(HNMO) - Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân, cơ quan của Thủ đô đã liên kết đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho nông dân, hợp tác xã tại tỉnh Hải Dương. Hoạt động này đã và đang góp phần rất lớn giúp người dân, đặc biệt là nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất nông sản tại tỉnh Hải Dương vượt qua khó khăn trước những tác động của đại dịch Covid-19.
Nhiều hoạt động thiết thực
Sáng 23-2, tại Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, cán bộ ngành Nông nghiệp Thủ đô và nhiều người dân quanh khu vực quận Hà Đông đã hỗ trợ nông sản nông dân tỉnh Hải Dương. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình “Cùng chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân các tỉnh đang bị ảnh hưởng dịch Covid-19”.
Dự kiến, gian hàng bắt đầu mở cửa từ 8h ngày 24-2 tại Trung tâm Khuyến nông Hà Nội - số 4, ngõ 4, Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội, song, nhiều người dân và cán bộ ngành Nông nghiệp đã đặt mua hàng dù gian hàng chưa chính thức mở. "Tính tới cuối ngày 23-2, đã có gần 500 suất hàng, mỗi suất gồm 5 loại rau (su hào, cà chua, bắp cải, ổi và cà rốt) giá 110.000 đồng/suất được đặt mua”, bà Hương chia sẻ.
Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) Đỗ Hoàng Thạch thông tin, công ty đã liên kết, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Hải Dương triển khai thu mua nông sản và bán tại 10 điểm ở Hà Nội, trong đó có 2 điểm lớn tập trung chính là tại Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại 489 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy; 8 cửa hàng còn lại tập trung tại các chung cư lớn của Hà Nội.
Trong ngày 23-2, công ty đã chuyển gần 7 tấn nông sản của Hải Dương về Hà Nội. Chương trình bán hàng hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương được công ty triển khai trong khoảng 10 ngày, kể từ ngày 23-2, dự kiến lượng nông sản tiêu thụ vào khoảng 70-80 tấn.
"Đối với nguồn hàng nông sản, 100% hàng hóa được Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cung cấp, có nguồn gốc xuất xứ, xe hàng được phun khử khuẩn và kiểm tra trước khi nhập về Hà Nội”, ông Thạch cho biết thêm.
Tương tự, tại điểm bán hàng do siêu thị Co.opmart Hà Nội triển khai tại trụ sở Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội (số 1 Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông) cũng tấp nập người mua.
Bà Đào Thị Hằng, cán bộ Đảng bộ khối Doanh nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Điểm bán hàng của siêu thị Co.opmart Hà Nội tại trụ sở Liên minh Hợp tác xã thành phố ngay gần cơ quan nên cán bộ ra mua khá đông. Tôi đã mua hơn 20kg gồm ổi và các loại rau, củ cho gia đình và người thân. Nông sản ở đây có truy xuất nguồn gốc, giá bán rẻ, lại được các đơn vị có trách nhiệm, uy tín phân phối nên ai cũng yên tâm lựa chọn”.
Từ ngày 23-2, Tổng công ty Du lịch Hà Nội phối hợp cùng nhóm tình nguyện viên tại xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương thu gom nông sản và tổ chức bán "giải cứu" tại 5 điểm của công ty trên địa bàn Hà Nội gồm: Trụ sở Tổng công ty Du lịch Hà Nội (18 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm), Trung tâm Thương mại và dịch vụ du lịch (số 15 Yên Phụ, Tây Hồ), Trung tâm Thương mại và dịch vụ du lịch (số 5B Nghi Tàm, Tây Hồ), Khách sạn Thăng Long Opera (số 1C Tông Đản, Hoàn Kiếm), Khách sạn Thăng Long Espana (63 Nguyễn Trường Tộ - Ba Đình).
Tại các điểm bán hàng, các tình nguyện viên của đơn vị đều được trang bị các thiết bị phòng dịch: Khẩu trang, dung dịch khử khuẩn, bao tay..., đồng thời, có vạch đánh dấu khoảng cách giữa khách hàng để bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đợt hỗ trợ tiêu thụ nông sản lần này, Tổng công ty Du lịch Hà Nội sẽ tổ chức thu gom và bán cho người dân đến hết tháng 2-2021.
Tiếp tục các hình thức hỗ trợ hiệu quả
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Hải Dương, hiện toàn tỉnh còn khoảng 4.000ha cà rốt, bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá và các loại hành củ đang đến thời điểm thu hoạch rộ. Nông sản Hải Dương bị ùn ứ, khó tiêu thụ bởi một số địa phương lo ngại trước diễn biến dịch Covid-19 nên đã hạn chế xe chở hàng xuất phát từ tỉnh Hải Dương. Để hỗ trợ nông dân Hải Dương, nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, đã triển khai các chương trình hỗ trợ tỉnh tiêu thụ nông sản.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương, Liên minh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hải Dương, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội và kết nối với siêu thị Co.opmart tại Hà Nội - đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc giải cứu nông sản - để tiêu thụ nông sản cho các hợp tác xã, nông dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
“100% hàng nông sản được tiêu thụ đợt này đều là những sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc của các hợp tác xã và nông dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Các sản phẩm được vận chuyển từ Hải Dương sẽ được phun khử khuẩn, lái xe được kiểm tra, xét nghiệm bảo đảm an toàn về kho tổng của Co.opmart tại Bắc Ninh, sau đó, đơn vị này tiến hành sơ chế và vận chuyển đến các điểm bán hàng”, ông Nguyễn Ngọc Bảo thông tin.
Còn Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch cho hay, sau 10 ngày triển khai bán hàng, nếu nông dân Hải Dương cần tiếp tục hỗ trợ, công ty sẽ nghiên cứu tiếp các điểm bán tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác.
Tương tự, cùng nỗ lực hỗ trợ người dân, nông dân tỉnh Hải Dương vượt qua giai đoạn khó khăn này, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, trước mắt, siêu thị thành lập gian hàng để hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại các điểm của siêu thị và các đơn vị liên kết. Tiếp đó, căn cứ vào tình hình thực tế, siêu thị sẽ có lộ trình phù hợp để tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân Hải Dương.
“Ước tính, siêu thị sẽ bù chi phí để có thể bán ra khoảng 200-300 tấn sản phẩm các loại cho nông dân Hải Dương, dự kiến kéo dài trong một tháng hoặc cho đến khi tổng lượng nông sản toàn tỉnh cơ bản được tiêu thụ ổn định”, bà Dung cho biết.
Đáng chú ý, ngày 22-2, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành công văn số 687/SCT-QLTM gửi Sở Công Thương tỉnh Hải Dương và các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm; Ban quản lý chợ các quận nội thành Hà Nội đề nghị hỗ trợ tuyên truyền, kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm... của tỉnh Hải Dương.
Cụ thể, Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ gia cầm thành phố Hà Nội chủ động kết nối với đầu mối thu gom, các trang trại, hộ chăn nuôi gà đồi Chí Linh trên địa bàn thành phố Chí Linh (Hải Dương) khai thác, vận chuyển về Hà Nội tổ chức giết mổ, bao gói bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định. Hỗ trợ tối đa các hoạt động, chi phí tổ chức các khâu như: Xét nghiệm gà lông, giết mổ, làm mát, đóng gói, tem nhãn, vận chuyển từ trang trại về nhà máy và từ nhà máy đến nơi tiêu thụ...
Các đơn vị phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm thành phố Hà Nội hỗ trợ việc mở mã hàng mới cho sản phẩm gà đồi Chí Linh tại kênh phân phối, đồng thời, thực hiện công tác tuyên truyền sản phẩm tại đơn vị để nhân dân, người tiêu dùng Thủ đô biết, ưu tiên lựa chọn.
Riêng chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ, Sở Công Thương yêu cầu tăng cường thông tin đầu mối, danh sách đơn vị, trang trại, hộ chăn nuôi gà đồi Chí Linh đến các tiểu thương kinh doanh mặt hàng gia cầm tại chợ để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm gà đồi Chí Linh.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ về việc hỗ trợ tỉnh Hải Dương tiêu thụ nông sản, Sở Công Thương Hà Nội đã kết nối 32 doanh nghiệp thương mại, 34 chợ của Hà Nội với 59 đơn vị sản xuất thu mua của Hải Dương. Những ngày qua, các đơn vị đã thu mua, tiêu thụ gần 400 tấn nông sản từ Hải Dương. Các đơn vị của thành phố Hà Nội cũng đang nhanh chóng tổ chức hoạt động hỗ trợ tiêu thụ hơn 1.600 tấn gà đồi Chí Linh trong những ngày tới.
Với các điểm người dân tự tổ chức bán nông sản giúp bà con Hải Dương, Sở Công Thương đã có văn bản gửi các quận, huyện đề nghị rà soát, bố trí cho người dân các vị trí bán nông sản bảo đảm giao thông, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và phải truy xuất được nguồn gốc, tránh việc đội lốt nông sản Hải Dương để trục lợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.