(HNM) - Giai đoạn 2011-2015, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư lớn cho chỉnh trang đô thị. Với hàng trăm dự án lớn nhỏ, chi phí hàng ngàn tỷ đồng, diện mạo Thủ đô được dự báo sẽ thay đổi mạnh.
Tại ngày cuối phiên họp thường kỳ diễn ra hôm qua 24-12, UBND TP đã thảo luận về kế hoạch này, trong đó nổi lên một thực tế, dù đã có những kinh nghiệm nhất định, nhưng cách làm, phương thức kiểm soát, phối hợp trong chỉnh trang đô thị vẫn rất cần được đổi mới.
Chỉnh trang từ trong ra ngoài
Theo kế hoạch do Sở Xây dựng dự thảo, tổng chi phí chỉnh trang đô thị giai đoạn 2011-2015 vào khoảng 3.300 tỷ đồng với 174 dự án.
Năm 2011, TP dự kiến triển khai 40 dự án chỉnh trang đô thị với chi phí khoảng 602 tỷ đồng. Tất cả các quận, huyện, thị xã đều có ít nhất 1 dự án. Hầu hết là các dự án hạ ngầm đường dây (8 dự án), cải tạo chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật thoát nước, chiếu sáng, mặt đường… (13 dự án) như phố Bà Triệu, Hoa Lư - Lê Đại Hành, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tông, Chu Văn An, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Cảnh Chân, Hoàng Văn Thụ, Lạc Long Quân, vỉa hè Quốc lộ 21B, đường Bà Triệu (phường Nguyễn Trãi, Hà Đông), tuyến đường Đại học Nông nghiệp I đi đường 5B, đường 131 Sóc Sơn, Quốc lộ 3 (đoạn Sóc Sơn), tỉnh lộ 427, 413, 419, trục đường trung tâm thị trấn Tây Đằng (Ba Vì)… 6 vườn hoa sẽ được chỉnh trang, cải tạo trong năm 2011 như Vạn Bảo, Đầm Trấu, Bác Cổ, Tao Đàn, Cổ Tân, vườn hoa khu vực phố Mai Xuân Thưởng, Công viên Thống Nhất (giai đoạn 2). Chi phí đắt nhất của một dự án đợt này lên đến 70 tỷ đồng của dự án hạ ngầm đường dây đi nổi tuyến phố Trần Khát Chân. Chi phí thấp nhất là dự án cải tạo chỉnh trang đường nối từ đường Ngọc Lâm đến đường Nguyễn Sơn, với 1,2 tỷ đồng.
Giai đoạn tới, Hà Nội tiếp tục đầu tư lớn cho chỉnh trang đô thị. Ảnh: Đức Nghiêm |
Giai đoạn 2012-2015, Hà Nội dự kiến triển khai hơn 100 dự án, chi phí trên 2.000 tỷ đồng. Hiện nay, việc tổng hợp, bổ sung danh mục dự án đang được tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, với vốn đầu tư lớn, số lượng dự án nhiều, diện mạo đô thị Hà Nội dự báo sẽ có bước chuyển biến mạnh trong giai đoạn này. Có 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị được đưa ra. Trong đó, đáng chú ý, TP sẽ hạ ngầm, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi một số tuyến phố theo đề án của UBND TP từ trung tâm ra ngoài và đồng bộ với hệ thống các tuyến phố đã thi công; chỉnh trang các đường phố chính, trung tâm, xuyên tâm; xóa ổ gà, sửa chữa các hạng mục đường giao thông bảo đảm an toàn, đầu tư hệ thống chiếu sáng các ngõ, xóm tại nội thành và thị trấn, thị tứ, đường liên huyện, liên xã ở ngoại thành…
Nhìn tổng thể, làm trách nhiệm
Ràng buộc trách nhiệm các bên liên quan là điều đầu tiên cần bổ sung khi thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị giai đoạn 2011-2015. "Viễn thông "chui" vào hào kỹ thuật, nhưng điện lực cứ "nghênh ngang" ở ngoài, thậm chí vào cả nhà dân. Chúng tôi vừa chỉ đạo làm ở bờ phải sông Tô Lịch, rất khốn khổ vì tình trạng này. Ngay cả ở đường Văn Cao cũng vậy" - Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết. Đây là tình trạng phổ biến trong quá trình chỉnh trang đô thị ở Hà Nội thời gian qua. Sự thiếu hợp tác của các đơn vị có đường dây đi nổi không chỉ làm gián đoạn các dự án, thậm chí còn ảnh hưởng đến chất lượng kỹ thuật của các công trình. Nhưng TP chưa có cách nào để đòi hỏi trách nhiệm của các đơn vị này, nhất là các đơn vị thuộc cấp bộ, ngành quản lý. "TP nên có chế tài đối với các chủ đầu tư và các sở một cách cụ thể. Ai làm tốt thì khen, ai làm ẩu phải xử lý" - Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng đề nghị.
Một số ý kiến cho rằng, chỉnh trang đô thị cần phải thống nhất ngay từ quan điểm là làm bền vững, không nên "bóc đi, làm lại" nhiều lần. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chỉnh trang đô thị cả một giai đoạn cần có cái nhìn tổng thể để làm rõ việc cần làm, ai thực hiện, ai giám sát kiểm tra… Khi đó mới không bỏ sót việc, rõ trách nhiệm, có đầu, có cuối, diện mạo Thủ đô mới có thể khởi sắc. Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho rằng, phải đưa cả việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo vào kế hoạch. Đồng thời phải thực hiện nghiêm các quy định đã có của TP, ví dụ các khu đô thị mới chưa xây dựng công viên, vườn hoa phải được rà soát, làm rõ trách nhiệm và yêu cầu thực hiện. Không thể có chuyện, các chủ đầu tư khu đô thị mới không làm đúng quy định, không xây dựng vườn hoa, sân chơi, bây giờ TP lại đi làm mới thay cho họ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình khẳng định, TP sẽ phân công nhiệm vụ, phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm cụ thể để thực hiện kế hoạch này. Việc chỉnh trang sẽ phải triển khai đồng bộ, trong khi việc hạ ngầm sẽ phải tính toán cụ thể "chỗ nào chưa cần thiết thì bó gọn lại". TP sẽ huy động các nguồn lực khác nhau trong đầu tư, xây dựng và quản lý, duy tu, bảo dưỡng. Những hộ dân và các cơ quan, đơn vị ở mặt phố cũng sẽ được ràng buộc trách nhiệm hoặc vận động tham gia quản lý, bảo vệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.