(HNMO) – Chiều 19-9, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội và Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương tình giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Cổ Loa trong các trường học.
|
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình giáo dục di sản. |
Tới dự lễ ký kết có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, đại diện các sở, ngành, cùng nhiều nhà sử học, nhà văn hóa.
Việc ký kết triển khai chương trình giáo dục di sản được xem là một bước tiến mới trong việc nâng cao nhận thức, giáo dục đối với học sinh các cấp. Cụ thể, hằng năm, các nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch, phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đưa học sinh tới học tập, trải nghiệm tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long vào những khoảng thời gian thích hợp trong năm học.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng các chương trình học tập phù hợp với các lứa tuổi, bao gồm: Chương trình “Em tìm hiểu di sản” dành cho học sinh các cấp với nhiều trải nghiệm bổ ích như tham quan, học lịch sử qua các chuyên đề, giao lưu cùng các nhà sử học; tham gia các hoạt động tương tác như dán quạt, vẽ gốm, in tranh dân gian…
Bên cạnh đó, chương trình chuyên đề “Em làm nhà khảo cổ” dành cho học sinh tiểu học là chương trình chuyên sâu với nhiều trải nghiệm thực tế như đào khảo cổ, dập hoa văn hiện vật, vẽ hiện vật…, giúp các em rèn luyện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, thuyết trình, làm việc nhóm và rèn luyện các phẩm chất cần cù, kiên trì, sáng tạo, tỉ mỉ...
Những học sinh cuối cấp (lớp 9 và lớp 12) sẽ được tham gia chương trình tham quan học tập và chụp ảnh kỷ yếu tại Hoàng thành Thăng Long.
|
Hoạt động giáo dục di sản đã được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện từ nhiều năm nay. (Ảnh Internet) |
Tại khu di tích Cổ Loa, sẽ có chương trình tham quan, học tập ngoại khóa, trải nghiệm các hoạt động tương tác tại khu trưng bày không gian Việt như bắn nỏ, in tranh dân gian, làm bỏng, làm oản xôi lá mít; chơi các trò chơi dân gian pháo đất, đắp thành, kéo co, ném vòng…
Hằng năm, Trung tâm sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình hợp tác; tổng hợp thông tin phản hồi, ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo và các em học sinh để từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng tổ chức chương trình.
Ngay sau lễ ký kết, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã khai mạc chương trình "Vui Tết Trung thu 2018" với nhiều hoạt động bổ ích. Tại đây, các em được trải nghiệm không gian trưng bày, trang trí Trung thu truyền thống với chủ đề “Giấy hồng vui Tết Trung thu”; tham gia các trò chơi dân gian;trải nghiệm các hoạt động tương tác như tô mặt nạ, nặn tò he, nghệ thuật gấp giấy origami (Nhật Bản); xem biểu diễn múa rối nước…
Chương trình Vui Tết Trung thu sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 23-9.
Chùm ảnh khai mạc chương trình "Vui Tết Trung thu 2018" tại Hoàng thành Thăng Long:
|
Chương trình Vui Tết Trung thu được khai mạc vào chiều 19-9 tại Hoàng thành Thăng Long. |
|
Trong ngày khai mạc, chương trình đã thu hút nhiều du khách và người dân. |
|
Học sinh của nhiều trường THCS đã được đến trải nghiệm Tết Trung thu truyền thống. |
|
Không gian trưng bày các món đồ chơi truyền thống. |
|
Những chiếc đèn Trung thu truyền thống của người Việt: Đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn con thỏ. |
|
Mặt nạ giấy bồi - món đồ chơi không thể thiếu của trẻ em Việt Nam trong Tết Trung thu |
|
Một không gian sắp đặt khiến du khách thích thú. |