(HNM) - Hôm qua 21-4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, UBND TP Hà Nội họp phiên tập thể tháng 4, xem xét dự thảo hai quy định mới trong lĩnh vực quy hoạch.
Giải pháp tiết kiệm thời gian và chi phí
Hai dự thảo quy định liên quan đến quy hoạch gồm "Quy định về việc cấp giấy phép quy hoạch" và "Quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các công trình xây dựng hai bên tuyến đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội". Sở Quy hoạch và Kiến trúc là đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo, đã thực hiện nhiều bước xin ý kiến các cơ quan, các quận, huyện trước khi trình ra UBND TP. Sở Tư pháp đã thẩm định tính pháp lý của hai quy định này với kết luận "nhất trí về tính cần thiết phải ban hành".
Theo dự thảo "Quy định về cấp giấy phép quy hoạch trên địa bàn thành phố", các trường hợp được cấp bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung tại khu vực trong đô thị có quy hoạch phân khu (hoặc đã có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000, quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5.000 trước đây đã được thực hiện lập, phê duyệt theo Luật Xây dựng năm 2003), nhưng chưa đủ căn cứ để lập quy hoạch chi tiết 1/500; dự án đầu tư xây dựng công trình riêng lẻ tại khu vực trong đô thị chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị, trừ nhà ở; dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung hoặc riêng lẻ trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt, nhưng cần điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị đối với một lô đất.
Điều gây chú ý nhiều nhất của quy định trên là tác động mà nó có thể đem lại đối với thực tế quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị tại Hà Nội. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc, hiện nay còn rất nhiều hồ sơ dự án xin điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch đang bị "ách" tại sở, vì còn phải chờ quy định này. Giấy phép quy hoạch còn là cơ sở để các chủ đầu tư lập dự án thay vì phải chờ đợi quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Hà Nội vẫn chưa có quy hoạch chung xây dựng, nhưng ngay cả khi có quy hoạch này, TP sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành một số lượng rất lớn các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm cơ sở cho các dự án đầu tư. Nếu có được quy định cấp phép quy hoạch, các chủ đầu tư sẽ không nhất thiết phải chờ có quy hoạch chi tiết mới có thể nghiên cứu lập dự án, họ chỉ cần được cấp giấy phép quy hoạch là có thể triển khai.
Thắt chặt quản lý quy hoạch hai bên đường
Dự thảo "Quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các công trình xây dựng hai bên tuyến đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội" làm rõ các điều kiện để xây dựng các công trình hai bên tuyến đường đô thị (đường có mặt cắt từ 13m trở lên) gồm nhà liên kế, nhà ở riêng lẻ và một số công trình kiến trúc khác. Đây là quy định cụ thể nhằm ngăn chặn phát sinh nhà "siêu mỏng, siêu méo". Theo dự thảo quy định này, các lô đất có diện tích nhỏ hơn 30m2 và có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu nhỏ hơn 3m nằm hai bên tuyến đường được hình thành sau khi quy định này có hiệu lực sẽ không đủ điều kiện xây dựng. Các ô đất có diện tích nhỏ hơn 15m2 và có ít nhất 1 cạnh nhỏ hơn 3m nằm hai bên tuyến đường được hình thành sau ngày Quyết định 39/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực cũng không đủ điều kiện để xây dựng…
Ngoài ra, các công trình còn phải tuân thủ hàng loạt yêu cầu nhằm bảo đảm tính kỹ thuật, thẩm mỹ kiến trúc đô thị. Chẳng hạn, phần nổi của tầng hầm (tính đến sàn tầng trệt) không quá 1,5m so với cao độ vỉa hè hiện hữu ổn định. Dàn hoa, mái che cầu thang có chiều cao tối đa 3m (tính từ sàn sân thượng) và diện tích phần mái che cầu thang không được lớn hơn 1/2 diện tích sàn sân thượng và phải có khoảng lùi phía trước (bố trí sân trước). Trong khoảng không từ mặt vỉa hè tới độ cao 3,5m, các bộ phận của nhà như ban công, ô văng, mái hiên, mái vảy không được nhô quá chỉ giới đường đỏ. Màu sắc của các ngôi nhà hai bên tuyến đường khuyến khích sử dụng các màu sắc hài hòa với cảnh quan và các công trình trong khu vực, không được sử dụng màu sắc phản cảm ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị; đối với nhà phố liên kế trong cùng một dãy phải sử dụng màu sắc hài hòa, tránh tương phản...
Mặc dù hai quy định dự kiến ban hành nói trên cho thấy triển vọng sẽ tác động tích cực đến việc giải quyết những bài toán đô thị đang đặt ra hiện nay, nhưng yếu tố quyết định là tính chất nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan triển khai. Trong phần kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: "Nếu các quận, huyện, thị xã nghiêm khắc ngăn không cho xây dựng trái phép trên đất "siêu mỏng, siêu méo", chủ sở hữu sẽ tự khắc phải tiến hành hợp khối. Vì thế, trong các quy định mới, cần phải làm rõ ràng, cụ thể trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước, đâu là chính, đâu là phụ trong việc thực thi các quy định này".
Hợp tác xã bị “đô thị hóa” có thể xin chuyển mục đích sử dụng đất Cũng trong phiên họp tập thể hôm qua 21-4, UBND TP đã xem xét dự thảo "Quy định về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã (HTX) trên địa bàn" do Liên minh HTX TP trình. Theo dự thảo này, mức hỗ trợ thành lập mới HTX dự kiến là 25 triệu đồng và 35 triệu đồng đối với liên hiệp HTX. Liên minh HTX TP cũng đề nghị TP hỗ trợ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho HTX có dự án thuê lại đất sử dụng hợp pháp của các tổ chức, cá nhân để phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời cho phép các HTX nông nghiệp ở khu vực "đô thị hóa" có dự án khả thi, phù hợp với quy hoạch làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tiếp tục hoạt động và tổ chức các dịch vụ, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho xã viên và người lao động. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.