Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành tài liệu hướng dẫn giải pháp thoát nạn, ngăn chặn cháy lan và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Tài liệu hướng dẫn giải pháp kỹ thuật cấp thiết để tăng cường ngay một số điều kiện an toàn cháy so với hiện trạng của nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ), mà không có khả năng tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn cháy cho nhà và công trình tại thời điểm đưa vào sử dụng (trước tháng 6-2024).
Đối với các công trình thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 63a Luật Phòng cháy, chữa cháy sửa đổi năm 2013 thực hiện theo quy định của pháp luật.
Các nhóm tăng cường nêu trong tài liệu này chỉ áp dụng cho nhà hiện hữu dùng làm nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ có lối đi, cầu thang chung, có phần sử dụng riêng, phần sử dụng chung và nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ).
Tài liệu không áp dụng đối với nhà ở riêng lẻ kết hợp các loại hình kinh doanh dịch vụ khác có tính nguy hiểm cháy cao (ví dụ kinh doanh có sử dụng hoặc tồn trữ các khí cháy, chất lỏng dễ cháy như xăng, dầu, hóa chất nguy hiểm cháy nổ, mút xốp, nhựa các loại và các chất cháy tương tự…).
Về nguyên tắc áp dụng, đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh hiện hữu chưa thể thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn cháy cho nhà và công trình, cần xây dựng kế hoạch khắc phục tồn tại về an toàn cháy.
Trước mắt, các công trình này có thể tham khảo, thực hiện ngay một số nhóm việc có tính chất điển hình, nhằm tăng cường về thoát nạn, ngăn chặn cháy lan và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo các nguyên tắc: Đảm bảo an toàn sử dụng điện, hạn chế và quản lý chặt các nguồn gây cháy…
Tăng cường giải pháp thoát nạn, gồm: Nhà, tầng nhà cần có ít nhất 1 đường thoát nạn an toàn cho người và có các lối ra khẩn cấp, để khi trong nhà xảy ra cháy, người trong nhà đều thoát hết được ra ngoài.
Ngăn chặn cháy lan và ngăn chặn khói xâm nhập vào các khu vực gây nguy hiểm cho người sử dụng, đặc biệt là các phòng ngủ; không bố trí tầng nhà, phần nhà để ở và các gian phòng ngủ xen kẽ với các khu vực có công năng khác; thực hiện các biện pháp cô lập các khu vực nguy hiểm cháy (như khu vực để xe, khu vực có tập kết hoặc sử dụng các chất nguy hiểm cháy, xăng, dầu, hóa chất cháy nổ, mút xốp, nhựa…).
Nếu có cháy xảy ra, trong một khoảng thời gian nhất định, lửa không lan ra khỏi khu vực này và khói không từ khu vực này xâm nhập vào khu vực ở, trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng hoặc ngăn cản người sử dụng di chuyển qua đường thoát nạn để đến các lối ra.
Có giải pháp cảnh báo cháy sớm, gồm lắp đặt các hệ thống báo cháy tự động hoặc thiết bị báo cháy cục bộ để có thể phát hiện và báo động cháy ngay từ giai đoạn đầu, tăng thời gian thoát nạn cho người.
Trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu, dụng cụ phá dỡ thô sơ và trang thiết bị bảo vệ cá nhân, gồm: Bình chữa cháy xách tay, bình chữa cháy tự động dạng cục bộ, mặt nạ lọc độc… Nếu có thể nên trang bị hệ thống chữa cháy tự động phù hợp với quy mô và tính chất sử dụng của nhà
Tài liệu gồm các giải pháp phòng cháy; thoát nạn; ngăn chặn cháy lan, khói lan; chỉ dẫn thoát nạn; trang bị bình chữa cháy; trang bị dụng cụ hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn; trang bị dụng cụ bảo vệ cá nhân; trang bị chữa cháy bằng nước cùng phụ lục các hình tham khảo, minh hoạ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.