Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chương trình OCOP ở nội thành: Khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển

Nguyễn Mai| 25/11/2022 06:26

(HNM) - Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được thành phố Hà Nội triển khai rộng khắp trên địa bàn. Đáng chú ý, không chỉ với các huyện, các quận cũng có rất nhiều sản phẩm tham gia chương trình. Phát triển sản phẩm OCOP chẳng những giúp người dân nội thành có thêm cơ hội để nâng cao thu nhập mà còn là cách để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô gắn với phát triển du lịch.

Bà Nguyễn Thị Hiền, hộ kinh doanh ẩm thực Bún ốc Bà Ngoại (phường Quảng An, quận Tây Hồ) giới thiệu về sản phẩm dự thi OCOP.

Nhiều đặc sản tham gia OCOP

Trà sen Tây Hồ, bánh trung thu Bảo Phương, cá kho chợ Hàng Bè, đào, quất Nhật Tân… là những món ngon, là hoa, cây cảnh của người Hà Nội đã được các chủ thể lựa chọn dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thành phố.

Quận Tây Hồ vừa tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022. Có 6 sản phẩm của 3 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng là: Bún ốc nguội Bà Ngoại, bánh tôm Bà Ngoại, ốc hấp đèn lồng Bà Ngoại (chủ thể là bà Nguyễn Thị Hiền, hộ kinh doanh ẩm thực Bún ốc Bà Ngoại, phường Quảng An); quất mộc căn Xuân Lộc (chủ thể là ông Nguyễn Xuân Lộc, hộ kinh doanh quất cảnh Xuân Lộc, phường Tứ Liên)... Các sản phẩm đều đã được “chấm” 4 sao.

Là quận trung tâm của thành phố, Hoàn Kiếm tiên phong trong việc tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Năm 2021, quận có 8 sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao, còn năm nay, có 6 sản phẩm dự thi thì 3 sản phẩm được chấm 3 sao, 3 sản phẩm 4 sao. Điểm đặc biệt là các sản phẩm này đều mang đậm văn hóa truyền thống như các loại bánh trứng nhện, bánh quy vòng, bánh sampa, cá kho...

Bà Trịnh Hồng Giang, chủ thể của 8 sản phẩm OCOP năm 2021 cho biết: Các sản phẩm OCOP được đánh giá theo tiêu chí như: Tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị và quan trọng nhất là về chất lượng sản phẩm như các chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo… Được công nhận sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp củng cố, nâng cao vị thế trên thị trường.

Tại quận Hoàng Mai, bà Trần Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam, đơn vị có 3 sản phẩm dự thi đánh giá, phân hạng OCOP năm 2022 cho biết: Các sản phẩm đều ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sấy lạnh. Nhờ đó, sản phẩm đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ được hương vị đặc trưng... Hiện tại, Công ty đã liên kết với người trồng lúa ở Cổ Loa (Đông Anh) để có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, hướng đến xuất khẩu.

Phát triển sản phẩm gắn với du lịch

Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Nguyễn Việt Cường cho biết: Trong giai đoạn 2018-2021, quận Tây Hồ đã đánh giá, phân hạng được 17 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm tham gia OCOP của quận khá đa dạng, trong đó nổi bật là các món ăn, thức uống nổi tiếng như: Trà sen Quảng An, bánh trung thu cơ sở Bảo Phương, xôi Phú Thượng và các sản phẩm đào, quất... Chương trình đã khích lệ, tạo điều kiện để người dân khai thác tiềm năng, lợi thế, mở rộng các sản phẩm OCOP của phường gắn với các đề án phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn quận. Thời gian tới, các sản phẩm này được quận định hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm "Du lịch OCOP" cấp thành phố. Quận tiếp tục lựa chọn và hỗ trợ các chủ thể tham gia hoàn thiện sản phẩm để đánh giá, phân hạng OCOP.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân, cùng với việc xây dựng kế hoạch tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, Hoàn Kiếm đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành của quận và UBND các phường làm tốt công tác rà soát thống kê, tuyên truyền và hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm đăng ký dự thi Chương trình OCOP. Qua đó, lựa chọn những sản phẩm mang tính đặc trưng, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàng Mai Lê Thị Thu Hương cho biết: Mặc dù có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng Hoàng Mai vẫn có nhiều lợi thế để phát triển sản phẩm OCOP. Các chủ thể đã tìm tòi ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Năm 2021, quận có 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP, năm 2022, tiếp tục có thêm 6 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP.

Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn nhận định: Thời gian qua, các quận cũng đã tham gia chương trình OCOP một cách bài bản, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các sản phẩm OCOP của quận là sản phẩm của cộng đồng, kết tinh giá trị văn hóa, lịch sử. Quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm… có phố đi bộ và các hoạt động du lịch rất phát triển nên có thể kết nối du lịch văn hóa gắn với các sản phẩm OCOP.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chương trình OCOP ở nội thành: Khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.