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt hơn 3 tỷ đồng. Thời gian tới, Sở sẽ cùng với các sở chuyên ngành khác cùng giám sát với địa phương để thực hiện đúng theo chỉ đạo của thành phố; đồng thời, phối hợp với các đơn vị để xây dựng phần mềm quản lý các dự án, tăng cường công tác quản lý nhà nước sau đầu tư.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn làm rõ một số ý kiến của các đại biểu HĐND thành phố.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Hữu Bảo cho biết, thời gian qua, một số khu đô thị hạ tầng giao thông đã hoàn thành, tuy nhiên, chưa hoàn thành thủ tục bàn giao cho thành phố cũng như cho quận, huyện quản lý theo phân cấp dẫn đến các tuyến đường mặc dù đã hoàn thành nhưng chưa có đơn vị quản lý, dẫn đến nảy sinh bất cập trong quá trình khai thác. Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư các khu đô thị.

Liên quan đến bãi đỗ xe trong các khu đô thị chưa được đầu tư xây dựng, Sở Giao thông Vận tải được thành phố giao nhiệm vụ tổng hợp các bãi đỗ xe trên địa bàn để đôn đốc. Trên cơ sở danh mục các bãi đỗ xe đã triển khai, đang triển khai và chưa triển khai để báo cáo UBND thành phố và UBND thành phố có công văn giao nhiệm vụ chi tiết cho các sở, ngành liên quan.

Liên quan đến lĩnh vực thuộc quận, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, quận Hoàng Mai có 26 khu đô thị với quy mô 2ha trở lên do các chủ đầu tư triển khai thực hiện.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm làm rõ một số ý kiến của các đại biểu HĐND thành phố nêu.

Về trách nhiệm của quận, đồng chí Nguyễn Minh Tâm khẳng định, quận đã tăng cường công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng theo chức năng nhiệm vụ được phân cấp. Thời gian qua, UBND quận đã quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các dự án theo đúng quy hoạch và thực hiện giám sát đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của quận. Với các tồn tại ở một số khu đô thị khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, nhiều ô đất còn để trống chưa triển khai thực hiện, UBND quận đã báo cáo thành phố đề nghị chủ đầu tư bàn giao lại 7 ô bãi đỗ xe, 7 ô trường học, 7 ô đất công cộng để quận quản lý và đầu tư.

“Với các ô đất công do quận quản lý có quy hoạch, quận đã tập trung đầu tư xây dựng, nhất là trường học. Với các ô đất hạ tầng xã hội đầu tư, ngoài ngân sách đang chậm triển khai, quận đã có nhiều giải pháp, biện pháp để kiến nghị và quận đã thực hiện nghiêm việc giám sát, đánh giá đầu tư các dự án. Những kiến nghị, báo cáo đang được thành phố khẩn trương tháo gỡ”, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết thêm.

“Truy” nguyên nhân thiếu công trình hạ tầng tại dự án khu đô thị

Các đại biểu Nguyễn Quang Thắng (tổ Long Biên), Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín), Nguyễn Bích Thủy (tổ Cầu Giấy), Duy Hoàng Dương (tổ Hoài Đức), Lâm Thị Quỳnh Dao (tổ Nam Từ Liêm)… đề nghị các sở, ngành nêu rõ, có trường hợp dự án không thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư thường kỳ theo quy định nhưng vẫn được điều chỉnh không? Có xảy ra việc điều chỉnh quy hoạch để đưa các ô đất khó giải phóng mặt bằng vào làm công trình hạ tầng xã hội, còn ô đất “sạch” chuyển thành công trình nhà ở không? Trong 9 tháng năm 2022, đã có 16 vụ cháy tại các khu đô thị và một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do bất cập về hạ tầng kỹ thuật, đề nghị Giám đốc Công an thành phố nêu kết quả kiểm tra các vi phạm tại các khu đô thị và các giải pháp khắc phục?

Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh làm rõ một số ý kiến của các đại biểu HĐND thành phố.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn khẳng định, không có dự án nào không thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư thường kỳ được điều chỉnh. Quá trình tổ chức thực hiện, Sở đã kiểm tra 118 dự án, đã xử phạt 107 dự án chậm tiến độ báo cáo; xem xét, chuyển thanh tra xử lý theo quy định…

Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh cho biết: Qua nhiều thời kỳ quy hoạch, Hà Nội đã quy định tất cả các khu nghĩa trang ngoài đồng ruộng quy tập dứt điểm, không để tồn tại trong khu đô thị. Việc này đến nay gặp khó khăn và Sở đã có đề xuất điều chỉnh ở quận Long Biên, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm... dành quỹ đất sạch ưu tiên xây dựng trường học trước...

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, qua giám sát có 1.230 chung cư thấp tầng; 1.500 nhà tập thể chung cư cũ; 1.386 cơ sở nhà cao tầng… Từ năm 2019 đến nay, Công an thành phố đã phối hợp với các đơn vị tiến hành kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy với 24.000 lượt, xử phạt 636 trường hợp với hơn 8,7 tỷ đồng; ban hành đề xuất hơn 110 quyết định đình chỉ hoạt động. Công an thành phố đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch tổng kiểm tra 100% các cơ sở kinh doanh có điều kiện, các nhà chung cư cao tầng và sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã làm tốt công tác này, hạn chế cháy, nổ do nguyên nhân chủ quan…

Xác định rõ đầu mối quản lý

Các đại biểu Đoàn Việt Cường (tổ Đông Anh), Nguyễn Trường Sơn (tổ Quốc Oai) đặt câu hỏi cho UBND thành phố về các dự án khu đô thị đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa bàn giao cho thành phố. Mặc dù, thành phố đã có văn bản đôn đốc nhưng chưa xác định được đầu mối quản lý, quy trình bàn giao hạ tầng, thời điểm bàn giao. Qua đó, đại biểu đề nghị lãnh đạo UBND thành phố phụ trách lĩnh vực cho biết nguyên nhân, trách nhiệm trong thời gian nêu trên, giải pháp khắc phục; trách nhiệm kiểm tra, giám sát của Sở chuyên ngành như thế nào; việc giải quyết, xử lý các vi phạm trên ra sao?

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, với các khu đô thị mới quy mô 20ha trở lên, khu cải tạo nâng cấp tái thiết đô thị thì có quy mô trên 10ha phải tuân thủ quy hoạch đô thị, quy hoạch đầu tư xây dựng nhà ở, đất đai rất phức tạp. Còn với quy mô nhà ở dưới 20ha thì có quy định tương đương nhóm ở, khu ở đơn giản hơn nhưng đảm bảo đáp ứng đầy đủ hạ tầng theo quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên thực tiễn, có những chủ đầu tư làm rất tốt nhưng quá trình triển khai cũng có những khó khăn dẫn đến khu đô thị lâu bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Về việc này, theo quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh, toàn diện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ dự án và đảm bảo chất lượng...

Đồng chí Dương Đức Tuấn cho biết, UBND thành phố sẽ củng cố tính pháp lý và tăng cường phân cấp quản lý đô thị, thanh tra giám sát đầu tư và có biện pháp đồng bộ để đáp ứng yêu cầu của cử tri.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong phát biểu.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, qua kiểm tra, có trường hợp người dân tiếp nhận nhà vào ở sớm trong khi các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dự án nhà ở chưa được đầu tư đồng bộ. Thời gian tới, phải nâng cao chất lượng lựa chọn các nhà đầu tư khu đô thị có năng lực, có kinh nghiệm. Đồng thời, giải quyết triệt để vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bởi tiến độ nhiều khu vực bị chậm. Ngoài ra, phải xây dựng được cơ sở dữ liệu, bởi việc cập nhật số liệu các khu đô thị qua các kênh, còn có số liệu vênh nhau.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, những vấn đề nêu trong phiên họp giải trình rất trúng và đúng, thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự giám sát của HĐND thành phố và sự cầu thị của UBND thành phố. Thời gian tới, UBND thành phố, cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan sẽ quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh các dự án công trình hạ tầng xã hội thiết yếu chậm triển khai, đặc biệt là các dự án trường học, bãi đỗ xe... để đồng bộ theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu bức thiết dân sinh.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên giải trình.

Đối với các vấn đề hạ tầng kỹ thuật, theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, công tác giám sát các dự án trong quá trình đầu tư và sau đầu tư đang “có vấn đề”. Những hạn chế, tồn tại có trách nhiệm của UBND thành phố, trong đó các sở, ngành, cơ quan giúp việc có sự buông lỏng. Trước thực trạng trên, UBND thành phố sẽ triển khai ngay và sớm có kế hoạch khắc phục những tồn tại hạn chế mà các cử tri cũng như HĐND đã chỉ ra, với mục tiêu mang lại sự thuận lợi hơn, tiện dụng hơn, an toàn hơn cho người dân Thủ đô.

Tăng cường kỷ luật trong thực thi công vụ về xử lý vi phạm

Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, phiên giải trình diễn ra sôi nổi, nghiêm túc, thực chất, trách nhiệm và hiệu quả. 

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận phiên giải trình.

Đã có 12 lượt đại biểu đặt câu hỏi, nêu yêu cầu giải trình với 2 nhóm vấn đề. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách lĩnh vực, 6 giám đốc Sở, lãnh đạo Sở; Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đã tham gia giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm. Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh tiếp thu, giải trình về các vấn đề chung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND thành phố.

Các đồng chí tham gia giải trình cơ bản nắm chắc nội dung, giải trình cụ thể, đúng trọng tâm, báo cáo, làm rõ những vấn đề còn hạn chế, vướng mắc và đưa ra các giải pháp, lộ trình khắc phục.

Kết quả phiên giải trình đã cho thấy các vấn đề được Thường trực HĐND thành phố lựa chọn giải trình là "đúng và trúng", thiết thực, phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố, được cử tri và nhân dân quan tâm.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố, qua phiên giải trình có thể thấy, những năm qua, công tác quản lý, phát triển đô thị, nhất là việc đầu tư, xây dựng, phát triển các khu đô thị, khu nhà ở đồng bộ, hiện đại trên địa bàn thành phố luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng công tác quản lý, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập, tồn tại, hạn chế như các đại biểu đã nêu.

Từ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm đã được chỉ ra trong phiên giải trình, Thường trực HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố, các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan nghiêm túc tiếp thu và có những giải pháp khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại phiên giải trình.

Trong đó, UBND thành phố tập trung xây dựng kế hoạch tổng thể để khẩn trương xử lý dứt điểm, toàn diện, khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; có các giải pháp, lộ trình cụ thể theo hướng rõ cơ quan, rõ người, rõ trách nhiệm, rõ sự phối hợp và rõ tiến độ để hoàn chỉnh toàn bộ các khu đô thị, khu nhà ở kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Hoàn thành trong tháng 11-2022, báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp thứ mười, đầu tháng 12-2022.

UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, thống kê, tổng hợp các dự án thành phần, hạng mục chưa được thực hiện, chậm triển khai làm cơ sở dữ liệu để theo dõi, quản lý, tổ chức thực hiện và công khai tiến trình thực hiện để cử tri, nhân dân giám sát.

Đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, năng lực kém, kiên quyết thu hồi để tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư khác theo quy định và nghiên cứu để công khai thông tin, đưa vào tiêu chí để không cho tham gia thực hiện các dự án tương tự trên địa bàn thành phố.

Sau phiên họp giải trình hôm nay, Thường trực HĐND thành phố sẽ ban hành Thông báo kết luận làm cơ sở để UBND thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Làm rõ giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hạ tầng cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.