Kinh tế

Hà Nội khắc phục khó khăn, giữ đà tăng trưởng

Hồng Sơn 13/07/2023 - 06:18

Dù bối cảnh bất lợi, co hẹp về thị trường trong 6 tháng đầu năm nay nhưng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hà Nội vẫn tăng trưởng 5,97% so với cùng kỳ năm 2022. Đây chưa phải là kết quả cao như ý muốn, nhưng cũng chứng tỏ sức vươn vượt trội của Hà Nội khi so sánh với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước đã giảm rất thấp - chỉ tăng 3,72%. Đó là kết quả của tinh thần khắc phục khó khăn, bất lợi của chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, hướng tới kết quả cao hơn t

kt-hn-1.jpg
Sản xuất cửa tại Công ty cổ phần Eurowindow (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang

Nhiều yếu tố tích cực

Theo Cục Thống kê Hà Nội, kinh tế trong nước cũng như trên địa bàn chịu tác động rõ rệt từ các yếu tố bất lợi, khó khăn trên bình diện quốc tế, nhất là thị trường xuất khẩu sụt giảm, sức mua của thị trường nội địa, sản xuất, kinh doanh có xu hướng tăng chậm lại. Trước tình hình đó, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai quyết liệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương và thành phố, chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, GRDP của Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 5,97% so với cùng kỳ năm 2022, là mức tăng cao so với tăng trưởng bình quân của cả nước.

Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng cho biết, đóng góp vào tăng trưởng GRDP có khu vực dịch vụ tăng 7,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,04%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,33%...

Đáng lưu ý, từ đầu năm 2023, ngành Du lịch Thủ đô đã chú trọng đổi mới tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, điểm đến, sản phẩm mới trên các kênh truyền thông trong và ngoài nước. Với thông điệp “Hà Nội điểm đến an toàn cho du khách” và “Hà Nội đến để yêu”, 6 tháng qua, khách du lịch đến Hà Nội tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2022. Riêng khách quốc tế đến Hà Nội đạt 1.445 nghìn lượt người, gấp 6,1 lần cùng kỳ năm trước. Từ đó, dịch vụ, du lịch tiếp tục là điểm sáng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố; bù đắp cho hoạt động công nghiệp và xuất khẩu chưa như kỳ vọng.

Điểm đáng chú ý khác là vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố đạt 194,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, Hà Nội thu hút gần 2,265 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, gồm dự án mới, tăng vốn, góp vốn, mua cổ phần, đưa Hà Nội vươn lên dẫn đầu cả nước về kết quả thu hút nguồn vốn ngoại trong nửa đầu năm nay. Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn, kết quả trên là tích cực và vượt kết quả cả năm 2022. Một số chuyên gia cũng dự báo, rất có thể Hà Nội sẽ chiếm vị trí quán quân trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2023.

Đáng ghi nhận nữa là cân đối thu - chi ngân sách thành phố tiếp tục được bảo đảm; trong đó tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 220.121 tỷ đồng, bằng 62,4% dự toán và bằng 122,9% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, Hà Nội cũng có 15,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022, với số vốn đăng ký đạt 151,1 nghìn tỷ đồng.

Đồng hành với doanh nghiệp

Song, thực tế cũng cho thấy một số vấn đề, lĩnh vực suy giảm, đáng lo ngại, cần phân tích, khắc phục. Đó là hầu hết các thị trường xuất, nhập khẩu lớn và truyền thống của Hà Nội đều suy giảm. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 25,5 tỷ USD, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 8,1 tỷ USD, giảm 2,7%; nhập khẩu đạt 17,4 tỷ USD, giảm 16,3%.

Thêm vào đó, sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực gặp khó khăn do đầu ra, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm rõ rệt. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,3%, là mức tăng thấp, thể hiện sự đi xuống của sức mua trên thị trường. Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC Nguyễn Minh Châu xác nhận, “chưa năm nào khó như năm nay” do đơn hàng sụt giảm rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu vốn trong khi để vay được vốn cũng không dễ dàng.

kt-hn-2.jpg
Hà Nội có 15,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng năm 2023, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính tại Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội). Ảnh: Danh Lam

Trước thực tế và yêu cầu phục hồi nhanh, tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, lãnh đạo thành phố luôn duy trì quan điểm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất, hiệu quả. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh, nhìn chung các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ và thành phố sau đại dịch Covid-19 được các doanh nghiệp đánh giá cao; nhất là chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng; giảm lãi suất cho vay; cho vay mới; giảm tiền thuê đất; tiền điện…

Tuy vậy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối diện không ít khó khăn, bất lợi xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vì vậy, cần tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá toàn diện và kịp thời về kết quả hỗ trợ doanh nghiệp cũng như bảo đảm mục tiêu “mọi chính sách đều hướng đến người dân, doanh nghiệp”. Cần có cách làm phù hợp, nhanh gọn trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, chính sách; lấy lợi ích, sự thuận lợi trong hoạt động, kết quả mà doanh nghiệp được thụ hưởng làm thước đo để mỗi cơ quan chức năng hướng tới…

Thành phố đang quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng nâng cao khả năng phục vụ doanh nghiệp; từ đó thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, những nỗ lực của ngành Thuế cũng tác động tích cực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp; nhất là tiết giảm thời gian thực hiện thủ tục. Việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến, với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Hóa đơn điện tử đang hoạt động đăng ký thành công đạt tỷ lệ 99,16% đối với doanh nghiệp và 99,98% đối với hộ kinh doanh. Tương tự, các cơ quan quản lý tiếp tục duy trì và đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các khâu trong quá trình quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp... Những cải cách này được doanh nghiệp ghi nhận và đồng thuận rất cao.

UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương trên địa bàn thành phố (DDCI), báo cáo thành phố trong quý I-2024; triển khai điều tra, đánh giá và công bố xếp hạng bộ chỉ số này định kỳ hằng năm. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Thực tế, tinh thần đồng hành với doanh nghiệp, tháo gỡ "rào cản", tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng là giải pháp quan trọng để thành phố sớm phục hồi, đạt được tăng trưởng kinh tế cao trong 6 tháng đầu năm cũng như những tháng còn lại của năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội khắc phục khó khăn, giữ đà tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.