(HNMO) - Ngày 29-3, trên địa bàn Hà Nội, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tình hình chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, cũng như chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc đóng cửa các cơ sở kinh doanh mặt hàng không thiết yếu đã được thực hiện nghiêm hơn so với những ngày trước đó.
Tại các quận: Long Biên, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình…, gần như tuyệt đối các hàng, quán kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu ở những tuyến phố chính và tuyến phố trong địa bàn dân cư đã dừng hoạt động.
Trên các tuyến phố: Võ Thị Sáu, Lê Thanh Nghị, Bạch Mai, Đại Cồ Việt, Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) và Nguyễn Hữu Thọ, Định Công, Giải Phóng, Kim Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Đại Từ (quận Hoàng Mai)…, nhìn chung các cửa hàng kinh doanh đã chấp hành. Một số cửa hàng sửa xe máy, bán kính tại phố Trương Định (quận Hoàng Mai) hôm qua còn mở cửa thì hôm nay (29-3) đã đóng.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, trong ngày 29-3, quận tiếp tục chỉ đạo các phường cử lực lượng tuần tra, giám sát việc tạm dừng hoạt động của các cơ sở kinh doanh.
“Việc người dân đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng cũng đã được thực hiện triệt để. Các phường chưa ghi nhận trường hợp nào bị xử lý”, ông Tạ Nam Chiến thông tin.
Tuy nhiên, trên các tuyến phố vẫn lác đác có cửa hàng mở cửa bán hàng, chủ yếu là bán đồ điện, nước, đồ gỗ nội thất, sửa chữa điện thoại, sửa chữa xe máy, quần áo, hoa tươi... Trên đường Cổ Linh (quận Long Biên), nhiều cửa hàng bán cây cảnh dọc phía đối diện với Trung tâm thương mại Aeon Mall vẫn hoạt động bình thường. Nhiều khách hàng ra vào xem và mua cây cảnh.
Tại địa bàn quận Hai Bà Trưng, quận Hoàng Mai, một vài cửa hàng bán phụ kiện điện thoại, vàng bạc, cắt tóc… còn mở cửa. Trong vai là khách hàng, phóng viên vào thử hỏi mua đồ tại cửa hàng bán phụ kiện điện thoại ở địa chỉ 36 Định Công và cửa hàng bán đồng hồ tại số 3 Định Công (quận Hoàng Mai) vẫn được đón tiếp và tư vấn rất chu đáo. Khi “khách hàng” thắc mắc “Cửa hàng mình không đóng cửa để chung tay phòng, chống dịch à?” thì nhân viên cửa hàng phụ kiện điện thoại cho biết: “Có, bọn em sắp đóng”. Tương tự, cửa hàng làm tóc ở số 2, ngõ 191 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) cũng vẫn mở cửa…
Còn tại quận Tây Hồ, Phó Chủ tịch UBND quận Phạm Xuân Tài cho biết: Tính đến 0h ngày 28-3, địa bàn quận có khoảng 4.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu dừng hoạt động và khoảng 800 cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày mở cửa. Công an quận, phường thành lập các đội tuần tra nhắc nhở các cơ sở nghiêm túc thực hiện. Đối với các cơ sở không chấp hành, lực lượng chức năng thực hiện biện pháp cưỡng chế, thậm chí xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định.
Khu vực ngoại thành, phóng viên Báo Hànộimới đã trực tiếp khảo sát nhiều địa bàn. Tại xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: Mát xa, vũ trường, điểm du lịch, tụ điểm vui chơi, giải trí, quán bia hơi, nhà hàng ăn uống đều đã đóng cửa. Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Nguyễn Duy Cường cho biết, lực lượng chức năng của xã đã tuyên truyền và yêu cầu các hộ kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu cam kết tạm dừng hoạt động để phòng chống, dịch.
Về cơ bản, người dân chấp hành rất nghiêm túc. Tuy nhiên, còn một vài hộ bán hàng ăn sáng vẫn hoạt động, các lực lượng chức năng của xã Sơn Đông đã kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu phải chấp hành quy định.
Tại địa bàn huyện Ứng Hòa, ông Đinh Quang Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng cho biết, trên địa bàn xã có 12 cửa hàng kinh doanh dịch vụ các mặt hàng không cần thiết như: Trà chanh, hàng ăn sáng… đều đã đóng cửa những ngày qua. Công an xã và các hội đoàn thể đi đến từng nhà tuyên truyền và ký cam kết, người dân đều đồng tình và ủng hộ chủ trương của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội. Xã cũng đã thành lập một tổ giám sát gồm công an xã và các ban, ngành, đoàn thể hằng ngày đi kiểm tra vào các buổi sáng, trưa và chiều tối.
Ông Nguyễn Văn Truyền, bán hàng ăn sáng ở xã Trầm Lộng cho biết, hiện nay dịch Covid-19 có nhiều diễn biến mới, chấp hành chủ trương của Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội, từ ngày 26-3, gia đình ông đã đóng cửa hàng bán đồ ăn sáng để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Tại xã An Khánh (huyện Hoài Đức), một trong những địa phương có nhiều khu đô thị, với những hoạt động kinh doanh, thương mại khá tấp nập nhưng từ ngày 27-3, toàn bộ các hàng quán và những dịch vụ không thiết yếu (15 quán karaoke; 22 quán internet; 49 quán cà phê, giải khát, trà đá; 103 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ngày, đêm; 71 cơ sở kinh doanh quần áo, đồ điện tử…) đều đóng cửa.
Do địa bàn rộng nên xã thành lập 3 tổ công tác do lực lượng công an xã chủ trì, tổ chức kiểm tra từng khu vực để kịp thời phát hiện, nhắc nhở các chủ hàng, quán nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội và huyện Hoài Đức để phòng, chống dịch Covid-19.
Tại xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai), sáng 29-3, dọc các tuyến đường thôn, xóm, ngoài các cửa hàng thuốc, nông sản, thực phẩm hoạt động thì các hàng ăn, quán giải khát, karaoke, các hàng dịch vụ đã đóng cửa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố. UBND xã cũng thành lập 2 tổ đi tuyên truyền và yêu cầu các hộ kinh doanh dịch vụ đóng cửa. Hiện tại, các hộ kinh doanh trên địa bàn xã đều chấp hành nghiêm.
Còn tại huyện Đông Anh, bà Nguyễn Thị Hồng, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo tại chợ Mun (xã Kim Chung) chia sẻ: "Dừng buôn bán khiến gia đình có chút khó khăn, nhưng tôi vẫn ủng hộ chủ trương này. Cả nước đang gồng mình để chống dịch, tôi nghĩ mỗi người nên chung tay cùng cộng đồng để thắng dịch Covid-19...".
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận:
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.