(HNMO) - Ngày 29-6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố "Quy định khu vực không được phép chăn nuôi và các chính sách di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 5-2020, toàn thành phố có khoảng 207.587 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, tại các quận, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây, các thị trấn thuộc 5 huyện ven đô (Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì) đề xuất không được phép chăn nuôi nhưng vẫn còn hàng nghìn nông hộ, trang trại đang sản xuất. Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, toàn thành phố có 3.354 nông hộ, trang trại chăn nuôi với khoảng 2.606 lao động cần phải dừng hoạt động hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định.
Phát biểu tại hội nghị, nhiều đại biểu khẳng định, đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến đời sống người dân. Trước khi thực hiện, thành phố cần xem xét tâm tư, nguyện vọng của người chăn nuôi và có sự hỗ trợ một phần giúp họ thay đổi thói quen chăn nuôi.
Cơ quan chức năng cũng cần báo cáo tác động đến sản xuất chung của thành phố để đánh giá những mặt được về cảnh quan môi trường, về sản xuất chăn nuôi tập trung cũng như mặt chưa được, sự thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng để bổ sung, hoàn thiện.
Một số đại biểu cho rằng, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/người/tháng để di dời như dự thảo Nghị quyết nêu là thấp. Một số ý kiến cũng kiến nghị, ngoài quy định về chăn nuôi gia súc, gia cầm, dự thảo Nghị quyết cũng cần đề cập đến động vật làm cảnh đang được nuôi để kinh doanh, giải trí tại một số khu nghỉ dưỡng, các câu lạc bộ nuôi thú trong nội thành...
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ tiếp thu, tổng hợp những nội dung mà các đại biểu đã đề cập và gửi cơ quan soạn thảo để sớm điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nghị quyết một cách chặt chẽ trước khi ban hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.