(HNMO) - Sáng 19-5, UBND thành phố cùng Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại công nhân lao động các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội năm 2017.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố cùng dự buổi đối thoại với gần 1.000 công nhân, lao động, đại diện cho trên 15 vạn công nhân lao động đang làm việc tại các KCN&CX Hà Nội.
Gần 1.000 công nhân, lao động tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội dự đối thoại. |
Mở đầu Hội nghị, ông Phạm Khắc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban quản lý các KCN&CX Hà Nội có báo cáo về kết quả thực hiện kết luận Hội nghị đối thoại năm 2016 và những kiến nghị mới của công nhân lao động và lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) hiện đang làm việc trong các KCN&CX Hà Nội.
Theo ông Tuấn, ngay sau Hội nghị đối thoại với công nhân lao động các KCN&CX Hà Nội năm 2016 được tổ chức vào ngày 26-5-2016, UBND TP có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị giải quyết các kiến nghị tập trung vào 31 nội dung của công nhân lao động tại các KCN&CX Hà Nội.
"Có những việc được giải quyết ngay sau Hội nghị như về vấn đề bảo hiểm, giấy tờ liên quan đến thủ tục hành chính còn chậm ở các ngành; có những việc đòi hỏi tập hợp hồ sơ thì đến nay, sau một năm đã giải quyết được 22/31 nội dung, các nội dung còn lại đang tiếp tục giải quyết" - ông Tuấn cho biết.
Tiếp đó, bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội nêu, để chuẩn bị cho Hội nghị, Liên đoàn đã gửi phiếu lấy ý kiến tới công đoàn cơ sở và đã tổng hợp được 64 ý kiến gửi tới Hội nghị với những nội dung chính về lĩnh vực giao thông, xây dựng, đầu tư, tài nguyên môi trường, y tế, giáo dục đào tạo...
Chuyển sang phần đối thoại trực tiếp, bà Bùi Thị Hương, đại diện cho cán bộ công nhân viên Công ty Yamaha Việt Nam (KCN Nội Bài) nêu hàng loạt những kiến nghị, thắc mắc như tại một số địa phương, trong đó có Bắc Giang, do chưa triển khai thực hiện mẫu mới về BHXH nên khi người lao động từ các địa phương này chuyển giấy về cho công ty để chuyển lên BHXH thì không được thanh toán.
Bà Bùi Thị Hương, Công ty Yamaha Việt Nam nêu hàng loạt câu hỏi. |
"Trạm y tế hiện nay thường xuyên xảy ra tình trạng không có người trực trong giờ hành chính, chứ không phải chỉ ca đêm. Trong khi đó, người lao động có quỹ thời gian eo hẹp, tranh thủ đến khám thì không được phục vụ. Nếu trạm y tế được thiết lập ở khu công nghiệp thì sẽ thuận tiện hơn cho người lao động" - bà Hương nêu.
Ngoài ra, bà Hương cũng kiến nghị việc được thuê nhà trọ với giá ưu đãi; bố trí nhà trẻ ở KCN để trông trẻ ngoài giờ hành chính và kiểm tra tác động đến môi trường từ bãi rác Nam Sơn trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Nêu ý kiến về thanh, kiểm tra doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH nhà thép tiền chế Zamil Việt Nam phản ảnh về tần suất kiểm tra hiện nay là quá nhiều. Lấy ví dụ tại doanh nghiệp mình, ông Tuấn cho biết, trong 4 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng phải tiếp một đoàn thanh, kiểm tra.
"Doanh nghiệp không phản đối kiểm tra nhưng kiểm tra phải phù hợp, nếu không sẽ gây nhiều phiền toái, vì hầu hết các đoàn đưa ra hướng dẫn thì ít, nêu lỗi và hình phạt thì nhiều. Nhiều đoàn kiểm tra không thông qua Ban quản lý KCN mà chỉ gọi điện báo trước một ngày. Doanh nghiệp nếu không tiếp thì lần sau sợ có mặc cảm không tốt" - ông Tuấn nói.
Trong hơn một giờ đồng hồ, đã có lần lượt 17 ý kiến của các công nhân lao động, đại diện cho các doanh nghiệp, khu chế xuất... với gần 50 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung mong muốn thành phố tạo điều kiện xây dựng các khu nhà ở xã hội kèm theo các điều kiện về chăm sóc sức khoẻ, giáo dục... để bảo đảm ổn định cuộc sống; giảm thiểu các thủ tục hành chính trong đăng ký tạm trú, hộ khẩu, đăng ký xe máy, làm CMND...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung sau khi lắng nghe đã lần lượt giải đáp cụ thể từng nhóm ý kiến.
10 ngày sau đối thoại, các công nhân sẽ được sử dụng wifi miễn phí
Về các thủ tục đăng ký hộ khẩu, tạm trú, làm CMND, đăng ký xe máy khiến các công nhân đang phải đi lại mất nhiều ngày, gặp khó khăn trong tiếp cận công an khu vực..., Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, ngay sau Hội nghị sẽ yêu cầu Công an thành phố phối hợp với các đội quản lý hành chính trên địa bàn huyện để cử cán bộ hàng tuần, hàng tháng đến tại KCN để trực tiếp giải quyết các thủ tục cần đăng ký cho các công nhân có nhu cầu.
Về vấn đề làm việc trong môi trường độc hại mà đại diện lao động của Công ty TNHH Toto Việt Nam nêu, Chủ tịch UBND thành phố thừa nhận trong Luật Lao động hiện nay đang thiếu những hướng dẫn có liên quan. Thành phố sẽ sớm có văn bản gửi Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể về điều kiện, môi trường làm việc độc hại để doanh nghiệp áp dụng cho công nhân được hưởng các chế độ ưu đãi.
Trước ý kiến của một nữ công nhân tại xưởng sơn Công ty Yamaha Việt Nam đề nghị thành phố tăng cường cung cấp báo chí để các công nhân được tiếp cận thông tin, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay với 681 cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn thành phố, đặc biệt là hệ thống báo mạng, các cổng thông tin chính thống từ thành phố đến Trung ương rất phong phú, các công nhân sẽ có nhiều điều kiện để tiếp nhận thông tin. "Qua trao đổi với Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú, 10 ngày sau Hội nghị này, thành phố sẽ cho triển khai lắp đặt hệ thống wifi miễn phí phục vụ các công nhân tại các KCN&CX" - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cam kết.
Về nội dung phản ánh phía ngoài KCN Nam Thăng Long có đất xen kẹt, đang bị nhiều hộ dân sử dụng bán hàng quán, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ cho KCN, Chủ tịch đã chỉ đạo UBND huyện Đông Anh khảo sát, nếu hợp lý thì thu hồi phần đất này, tiến hành đền bù.
"Bí thư và Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn tuyên truyền vận động người dân, không để tình trạng bán hàng quán bên ngoài KCN Nội Bài và tiến tới đầu tư các dịch vụ bán hàng tiện ích cho công nhân tại KCN cũng như bố trí khu đất cho người dân bán hàng tập trung" - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu hướng giải quyết về thực trạng nhiều quán xá "bao vây" trước cửa KCN Nội Bài.
Chủ trương của thành phố là quan tâm, dành đầu tư thoả đáng cho đường giao thông tại các KCN&CX, đồng thời đang rà soát toàn bộ hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào thuộc trách nhiệm của mình. Thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, sau đó sẽ được trừ vào tiền thuế.
Về cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp khi giao đất trên địa bàn, theo quy hoạch chung của Thủ đô có 17 KCN&CX, hiện có 11 khu đang đi vào hoạt động. Trong thời gian tới có thêm 2 KCN lớn hoạt động trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
"Giá tiền bồi thường GPMB 1ha tương đương 10-15 tỷ đồng nên giá rất cao. Chúng tôi biết được đây là bất cập khi kêu gọi các DN xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, thành phố định hướng kêu gọi đầu tư liên quan đến kỹ thuật cao, sinh học, công nghệ sạch chứ không kêu gọi đầu tư tràn lan, ảnh hưởng đến môi trường. Để khuyến khích các nhà đầu tư, thành phố có hỗ trợ cho doanh nghiệp về điều kiện hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào, nhà ở khu công nhân, khu vui chơi giải trí, hạ tầng phục vụ cho công nhân tốt hơn. Về giá đất, theo quy định chung của thành phố, vượt ngoài thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND TP" - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu.
Doanh nghiệp có thể từ chối các đoàn thanh tra làm việc qua... điện thoại
Về vấn đề "nóng" mà Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH nhà thép tiền chế Zamil Việt Nam phản ảnh, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu lại tại Hội nghị tiếp xúc với doanh nghiệp vừa được tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ thị, quy định mỗi năm chỉ có một đoàn thanh tra, kiểm tra vào doanh nghiệp một lần.
"Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ các doanh nghiệp và hiểu sâu sắc về điều này. Với các đơn vị thanh tra làm việc qua điện thoại, các doanh nghiệp hoàn toàn có quyền từ chối và phản ánh lên đường dây nóng của thành phố. Chúng tôi sẽ có buổi làm việc, thống nhất giữa thanh tra bộ chuyên ngành, thanh tra Chính phủ, các đoàn kiểm toán để làm sao chỉ có một đoàn thanh tra với doanh nghiệp trong một năm" - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu.
Trước các phản ánh liên quan đến thiếu hụt nhà ở xã hội, giá nhà cho thuê cao hoặc tại nhiều nơi cơ sở hạ tầng xuống cấp, gây ảnh hưởng đến điều kiện sống cho các công nhân, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, thành phố đã cho sửa chữa những bất cập tại các khu nhà cao tầng tại chung cư làng Bầu (huyện Đông Anh), như sửa lại diện tích nhà nhỏ hơn, hạ giá thành cho thuê, sửa chữa các bong tróc, xuống cấp của sàn nhà, thiết bị vệ sinh... và sớm đưa 3 toà nhà còn lại vào sử dụng để công nhân có thể thuê.
Với khu nhà ở tại KCN Thạch Thất, Quốc Oai, theo phản ánh của ông Phan Thanh Hải (Chủ tịch công đoàn Cty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam) là do giá nhà quá cao, người lao động không tiếp cận được, gây lãng phí, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố đang có chương trình hỗ trợ với công nhân vay mua nhà ở thông qua Ngân hàng chính sách. Năm 2017, dự kiến nguồn vốn dành cho việc này là khoảng 200 tỷ. Sau buổi đối thoại, các KCN&CX sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể, phối hợp với ngân hàng để công nhân có thể tiếp cận với nguồn vốn này.
Để giải quyết tình trạng úng ngập thường xuyên xảy ra khi có mưa lớn và vỉa hè xuống cấp tại KCN Thạch Thất, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tiếp thu ý kiến và cho biết thành phố sẽ phối hợp với Ban quản lý KCN để duy tu, sửa chữa những đoạn úng ngập, bảo đảm hạ tầng trong KCN khang trang, không để ảnh hưởng đến việc đi lại của các công nhân và quá trình giao thương của các doanh nghiệp.
Liên quan đến nhà ở cho công nhân, Chủ tịch UBND thành phố thông báo "tin vui" đến gần 1.000 công nhân dự Hội nghị là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ dành ngân sách từ 700-800 tỷ đồng, phối hợp cùng Hà Nội xây dựng khu nhà ở cho công nhân trên địa bàn. Thành phố cũng sẽ dành một khoản tiền để xây nhà, hỗ trợ các dịch vụ kèm theo như nhà trẻ, thiết chế văn hoá... để tạo điều kiện cải thiện đời sống cho các công nhân.
"Chợ Làng Bầu tiêu thụ hàng hoá ế thừa?" - Sẽ có câu trả lời trong 10 ngày
"Hiện tại ở khu chợ Làng Bầu, là chợ tự phát không có quy hoạch, không có kiểm soát. Có thông tin cho rằng chợ chuyên nhận hàng ế từ các chợ xung quanh để bán cho công nhân, các sinh viên, hàng cơm, gây nhiều hoang mang, lo lắng cho cán bộ công nhân viên" - ông Nguyễn Khắc Cường, Công ty TNHH Canon Việt Nam nêu.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã tiếp nhận thắc mắc nêu trên, đồng thời cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường và UBND huyện Đông Anh, Sở Y tế Hà Nội tăng cường kiểm tra, làm rõ vấn đề mà ông Cường nêu. Câu trả lời sẽ đến với các công nhân trong 10 ngày tới. Trong chỉ đạo chung, thành phố cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hoá, thực phẩm được bán cho các KCN&CX.
Về thực trạng trạm y tế phường, xã bỏ không, không có các y bác sĩ để phục vụ công nhân đến khám chữa bệnh, người đứng đầu thành phố tiếp thu và hứa sẽ chấn chỉnh lại. Với đề xuất mở trạm y tế tại KCN, thành phố sẽ cho khảo sát và nếu hợp lý sẽ thành lập ngay để cung cấp dịch vụ y tế tại các KCN.
Liên quan đến câu hỏi của đại diện Công ty Yamaha Việt Nam về nhiều thủ tục phiền hà trong đóng, mở chi nhánh, mở rộng ngành nghề mà doanh nghiệp này đang vấp phải, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung giao lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư và Cục thuế Hà Nội sau buổi đối thoại sẽ ở lại làm việc luôn cùng lãnh đạo Công ty nhằm giải quyết vấn đề này.
"Tháng 4-2016, tôi đã có buổi làm việc với người dân tại bãi rác Nam Sơn và tiếp nhận 34 vấn đề người dân nêu ra. Đến nay, 31 vấn đề đã được giải quyết và còn "nợ" về mùi hôi thối bốc ra từ nước rỉ rác. Tôi cam đoan, trong nửa tháng nữa mùi này sẽ giảm vì thành phố đã nhập công nghệ từ Đức, giúp khử toàn bộ các mùi hôi thối, không chỉ ở bãi rác Nam Sơn mà trên toàn địa bàn thành phố. Hiện nay thành phố cũng đang tiếp nhận và thụ lý hồ sơ một nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư nhà máy đốt rác công suất 4.000 tấn/ngày. Thành phố cố gắng cấp phép tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố năm 2017 trong tháng 6 tới và nhà đầu tư cam kết sẽ hoàn thành dự án trong vòng 18 tháng" - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu các thông tin khả quan về xử lý các vấn đề còn tồn tại, ảnh hưởng đến môi trường tại bãi rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn).
Thành phố cam kết đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Phát biểu sau phần giải đáp các câu hỏi, kiến nghị từ người lao động, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố luôn xác định lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Thành phố luôn quan tâm đến doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tại các KCN&CX nói riêng để thấu hiểu và chia sẻ với các điều kiện sinh hoạt, đời sống văn hoá còn thiếu...
Trên cương vị người đứng đầu thành phố, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cam kết sẽ chỉ đạo các sở, ban ngành thành phố sớm khắc phục những khó khăn, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện cho các DN hoạt động thuận lợi; đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để công nhân bảo đảm điều kiện sống trong quá trình làm việc. Tại 11 KCN&CX đang hoạt động trên địa bàn thành phố, gần 150.000 công nhân, hàng năm đóng góp từ 5-6% GDP cho thành phố. Đội ngũ công nhân trong KCN&CX đang làm lợi cho xã hội. Do đó, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã cảm ơn tới tất cả các ban quản lý KCN &CX, lãnh đạo các doanh nghiệp và đặc biệt là gần 1.000 công nhân tham dự buổi đối thoại. Nhân dịp này, Chủ tịch UBND thành phố đã tặng 100 suất quà cho các công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Cuối buổi đối thoại, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đánh giá cao việc thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi, đặc biệt là buổi đối thoại được tổ chức hôm nay. Ông Mai Đức Chính đã giải đáp và làm rõ một số vấn đề mà các công nhân đã đặt ra liên quan đến thẩm quyền của mình, như sự thiếu hụt các thiết chế văn hoá trong các KCN&CX hiện nay; quy định về làm ngoài giờ, thêm giờ với các công nhân; chốt bảo hiểm cho công nhân tại các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn và xác định danh mục các ngành nghề, công việc độc hại...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.