Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đề nghị các cơ quan trung ương sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô theo thẩm quyền

Hà Phong| 17/10/2015 06:00

(HNM) - Chiều 16-10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội trước kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố chủ trì buổi làm việc.

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Bá Hoạt



Sau khi nghe thông báo về dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII sắp tới, đại diện UBND thành phố, các sở, ban, ngành tham dự đã báo cáo tình hình thực hiện: Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, Luật Thủ đô những tháng đầu năm 2015, công tác cải tạo, xây dựng chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, Hà Nội có khoảng 1.516 chung cư 2-5 tầng, chủ yếu xây dựng từ những năm 1960, ngoài ra còn có một số nhà xây dựng từ trước năm 1954. Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, bảo đảm đời sống người dân, Hà Nội đã xây dựng cơ chế, khuyến khích nhà đầu tư thỏa thuận hợp tác với chủ sở hữu căn hộ thực hiện dự án bằng phương pháp hợp tác kinh doanh trên cơ sở các chủ sở hữu góp vốn bằng quyền sở hữu căn hộ, quyền sử dụng đất. Đối với các dự án cải tạo tại 4 quận cũ - khu vực hạn chế phát triển, nếu người dân không có nhu cầu tái định cư tại chỗ thì được ưu tiên mua nhà ở xã hội. Song việc cân đối tài chính cho chủ đầu tư, cải thiện diện tích ở cho người dân gặp nhiều khó khăn. Các hộ dân trong phạm vi dự án cải tạo hầu hết đều muốn tái định cư tại chỗ. Các hộ dân ở tầng 1 có lợi thế kinh doanh không ủng hộ việc xây dựng lại. Việc cải tạo chung cư rất cần được tháo gỡ về cơ chế, chính sách cho phù hợp tình hình thực tế đặt ra. Với việc triển khai Luật Thủ đô, các biện pháp bảo đảm quy hoạch, quản lý đất đai, không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị đã được thực hiện. Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư các dự án trọng điểm của Hà Nội luôn rất lớn, đặc biệt là sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô nên việc thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách tiếp tục gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các quy định cụ thể hóa Luật Thủ đô trực tiếp ảnh hưởng tới quy hoạch đô thị và đời sống người dân được luật quy định thuộc thẩm quyền ban hành của Trung ương, cho đến nay chưa được ban hành, ảnh hưởng đến tính đồng bộ trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô. UBND TP Hà Nội kiến nghị Đoàn ĐBQH TP Hà Nội yêu cầu Chính phủ, Bộ Tài chính… có sự nhập cuộc đồng bộ trong xây dựng, ban hành chính sách để giải quyết bất cập trên.

Thay mặt đoàn ĐBQH thành phố, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị tiếp thu các ý kiến kiến nghị của UBND thành phố và các sở, ban, ngành. Đoàn sẽ gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tại kỳ họp thứ mười Quốc hội khóa XIII. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đề nghị bốn cơ quan: Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tiếp tục phối hợp công tác toàn diện, nhằm tăng cường chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực, góp phần quan trọng đưa nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Với các vấn đề kinh tế - xã hội, dân sinh bức xúc, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, Hà Nội tiếp tục phát huy năng lực nội tại để giải quyết. Bí thư Thành ủy lấy ví dụ, với vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay, nếu nhìn mặt tích cực, đây cũng là dấu hiệu của sự phát triển khi phương tiện giao thông, giao dịch kinh tế tăng lên. Song thực tế cũng cho thấy, một bộ phận người dân chưa có ý thức tham gia giao thông. Do đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ vi mô đến vĩ mô, bắt đầu từ việc chủ động, tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, có chính sách giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng, chế tài xử lý vi phạm đủ mức răn đe...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đề nghị các cơ quan trung ương sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô theo thẩm quyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.