Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Kết nối mạng lưới bán buôn, bán lẻ

Hồng Sơn| 18/07/2011 07:25

(HNM) - Sau khi quy hoạch (QH) tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dư luận đang quan tâm đến những QH chuyên ngành, nhất là những vấn đề gắn liền với đời sống người dân. PV Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương về QH phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

PV Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương về QH phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Ông dự báo thế nào về nhu cầu phát triển dịch vụ bán buôn, bán lẻ của Hà Nội?


Khách hàng lựa chọn thực phẩm tại Siêu thị BigC. Ảnh: Đàm Duy


- Trong tương lai gần Hà Nội sẽ có khoảng 10 triệu dân, tiếp tục khẳng định vị thế của một đô thị hàng đầu, có mức sống và sức mua đang trên đà cải thiện, đồng thời là trung tâm thương mại chung của khu vực phía Bắc. Thu nhập bình quân của người Hà Nội sẽ đạt 3.300 USD/năm vào năm 2015 và 5.300 USD/người vào năm 2020. Năm 2015, loại hình dịch vụ bán lẻ hiện đại sẽ chiếm khoảng 40% hoạt động thương mại, tỷ lệ này tăng lên 60% vào năm 2020. Dự báo, tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn giai đoạn 2011-2015 đạt mức 18-20%/năm và giai đoạn 2016-2020 đạt 17-18%/năm. Tổng doanh thu hàng hóa bán lẻ đạt khoảng 19 tỷ USD vào năm 2015 và năm 2020 tăng lên hơn 45 tỷ USD; nhu cầu về dịch vụ bán buôn hàng tiêu dùng đạt khoảng 12 tỷ USD năm 2015… Đó là những yếu tố, dữ liệu quan trọng, là đầu vào để cơ quan nghiên cứu xác định quy mô, tổng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn và lập QH.

- Vậy thực trạng mạng lưới bán buôn, bán lẻ của Hà Nội hiện nay như thế nào?

- Hà Nội hiện có 411 chợ, trong đó có 13 chợ hạng I; 67 chợ hạng II; còn lại là các chợ hạng III. Bình quân mỗi quận có hơn 10 chợ, mỗi huyện có hơn 16 chợ. Tuy nhiên, mới có 67 chợ được kiên cố hóa, còn lại là bán kiên cố, hoặc trong tình trạng lán tạm. Nhìn chung, các chợ phân bố chưa hợp lý, thiếu an toàn và vệ sinh, chưa phát huy hết hoặc đảm nhận tốt vai trò, tầm quan trọng trong đời sống xã hội. Hà Nội còn có 14 trung tâm thương mại, hơn 100 siêu thị, nhưng hầu hết các địa điểm này quy mô nhỏ và chủ yếu được hình thành tự phát nên phân bố không đều và trình độ quản lý, chất lượng trang thiết bị và dịch vụ cũng chưa thật sự chuyên nghiệp. Song, cũng không thể phủ nhận sự đóng góp liên tục, với tốc độ phát triển nhanh của mạng lưới hạ tầng thương mại trên địa bàn, nhất là trong khoảng 10 năm gần đây. Điều đó cho thấy, định hướng và mục tiêu văn minh thương mại của Hà Nội đang từng bước hình thành, góp phần hoàn thiện cảnh quan đô thị, gia tăng tỷ trọng dịch vụ trong GDP và tăng tốc quá trình hiện đại hóa Thủ đô...

- Hà Nội sẽ QH và thực hiện QH mạng lưới bán buôn, bán lẻ ra sao?

Nhìn chung, khu vực thành thị sẽ tập trung phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích. Khu vực nông thôn sẽ ưu tiên phát triển chợ bán lẻ, cửa hàng tiện tích - tạp hóa với quy mô phù hợp với số dân và khả năng chi tiêu của người dân. Hà Nội sẽ hình thành 4 chợ đầu mối bán buôn nông sản - thực phẩm tổng hợp, quy mô diện tích 50-100ha/chợ ở những khu vực giáp ranh nhằm thu hút các nguồn nông sản từ các tỉnh, vùng vệ tinh về TP. Hà Nội cũng xây dựng 23 đại siêu thị, 111 siêu thị hạng II và 865 siêu thị hạng III. Trong đó, phần lớn đại siêu thị và siêu thị hạng II sẽ hiện diện ở trung tâm TP, những đơn vị còn lại sẽ lan tỏa đến khu vực ngoại vi và các huyện. Hà Nội cũng xây mới trung tâm thương mại quốc tế ở tây Hồ Tây và trung tâm thương mại cấp vùng ở khu đô thị Long Biên phục vụ giao lưu hàng hóa với các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ và 51 trung tâm mua sắm cùng 5 trung tâm bán buôn tổng hợp hàng tiêu dùng cấp vùng.

Việc hình thành, hoàn thiện mạng lưới theo QH cần làm từng bước và là một quá trình lâu dài, với sự huy động, phát huy nguồn lực từ nhiều nguồn/thành phần khác nhau. Trước hết, TP chủ trương xã hội hóa vốn đầu tư nhằm tạo điều kiện tốt nhất trong thu hút vốn từ cộng đồng doanh nghiệp dân doanh, vốn của nhà đầu tư nước ngoài bên cạnh sự tham gia của đơn vị thương mại quốc doanh.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Kết nối mạng lưới bán buôn, bán lẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.