Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đặt mức tăng trưởng 8-8,5% cho năm 2013

H.Vân| 04/12/2012 11:36

(HNMO) – Theo nghị quyết được HĐND Thành phố Hà Nội thông qua sáng 4/12, năm 2013, Hà Nội đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDRP từ 8-8,5%.


Chính sách tiền tệ phải đi trước một bước

Trước khi thông qua nghị quyết, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung quanh báo cáo của UBND và các ban HĐND về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô trong năm qua, cũng như phương hướng, nhiệm vụ cho năm tới.

Các ý kiến bày tỏ sự đồng tình với những nhận định, đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của Thành phố. Tuy nhiên, các đại biểu băn khoăn nhiều về các nguyên nhân khiến 10/15 chỉ tiêu và nhóm chỉ tiêu Nghị quyết HĐND Thành phố giao năm 2012 chưa đạt.

Đặc biệt, nhiều đại biểu quan tâm đến các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, việc phát huy các quỹ của Thành phố trong việc hỗ trợ đầu tư, sản xuất kinh doanh, xúc tiến đầu tư, thương mại cũng như nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém cũng như những giải pháp về cải cách hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn…

Các đại biểu Phạm Văn Châm – Đông Anh, Trần Thị Vân Hoa - Phú Xuyên đánh giá cao những giải pháp, hỗ trợ của Thành phố trong thời gian qua dành cho các doanh nghiệp. Những giải pháp này đã góp phần giúp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động… Tuy nhiên, điều ông Châm băn khoăn là nhiều năm qua, mức giải ngân của Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp của Thành phố không cao.

“Chúng ta cần xác định rõ nguyên nhân xem cơ chế hỗ trợ, thủ tục hỗ trợ của chúng ta có vấn đề hay không, tại sao doanh nghiệp không mặn mà”, đại biểu Châm đề nghị.

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Hoài Nam - Hai Bà Trưng cũng cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không nên chỉ tập trung vào các doanh nghiệp bất động sản mà cần chú ý tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi đối tượng lao động làm việc ở khu vực này rất lớn nên việc hỗ trợ các doanh nghiệp này cũng là góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Hoanh nghênh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như hỗ trợ vay vốn ngân hàng, tổ chức đối thoại giữa các quận, huyện, Thành phố với doanh nghiệp…, các đại biểu Nguyễn Thị Mai Sương – Đông Anh, Châu Thị Thu Nga - Phúc Thọ xem đây là những cách làm hay và nên được tiếp tục phát huy, mở rộng trong năm tới.

Theo đại biểu Lê Văn Thành - Thanh Xuân, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn thu cho Thành phố, mấu chốt là phải cải thiện chính sách tiền tệ.

“Việt Nam đang vào giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc phá sản nhiều, ảnh hưởng lớn đến nợ xấu ngân hang. Thủ đô cần có chính sách tiền tệ đi trước một bước, tạo niềm tin để doanh nghiệp yên tâm sản xuất khi dự báo giai đoạn 2013-2015, khủng hoảng tiền tệ còn tiếp tục”, đại biểu Thành nói.


Ngoài những nội dung trên, các đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến về các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành lien quan; đề nghị quan tâm đúng mức đến KHCN, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có các chính sách xây dựng nông thôn mới; cụ thể hóa hơn các giải pháp về bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường khu công nghiệp và làng nghề; những giải pháp tuyên truyền khuyến khích dùng hàng VN…

Những vấn đề đại biểu quan tâm đã được các Phó Chủ tịch UBND Thành phố: Nguyễn Thị Bích Ngọc, Nguyễn Văn Sửu, Nguyễn Huy Tưởng và Giám đốc Sở TNMT Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hoàng Thanh Vân tham gia giải trình, tiếp thu ngay tại phiên thảo luận.

Hà Nội đặt mức tăng trưởng 8-8,5% cho năm 2013

Theo Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng năm 2013 của thành phố Hà Nội, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của Hà Nội trong năm tới là: Tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn, lạm phát thấp hơn năm 2012; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm và xây dựng nông thôn mới. Phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học, y tế. Giữ vững an ninh, trật tự an toàn - xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác CCHC và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Nghị quyết cũng xác định cụ thể 24 chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được trong năm tới gồm:

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn: 8,0-8,5%; trong đó, dịch vụ 9,0-9,3%, công nghiệp - xây dựng 7,7-8,2%, nông nghiệp 1,8-2,2%;

Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn: 15,0-16,5%;

Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa: 9,0-10,0%;

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: đạt 100% dự toán Trung ương giao;

Chi ngân sách nhà nước địa phương: theo dự toán được duyệt;

Giảm tỷ suất sinh thô so với năm trước: 0,15%o;

Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước: 0,3%;

Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng: 0,3%;

Số xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế tăng thêm: 3 đơn vị;

Giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước: 1%;

Tỷ lệ thất nghiệp: 5,2%

Số hộ dân cư được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa": 84%;

Số làng (thôn) được công nhận danh hiệu "Làng văn hóa": 54%;

Số Tổ dân phố (Cụm dân cư, Khối phố, Khu phố) được công nhận danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa", "Cụm dân cư văn hóa", "Khối phố văn hóa", "Khu phố văn hóa": 64%;

Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm: 122;

Tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch: 100%;

Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch: 36,9%;

Tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh: 87%;

Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm: 44 xã;

Số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (cấp lần đầu): cấp cho tổ chức 1.000 giấy; cấp cho hộ gia đình và cá nhân: 86.420 giấy;

Tỷ lệ rác thải thu gom và vận chuyển trong ngày: Khu vực đô thị: 98%; Khu vực nông thôn: 85%;

Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%;

Tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng: đối với CCN xây dựng mới: 100%; đối với CCN đã đi vào hoạt động: 50%;

Tổng biên chế hành chính nhà nước: 10.938, trong đó: Công chức: 9.293; lao động hợp đồng (LĐHĐ) theo Nghị định số 68/NĐ-CP: 941; số LĐHĐ trong chỉ tiêu biên chế: 70

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đặt mức tăng trưởng 8-8,5% cho năm 2013

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.