(HNM) - Sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng cao. Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 là rất lớn. Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng điện 8,2% tương đương sản lượng điện 275,5 tỷ kWh. Với kịch bản cao, tăng trưởng điện 12,4%, tương đương sản lượng điện 286,1 tỷ kWh.
“Về cơ bản năm 2022, hệ thống điện quốc gia có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện. Tuy nhiên, cục bộ tại miền Bắc có thể tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất trong các ngày nắng nóng kéo dài. Qua tính toán, khu vực miền Bắc sẽ thiếu khoảng 1.500-2.400MW trong một số giờ cao điểm, thời tiết cực đoan”, ông Võ Quang Lâm thông tin thêm.
Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ, cùng với những giải pháp về bảo đảm nguồn điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực cung ứng năng lượng, cải thiện hiệu quả của nền kinh tế.
Hà Nội được đánh giá là địa phương đi đầu trong tiết kiệm năng lượng. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, năm 2021, thành phố đã triển khai đồng bộ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho 65 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tòa nhà, công trình xây dựng…
Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho 53 cơ sở, doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả năng lượng cho 12 tòa nhà, công trình xây dựng; xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho 14 cơ sở; phát triển 41 mô hình sử dụng năng lượng xanh với trên 1.000 giải pháp kỹ thuật tiêu biểu…
Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, theo kết quả đánh giá sơ bộ của 17 tỉnh, thành phố trong cả nước, tổng năng lượng tiết kiệm năm 2021 là 284,1 kTOE (đơn vị quy đổi năng lượng). Trong đó, Hà Nội là địa phương có mức tiết kiệm năng lượng cao nhất với 122,4 kTOE, đạt 1,57% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu.
Thời gian tới, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch tăng cường tiết kiệm điện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022, phấn đấu năm 2022, đạt mức tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ bao gồm cả sản xuất, thương mại, sinh hoạt, trong đó nhấn mạnh 5 nội dung để bảo đảm an ninh năng lượng, gồm: Thực hiện tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở, tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện...; tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời, chiếu sáng giao thông...
Thực hiện kế hoạch trên, các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời chủ trì, phối hợp với cơ sở cung cấp điện xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện tối thiểu 20% tổng điện năng tiêu thụ giai đoạn 2020-2025; tiếp tục thay thế đèn trang trí, chiếu sáng, quảng cáo bằng đèn tiết kiệm điện; sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tích hợp năng lượng mới, năng lượng tái tạo…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.