(HNMO) – Nhằm nâng cao giá trị trong lĩnh vực trồng trọt, Hà Nội đã xác định những nhóm cây chủ lực như: Cây ăn quả đặc sản, lúa hàng hóa chất lượng cao, rau an toàn, hoa - cây cảnh...
Dự kiến, từ nay đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu diện tích lúa chất lượng cao đạt 55.000 - 60.000ha canh tác (chiếm khoảng 55 - 60% tổng diện tích gieo trồng lúa), sử dụng hạt giống cấp xác nhận trở lên đạt trên 80%, diện tích gieo cấy tập trung chủ yếu tại các huyện trọng điểm lúa của thành phố là: Ứng Hoà, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Đông Anh.
Diện tích gieo trồng rau đạt 34.000 – 35.000ha, trong đó duy trì diện tích rau an toàn 5.044ha, tập trung tại các huyện: Mê Linh (xã Văn Khê, Tráng Việt, Tiền Phong, Tiến Thắng), huyện Chương Mỹ (xã Thụy Hương, thị trấn Chúc Sơn), huyện Đông Anh (xã Tiên Dương, Bắc Hồng, Vân Nội, Nam Hồng, Nguyên Khê), huyện Thanh Oai (thị trấn Kim Bài), huyện Hoài Đức (xã Vân Côn, Song Phương, Tiền Yên, Cát Quế), quận Hoàng Mai (phường Lĩnh Nam), thị xã Sơn Tây (phường Viên Sơn), huyện Đan Phượng (xã Phương Đình), huyện Thạch Thất (xã Hương Ngải, Yên Bình, Yên Trung), quận Long Biên (phường Biên Giang, Cự Khối), quận Bắc Từ Liêm (xã Minh Khai)…. Đặc biệt, vùng sản xuất rau hữu cơ với diện tích 100ha sẽ tập trung tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất... tập trung phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu và sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao đạt 300ha trở lên; tỉ trọng giá trị sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao chiếm 6 – 8% tổng giá trị sản xuất rau toàn thành phố.
Đối với sản xuất hoa - cây cảnh, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 diện tích sản xuất đạt từ 6.500 – 7.000 ha, trong đó có 3.000ha sản xuất chuyên canh, còn lại chủ yếu là thời vụ. Cơ cấu sản xuất chủ yếu là hoa cắt cành (hồng, cúc, lay ơn, ly, huệ, loa kèn, đồng tiền, thược dược, đào, phong lan…); các loại cây cảnh phổ thông (quất, cam cảnh, sung, lộc vừng, vạn tuế, thiên tuế, các loại hoa cây...); Phát triển sản xuất hoa, cây cảnh tập trung tại một số xã của các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Chương Mỹ. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích canh tác hoa ứng dụng công nghệ cao đạt 300ha. Tỷ trọng giá trị sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao chiếm 25 – 30% tổng giá trị sản xuất hoa toàn thành phố.
Bên cạnh đó, cây ăn quả sẽ mang tính chiến lược của ngành. Theo đó, diện tích cây ăn quả đạt từ 17.000 – 17.500 ha, trong đó 9.000ha sản xuất chuyên canh tập trung tại các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa… Phấn đấu đến năm 2020 có 1.384,5ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; tỉ lệ giá trị sản xuất ứng dụng công nghệ cao chiếm 15 – 20% tổng giá trị sản xuất cây ăn quả toàn thành phố.
Với cây chè, sẽ ổn định từ 3.300 – 3.500ha, thay thế các giống chè cũ bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao. Phát triển chè tại các vùng đồi gò các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao đạt 556ha...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.