(HNM) - Với tỷ lệ 93,07% đại biểu tán thành, kỳ họp thứ mười một, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV ngày 4-12 đã thông qua Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội.
Theo đánh giá của HĐND thành phố, việc thông qua Nghị quyết sẽ giúp các làng nghề truyền thống của Hà Nội phát triển bền vững và cũng góp phần quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô ra thế giới.
88,6 tỷ đồng hỗ trợ làng nghề phát triển
Theo tờ trình của UBND thành phố Hà Nội về việc đề nghị HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội, Thủ đô hiện nay có 308 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố Hà Nội công nhận, trong đó có 233 làng (chiếm 75,65%) thuộc danh mục ngành nghề phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ, gồm: 11 làng nghề sơn mài, khảm trai; 83 làng nghề mây tre, giang đan; 23 làng nghề chế biến lâm sản; 25 làng nghề dệt may; 9 làng nghề da giày; 13 làng nghề cơ kim khí; 15 làng nghề chạm điêu khắc; 55 làng nghề chế biến nông sản thực phẩm.
Ngoài ra, trong số 1.350 làng nghề và làng có nghề truyền thống trên địa bàn thành phố, đa số các làng có nghề đều thuộc danh mục phải đánh giá tác động môi trường được quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Tờ trình cũng nêu rõ, các làng nghề làm thủ tục đề nghị công nhận và làng nghề đã được công nhận “Làng nghề, làng nghề truyền thống” thuộc danh mục phải đánh giá tác động môi trường theo quy định, được thành phố hỗ trợ 200 triệu đồng/làng nghề để thực hiện việc đánh giá tác động môi trường. Về hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, các làng nghề được hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/một nội dung. Mỗi làng nghề được đăng ký tối đa 5 nội dung…
Tại Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội đã được HĐND thành phố thông qua, trong giai đoạn 2019-2025, thành phố sẽ hỗ trợ đánh giá tác động môi trường cho 233 làng nghề đã được công nhận có nghề thuộc danh mục ngành nghề phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của Chính phủ. Dự kiến mỗi năm, có 10 làng nghề được công nhận mới với tổng kinh phí là 58,6 tỷ đồng. Thành phố cũng sẽ hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho 60 làng nghề (mỗi năm 10 làng nghề) với tổng kinh phí là 30 tỷ đồng. Tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết này là 88,6 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, việc ban hành Nghị quyết là phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Báo cáo thẩm tra của HĐND thành phố cũng đã làm rõ một số nội dung cần quan tâm trước khi thông qua Nghị quyết. Tại phiên thảo luận tổ ngày 3-12, đã có một số đại biểu đóng góp ý kiến và cơ bản đều nhất trí cao với việc thống nhất thông qua Nghị quyết nhằm khuyến khích các làng nghề phát triển.
Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của làng nghề
Là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố xây dựng dự thảo Nghị quyết, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, 308/1.350 làng nghề được công nhận của Thủ đô hiện trực thuộc 23 quận, huyện, thị xã. Một số làng nghề có doanh thu cao như: Điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đạt doanh thu 2.850 tỷ đồng/năm; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu (huyện Hoài Đức) đạt 1.600 tỷ đồng/năm; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá (huyện Thạch Thất) đạt doanh thu 1.209 tỷ đồng/năm… Đặc biệt, hiện có 2 làng nghề: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Vạn Phúc (quận Hà Đông) được công nhận là Điểm du lịch của UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề nhìn chung còn thấp, chỉ cao hơn so với lao động thuần nông, phổ biến ở mức 5-6 triệu đồng/lao động/tháng...
Trước khi Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội được HĐND thành phố thông qua, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện Nghị quyết, phát huy thế mạnh và quảng bá về những tinh hoa của các làng nghề Thủ đô tới thị trường trong nước và quốc tế.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ Đông Anh), thành phố Hà Nội có những làng nghề vô cùng độc đáo với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ không nơi nào có được. Với thế mạnh này, thành phố cần mạnh dạn lựa chọn một số sản phẩm cốt lõi của các làng nghề truyền thống và tập trung đầu tư cho các sản phẩm này. Đại biểu cũng nhấn mạnh việc xây dựng một chiến lược truyền thông lâu dài nhằm quảng bá cho các sản phẩm làng nghề như: Mở quầy bán và trưng bày sản phẩm tại các sân bay quốc tế để du khách có thể tìm mua sản phẩm khi đến tham quan. Cùng với đó là đầu tư có chọn lọc cho khâu thiết kế sản phẩm làng nghề, đặc biệt là đồ lưu niệm hay những sản phẩm đặc trưng của Hà Nội, thậm chí có thể thuê chuyên gia nước ngoài để có thiết kế đẹp, độc đáo.
“Tôi được biết, nhiều nghệ nhân Hà Nội đã gia công cho một số hãng thời trang lớn và những sản phẩm này được bán trên thị trường thế giới với mức giá cao gấp hàng trăm lần giá đặt hàng”, đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Huy Được (Tổ Ba Vì) cũng cho rằng, việc HĐND thành phố thông qua Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội sẽ góp phần làm cho môi trường xanh - sạch - đẹp và phát triển bền vững.
Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Lê Thị Thu Hằng (đại biểu Tổ Phúc Thọ) cho biết, huyện hiện có 5 làng nghề được công nhận. Thời gian qua, Phúc Thọ đã triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các làng nghề phát triển. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn vì các nghề may, mộc, cơ khí… không nằm trong danh mục ngành nghề được đào tạo theo quy định. Các làng nghề của huyện chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, trình độ về quản lý, kinh doanh, hội nhập kinh tế còn yếu. Bày tỏ sự phấn khởi khi HĐND thành phố Hà Nội chính thức thông qua Nghị quyết nhằm hỗ trợ các làng nghề phát triển, đại biểu Lê Thị Thu Hằng mong muốn thành phố sẽ hỗ trợ huyện kinh phí xử lý môi trường, đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề…, qua đó cải thiện đời sống của nhân dân.
Với việc HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết hỗ trợ các làng nghề, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo của Thủ đô sẽ được quảng bá rộng rãi, góp phần cải thiện đời sống người dân, giúp các làng nghề truyền thống duy trì và phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.