Ngay sau khi UBND thành phố Hà Nội có Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 15-9-2023 về tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng đã ban hành Văn bản số 7320/SXD-TTr, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý trật tự xây dựng, cấp phép, xử lý công trình vi phạm theo quy định.
Thế nhưng, hiện tại một số địa phương vẫn còn chậm trễ, chưa hoàn thành số liệu báo cáo UBND thành phố.
Một số địa phương chậm tiến độ so với yêu cầu
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay sau thời điểm UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 234/KH-UBND, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là các công trình có vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Để việc kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm thực hiện đúng tiến độ, đầy đủ thông tin, thống nhất về số liệu, Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục có Kế hoạch số 94/KH-SXD(TTr) ngày 19-9-2023, Văn bản số 8572/SXD-TTr ngày 3-10-2023 cùng nhiều văn bản khác về việc hướng dẫn, đôn đốc chính quyền các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch số 234/KH-UBND.
Bên cạnh việc đôn đốc, phối hợp với chính quyền các quận, huyện, thị xã tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, tổ công tác của Sở Xây dựng còn hướng dẫn chính quyền các địa phương rà soát việc cấp giấy phép, quản lý hoạt động xây dựng đối với các loại hình nhà ở nêu trên…, từ đó kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về vị trí đỗ xe và công tác lập, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy, hướng dẫn một số giải pháp tạm thời để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn đối với các công trình chung cư mini.
Căn cứ vào nội dung Báo cáo số 291/BC-SXD(TTr) ngày 15-12-2023, sau 3 tháng, tổ công tác của Sở Xây dựng và các cấp chính quyền đã tổ chức kiểm tra đối với 69.448 công trình. Đồng thời, Sở thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với 156 công trình với số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 3 tỷ đồng. Theo yêu cầu trong Kế hoạch số 234/KH-UBND, các đơn vị chấp hành nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo kết quả đợt tổng kiểm tra, rà soát về UBND thành phố (qua Công an thành phố) trước ngày 2-11-2023 để tổng hợp chung. Đơn vị, địa phương nào thực hiện không nghiêm túc, không bảo đảm tiến độ đề ra, để sót lọt cơ sở thuộc diện kiểm tra, rà soát thì thủ trưởng đơn vị, chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Thế nhưng, hiện tại một số địa phương vẫn chưa hoàn thành số liệu kiểm tra, rà soát gửi Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.
Cần sớm hoàn thành
Ngày 25-2-2024, khảo sát thực tế trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân…, phóng viên nhận thấy còn tồn tại nhiều nhà ở được cơi nới, sửa chữa trái quy định để kinh doanh nhà trọ, chung cư mini, nhưng chưa được trang bị thiết bị phòng chống cháy, cứu hộ. Tình trạng này dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến sự cố cháy, nổ. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Trình, đến thời điểm này, quận đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về xây dựng đối với 2.037 trường hợp, trong đó có 569 trường hợp có nguy cơ cháy nổ cao. Đáng nói, trong 11 nhà ở nhiều căn hộ, cơ quan chức năng của quận phát hiện tất cả 11 công trình đều có vi phạm. UBND quận đã phải ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 9 trường hợp.
Còn Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng, đô thị quận Hai Bà Trưng Linh Anh Hải cho biết, đến hết tháng 1-2024, UBND 18 phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã rà soát được 261/485 công trình nhà ở hộ gia đình kết hợp kinh doanh. Hiện nay, UBND quận đang tiếp tục yêu cầu UBND các phường kiểm tra, rà soát 485/855 công trình, nhà ở hộ gia đình kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ. Cũng theo ông Linh Anh Hải, nguyên nhân dẫn đến việc chậm thực hiện Kế hoạch số 234/KH-UBND của UBND thành phố là do hầu hết các công trình trong diện kiểm tra đều chưa có giấy phép xây dựng (được xây dựng trước năm 2006), hoặc chủ đầu tư vắng mặt, đã cho đối tượng khác thuê lại. Mặt khác, một số công trình sau khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư đã bán cho người khác qua hợp đồng viết tay, hoặc cho đơn vị thứ 2, thứ 3 thuê lại toàn bộ công trình để kinh doanh, dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm khắc phục vi phạm.
Việc chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng của công trình sang nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ trong khi cải tạo, sửa chữa không được đơn vị tư vấn, thiết kế có đủ năng lực nghiên cứu, đánh giá lại toàn bộ hồ sơ thiết kế kiến trúc, kết cấu, hệ thống điện, phòng cháy, chữa cháy… sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Bên cạnh việc không bảo đảm về yếu tố kỹ thuật, an toàn cho người và tài sản tại công trình, nhiều công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ còn xảy ra vi phạm về mật độ xây dựng. Thực trạng này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng các địa phương trong công tác thanh, kiểm tra, nhằm bảo đảm cuộc sống an toàn cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.