Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Sơn - Hương - Ảnh: Viết Thành| 12/10/2021 15:22

(HNMO) - Chiều 12-10, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì cuộc họp trực tuyến đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2020 kéo dài.

Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông; các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Hà Minh Hải, Dương Đức Tuấn, Nguyễn Mạnh Quyền và lãnh đạo các sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; đại diện các ban quản lý của thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì cuộc họp.

Giải ngân đầu tư công mới đạt 37,8% kế hoạch 

Mở đầu cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội trong thời gian qua đạt mức thấp, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc trong thời gian còn lại của quý IV-2021.

Cùng với quyết tâm, nỗ lực, cần phương pháp khẩn trương, quyết liệt để tháo gỡ cho từng dự án, từng khối lượng công việc. Cuộc họp tập trung vào tìm ra nguyên nhân, đưa ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 11-10-2021, toàn thành phố giải ngân được 15.779,698 tỷ đồng, đạt 34,1% kế hoạch thành phố giao sau điều chỉnh và đạt 37,8% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản cấp thành phố là 5.682,368 tỷ đồng, đạt 29,4% kế hoạch thành phố giao sau điều chỉnh; chi đầu tư phát triển khác (giải ngân qua Quỹ Đầu tư phát triển và Sở Tài chính) là 1.050 tỷ đồng, đạt 70,9% kế hoạch thành phố giao sau điều chỉnh; chi đầu tư cấp huyện 9.510,829 tỷ đồng, đạt 37,5% kế hoạch thành phố giao sau điều chỉnh.

Quang cảnh cuộc họp.

Một số sở, ban, ngành, quận, huyện của đạt tỷ lệ giải ngân cao, như: Thanh Trì đạt 100%, Đống Đa đạt 93%, Đan Phượng đạt 82,5%, Bộ Tư lệnh Thủ đô đạt 70,7%, Ban Văn hóa - xã hội đạt 46%, Ban Nông nghiệp đạt 47,3%...

Còn lại các đơn vị đều có tỷ lệ giải ngân thấp, dưới 40%: Ban Giao thông đạt 39,5%, Ban Đường sắt đạt 25%, Ban Công trình dân dụng đạt 12,7%, Ban Cấp nước, thoát nước và môi trường đạt 10,1%... Có 7 quận, huyện, thị xã thực hiện các dự án nhiệm vụ chi thành phố có tỷ lệ giải ngân dưới 10%: Nam Từ Liêm (0%), Ba Đình (0%), Hoàng Mai (0%), Ứng Hòa (0,4%); Sơn Tây (3,3%), Mỹ Đức (3,9%), Thạch Thất (4,7%).

Tỷ lệ giải ngân thấp được chỉ ra có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, như: Dịch Covid-19 bùng phát trở lại ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, khối lượng thi công và giải ngân của các dự án, đặc biệt là trong bối cảnh thành phố Hà Nội phải thực hiện giãn cách thời gian vừa qua, hầu hết các dự án phải dừng thi công để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn vướng mắc về cơ chế, chính sách xác định nguồn gốc đất, tái định cư; một số dự án còn tình trạng người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù, yêu cầu xác định giá bồi thường sát giá thị trường,… làm chậm quá trình thi công, giải ngân dự án.

Bên cạnh đó, giai đoạn vừa qua giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành xây dựng và tiến độ thực hiện dự án; một số dự án được giao kế hoạch lớn nhưng do vướng mắc nên kết quả giải ngân thấp làm ảnh hưởng đến kết quả chung.

Ngoài những nguyên nhân trên còn có nguyên nhân là sự thiếu quyết liệt của một số chủ đầu tư và các đơn vị thực hiện công tác liên quan đến giải phóng mặt bằng; phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, các quận, huyện, nhà thầu chưa tốt dẫn đến chậm tiến độ thực hiện thi công, hoàn thành thủ tục giải ngân vốn đã giao….

Tại cuộc họp, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Phạm Hoàng Tuấn cho biết, Ban Quản lý đã giải ngân được hơn 39%. Để đẩy nhanh giải ngân trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ đẩy mạnh thủ tục liên quan đến quyết toán và bàn giao khối lượng thi công. Ban đã dự liệu được diễn biến cụ thể trong quý IV và không đề nghị điều chuyển vốn, phấn đấu hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn cả năm.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông kiến nghị thành phố nên ban hành văn bản để điều chỉnh giá do biến động về giá nguyên, vật liệu xây dựng với hướng dẫn cụ thể. Các sở cần tăng cường hợp tác, thống nhất ý kiến sớm để trình thành phố phê duyệt dự án càng sớm càng tốt.

Trong khi đó, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư cấp thoát nước và môi trường Hà Nội cho biết, đơn vị mới giải ngân được 10,8% kế hoạch do được giao vốn nhiều, gặp khó khăn trong tìm nguồn cung vật tư, thiết bị, thiếu chuyên gia…, đồng thời đề xuất thành phố hỗ trợ trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội cho người dân ở khu vực triển khai dự án.

Cũng tại cuộc họp, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, hồ sơ quyết toán chậm nộp còn nhiều, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn. Đến ngày 7-10-2021 còn 81 dự án đã hoàn thành nhưng chưa nộp hồ sơ quyết toán. Với dự án cấp huyện, 632 dự án đã hoàn thành nhưng chưa nộp hồ sơ quyết toán. Sở đã làm việc với các chủ dự án để tìm hiểu nguyên nhân và bàn cách tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho quyết toán.

Nỗ lực cao nhất trong giải ngân vốn đầu tư công

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho rằng, cần tổng hợp, phân loại những vướng mắc để tập trung tháo gỡ, đồng thời phát huy vai trò, tính năng động và nâng cao hiệu quả của 6 tổ công tác trong việc rà soát và phối hợp thúc đẩy giải ngân. Bên cạnh đó, cần có cuộc họp chuyên đề, tìm hiểu sâu các vấn đề tồn tại của từng lĩnh vực để xử lý cụ thể, sát với yêu cầu thực tiễn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhìn nhận, cần soi vào thực tế để xác định nguyên nhân, diễn biến và tìm giải pháp phù hợp. Đồng thời, các đơn vị rà soát dự án có nhu cầu điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2021 thì đề xuất và báo cáo thành phố trước ngày 15-10. Theo đồng chí Hà Minh Hải, thành phố sẽ công khai kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các đơn vị.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, mỗi dự án phải có giải pháp cụ thể, còn cơ quan chức năng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính để hỗ trợ nhà đầu tư trong thanh toán khối lượng đã hoàn thành. Từ nay đến cuối năm là thời gian quyết định kết quả giải ngân của cả năm.

“Vì vậy, phải tận dụng từng giờ để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sau khi thành phố đã nới lỏng giãn cách. Dứt điểm không lùi bước. Cần phải tập trung với tinh thần nỗ lực cố gắng cao nhất, tăng cường hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện các dự án cụ thể, phấn đấu giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch”, đồng chí Chu Ngọc Anh nói.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu cần xác định tinh thần quyết tâm, gắn trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi quận, huyện, thị xã trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Đặc biệt, làm rõ cam kết về tiến độ giải ngân của các chủ đầu tư.

Đồng chí Chu Ngọc Anh cũng cũng nhấn mạnh việc bảo đảm trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời xác định kết quả giải ngân là điều kiện xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của mỗi cá nhân, tập thể...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.