Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân, là một trong những giải pháp để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020” của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện OCOP trên địa bàn thành phố, trong đó, công tác tuyên truyền được Hà Nội tập trung với tinh thần “hiểu để làm tốt”.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban cho biết, đơn vị có 2 sản phẩm chủ lực là khoai tây và rau muống được sản xuất theo quy trình VietGAP đăng ký tham gia OCOP. Tuy nhiên, đơn vị chưa biết làm thế nào để hoàn thiện hồ sơ. “Chúng tôi mong muốn được tư vấn, hỗ trợ để hoàn thiện thủ tục tham gia bình xét Chương trình OCOP ngay trong năm 2019”, ông Ban cho biết.
Chuyện ở Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải không hiếm gặp. Mặc dù Hà Nội có nhiều lợi thế để thực hiện Chương trình OCOP, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản... chưa hiểu và còn lúng túng khi tham gia vào OCOP.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến, những vấn đề nêu trên là khó khăn chung của các chủ thể tham gia OCOP hiện nay và họ rất cần được tuyên truyền, tập huấn để hiểu và chủ động tham gia vào Chương trình OCOP. Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, khi huyện triển khai cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đăng ký sản phẩm tham gia OCOP, nhiều người chưa hiểu sẽ được hưởng lợi gì khi tham gia chương trình nên chưa mặn mà.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, Hà Nội sẽ phát triển, đánh giá, xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm; trong đó, có từ 500 sản phẩm trở lên được đánh giá và xếp hạng cấp thành phố, 100 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng cấp quốc gia. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Các sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 1 đến 5 sao. Hạng 5 sao là sản phẩm cấp quốc gia, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; hạng 3, 4 sao là sản phẩm cấp tỉnh; các sản phẩm 1-2 sao là các sản phẩm khởi đầu của OCOP sẽ phấn đấu để đạt các thứ hạng cao hơn. Để được công nhận các sao, sản phẩm OCOP sẽ qua đánh giá tại cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương thông qua các tiêu chí: Sản phẩm OCOP phải đáp ứng yêu cầu có công bố chất lượng sản phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; sản xuất có kế hoạch bảo vệ môi trường; sản phẩm có mẫu mã bao bì đẹp, đặc sắc...
Chương trình OCOP là chương trình lớn được Chính phủ triển khai. Tham gia vào OCOP, các chủ thể sẽ nhận được rất nhiều hỗ trợ tùy theo điều kiện của từng địa phương, như: Đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, mã số mã vạch; chi phí về kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm; được tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về quản trị kinh doanh... Về lâu dài, Chương trình OCOP giúp người tiêu dùng nhận biết các sản phẩm chất lượng, mang đặc sắc văn hóa của các vùng miền và sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm OCOP, giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Để giải quyết những vướng mắc, thúc đẩy tiến độ Chương trình OCOP, trong tháng 11-2019, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức tập huấn Chương trình OCOP cho cán bộ chủ chốt các huyện, xã; các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ dân. Bám theo tiêu chí phân hạng sản phẩm OCOP, cơ quan chức năng đã tuyên truyền, giải thích rõ để các chủ thể tham gia hiểu và thực hiện. Đến nay, một số huyện như: Đông Anh, Thường Tín, Thanh Trì đã triển khai bình xét, phân hạng các sản phẩm OCOP, lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp để trình thành phố công nhận “Sản phẩm OCOP cấp thành phố”.
Đẩy nhanh tiến độ Chương trình OCOP, huyện Thạch Thất đã triển khai sâu rộng tới các chi hội nghề nghiệp, vận động hội viên đăng ký tham gia. Về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến cho biết, bên cạnh việc tập trung tuyên truyền, vận động, huyện Hoài Đức dự kiến đưa OCOP vào các chỉ tiêu phấn đấu của Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ tới.
Nâng cao chất lượng nhân lực thực hiện Chương trình OCOP, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch số 69/KH-SNN, triển khai thực hiện công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố Hà Nội năm 2019. Theo đó, trong quý IV-2019, Sở NN&PTNT tổ chức 1 lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP cấp thành phố và 15 lớp cho cán bộ cấp huyện và cấp xã; 15 lớp đào tạo, quản trị sản xuất, kinh doanh cho các nhà quản lý tổ chức kinh tế, hộ sản xuất về Chương trình OCOP (khoảng 60 học viên/lớp). Nội dung đào tạo, tập huấn, gồm: Phát triển kinh tế tư nhân và hợp tác xã; liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, dịch vụ du lịch nông thôn; chu trình OCOP; bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.