(HNMO) - Chiều 27-11, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã thông tin về tình hình phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố trong năm 2018.
Ông Phùng Quang Thức thông tin tại hội nghị giao ban báo chí Thành ủy chiều 27-11. |
Ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, Hà Nội hiện có 5.792 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội, trong đó có hơn 3.500 cơ sở lưu trú; 1.121 cơ sở karaoke; 836 cơ sở xoa bóp; 2 vũ trường; 44 bar có sử dụng rượu mạnh; 11 cơ sở cắt tóc, gội đầu thư giãn; 111 cơ sở cà phê nhạy cảm và 128 cơ sở tắm nóng lạnh.
5 điểm có biểu hiện hoạt động mại dâm được chỉ ra gồm: Khu vực đường Hồng Hà, Phạm Ngũ Lão, dốc Bác Cổ (quận Hoàn Kiếm); phố Yesin - vườn hoa Pasteur, Nguyễn Huy Tự, Trần Khánh Dư (quận Hai Bà Trưng); đường Giải Phóng, bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai); khu vực công viên Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm); đường Liễu Giai (quận Ba Đình). Đối tượng nghi có hoạt động mại dâm tại các địa bàn này thường đứng chờ khách đến hỏi hoặc lưu động bằng phương tiện xe máy.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn 10 tụ điểm nghi ngờ có hoạt động mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Số người bán dâm bị xử lý vi phạm hành chính là 472 người, trong đó chủ yếu ở độ tuổi từ 18-35 (363 trường hợp).
Về tệ nạn nghiện và sử dụng ma túy, theo thống kê của Phòng CSĐT tội phạm về ma túy CATP, tính đến giữa tháng 11-2018, trên địa bàn có 13.402 người nghiện ma túy và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý. Thống kê cũng cho thấy người nghiện heroin chiếm trên 69% và nhóm ma túy tổng hợp trên 28%.
Ông Phùng Quang Thức cho biết, năm 2018, công tác phòng chống mại dâm, cai nghiện và quản lý sau cai đã đạt kết quả tích cực.
Cụ thể, tại các điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm, đặc biệt tại địa bàn giáp ranh được tổ chức tuần tra, kiểm soát, kiểm tra hành chính, lập chốt trực 24/24h. Cơ quan công an các cấp đã đấu tranh, triệt phá 158/150 vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm (đạt 105,3% kế hoạch), bắt giữ 672 đối tượng.
Đội kiểm tra liên ngành 178 thành phố đã tổ chức kiểm tra được 48/60 cơ sở kinh doanh dịch vụ, đạt 80% chỉ tiêu; xử phạt 15 cơ sở với số tiền 140,5 triệu đồng.
Trong công tác cai nghiện ma túy, tại gia đình và cộng đồng đã cai cho 503 người (đạt 170% kế hoạch năm 2018); cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy 802 người (đạt 114,6% kế hoạch); 1.840 người vào cai nghiện tự nguyện (đạt 92 % kế hoạch)
Các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện đã tiếp nhận 583/1000 lượt người vào cai nghiện tự nguyện, đạt 58,3% kế hoạch năm 2018. Việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại 18 cơ sở do Sở y tế quản lý là 4.800 người.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cũng chỉ ra nhiều khó khăn, hạn chế trong phòng, chống mại dâm như người bán dâm hoạt động với nhiều phương thức, hình thức khác nhau, di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác, gây khó khăn cho công tác quản lý và xử lý; chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.
Trong cai nghiện ma túy, tình trạng người sử dụng và nghiện ma túy tổng hợp ngày một gia tăng, việc cai chữa trị và quản lý đối tượng này gặp nhiều khó khăn. Một trong những lý do bởi chưa có cơ sở pháp lý giữ người ở lại theo dõi, giám sát hơn 24h.
Sau vụ việc 7 người tử vong trong lễ hội âm nhạc ở công viên nước Hồ Tây do liên quan tới việc sử dụng ma túy tổng hợp, ông Thức cho biết, Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội như quầy bar, vũ trường, quán karaoke... trong đó lưu ý kiểm tra việc sử dụng shisha, khí N2O và các loại ma túy tổng hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.