Nông nghiệp - Nông thôn

Thử nghiệm bẫy bán nguyệt trong phòng, chống chuột hại cây trồng vụ mùa 2024

Ngọc Quỳnh 29/08/2024 - 12:11

Ngày 29-8, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) phối hợp UBND huyện Ứng Hòa tổ chức hội nghị đánh giá thử nghiệm bẫy bán nguyệt trong phòng, chống chuột hại cây trồng vụ mùa 2024 tại xã Đông Lỗ.

danh-gia-29-8.jpg
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội và huyện Ứng Hòa đánh giá kết quả bẫy chuột bằng bẫy bán nguyệt sau một đêm tại đồng ruộng xã Đông Lỗ. Ảnh: Hương Giang

Vụ mùa 2024, huyện Ứng Hòa gieo cấy khoảng 8.000ha lúa, trong đó cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm hơn 80%, hiện lúa đang trỗ bông, dự kiến cho năng suất, chất lượng cao. Tuy nhiên, chuột vẫn là mối lo ngại hàng đầu đối với sản xuất trồng trọt, do đó với sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, nông dân thực hiện thí điểm bẫy bán nguyệt để bắt chuột hại cây trồng vụ tại xã Đông Lỗ cho kết quả rất tốt…

nong-dan-29-8.jpg
Niềm vui của người nông dân khi bẫy được chuột phá hại mùa màng. Ảnh: Hương Giang

Tại hội nghị, các hộ nông dân thực hiện thử nghiệm bẫy bán nguyệt chia sẻ, xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) có diện tích lúa rất lớn, cánh đồng thường xuyên có cây trồng, cả vùng xen kẹt, đa canh nên chuột nhiều.

Vụ mùa 2024 này, các hộ dân trên địa bàn xã được cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tập huấn về cách diệt chuột bằng bẫy bán nguyệt (là bẫy của chuyên gia Trần Quang Thiều) rất hiệu quả. Tỷ lệ bẫy bắt được chuột gần 100%, các chuyên gia hướng dẫn cách đặt bẫy chính xác, bẫy nào cũng có chuột, rất nhạy.

tu-van-tai-dong-ruong-29-8.jpg
Chuyên gia tư vấn cho nông dân cách sử dụng bẫy bán nguyệt để bắt được chuột hiệu quả nhất. Ảnh: Hương Giang

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, chuột sinh sản nhanh, gây hại lớn, một đôi chuột đồng sinh con, cháu, chắt sau 1 năm được khoảng 2.000 con; trung bình 1 con chuột ăn 13-20kg thóc/năm, nhưng lượng nông sản bị làm bẩn, vương vãi không sử dụng được gấp 10 lần. Để giảm thiểu sự phá hại của chuột ngoài những đợt diệt chuột tập trung bằng thuốc cần thường xuyên tổ chức diệt chuột bằng biện pháp thủ công.

Hiện nay, trong các biện pháp thủ công thì diệt chuột bằng bẫy bán nguyệt được đánh giá hiệu quả tốt. Để công tác diệt chuột bảo đảm hiệu quả, an toàn, năm 2024, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện thử nghiệm diệt chuột bằng bẫy bán nguyệt tại một số địa phương có nhiều diện tích xen kẹt, chuyển đổi sang sản xuất đa canh trong đó có xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa).

Mô hình thử nghiệm với quy mô 200ha sẽ tiến hành tập huấn về công tác diệt chuột cho nông dân nòng cốt, từ đó chọn ra 4 tổ/đội, mỗi tổ/đội có 20 người, thường xuyên thực hiện công tác diệt chuột.

Theo đó, hàng quý sẽ họp đánh giá kết quả thực hiện những tồn tại để có giải pháp khắc phục, từ đó tổng kết đánh giá hiệu quả của việc sử dụng bẫy bán nguyệt trong phòng trừ chuột so với diện tích khác trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thử nghiệm bẫy bán nguyệt trong phòng, chống chuột hại cây trồng vụ mùa 2024

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.