(HNM) - Sáng 27-2, Đoàn kiểm tra của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hà Nội nhằm kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai tổ chức lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
* Nhiều cơ quan, đoàn thể tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo
(HNM) - Sáng 27-2, Đoàn kiểm tra của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hà Nội nhằm kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai tổ chức lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: MC |
Cùng dự, về phía đoàn kiểm tra có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, cùng các thành viên của ủy ban. Về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Quang Nghị; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo; Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Đào Văn Bình; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp trên địa bàn.
Sớm ban hành các văn bản theo hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, đến nay Hà Nội đã triển khai kế hoạch, công tác triển khai góp ý dự thảo xuống cơ sở. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai công tác tuyên truyền, quán triệt những nội dung, định hướng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dưới nhiều hình thức như hội nghị, họp báo, mở chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài, cổng thông tin điện tử… Mặc dù thời gian triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán nhưng Hà Nội vẫn quyết tâm, tập trung cao độ với tinh thần khẩn trương để bảo đảm kế hoạch đề ra. Theo báo cáo nhanh tại hội nghị, 21 quận, huyện của thành phố đã tổ chức lấy ý kiến xong trước ngày hôm nay (28-2); những đơn vị còn lại, chậm nhất sẽ hoàn thành vào ngày 7-3. Một số đơn vị làm tốt công tác này như Sở Nội vụ, các quận Đống Đa, Long Biên; các huyện Từ Liêm, Đông Anh, Chương Mỹ, Thanh Trì... Kết quả tổng hợp bước đầu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân Thủ đô cho thấy, đại đa số quần chúng nhân dân và dư luận đánh giá cao Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong cương lĩnh và văn kiện của Đại hội Đảng khóa XI về sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Về những kinh nghiệm bước đầu trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn coi việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý đặc biệt nhằm góp phần xây dựng, hoàn thiện bộ luật gốc của quốc gia. Thời gian tới, thành phố tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân cả về chiều sâu và bề rộng để có thể tập hợp các ý kiến vừa phong phú, sâu sắc, vừa phản ánh được ý chí của số đông người dân. Đặt quyết tâm cao, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đợt lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, việc góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của mỗi công dân Thủ đô.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, thành phố Hà Nội đã làm tốt việc quán triệt các văn bản, chỉ thị của Đảng, Quốc hội về lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đồng thời lưu ý, quá trình tổng hợp ý kiến cần bảo đảm khách quan, trung thực. Bên cạnh việc ghi nhận, thành phố cần chú ý đánh giá, phân tích, nắm vững tình hình; đấu tranh, ngăn chặn tuyệt đối việc lợi dụng góp ý vào dự thảo để tuyên truyền, vận động người dân vào các mục đích cá nhân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; chống phá Đảng, Nhà nước. Đề nghị thành phố phát huy kinh nghiệm đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, các hội nghị lấy ý kiến về dự thảo cần được tổ chức quy mô rộng hơn và xuống tận cơ sở tới các chi bộ, chi đoàn, chi hội phụ nữ, hội nghị công nhân viên chức... Về thời gian lấy ý kiến người dân vào dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cần hoàn tất thời điểm lấy ý kiến đợt 1 của nhân dân vào thời điểm 31-3-2013. Sau thời điểm này, tất cả ý kiến góp ý về dự thảo vẫn sẽ được trân trọng tiếp thu, tổng hợp để trình Quốc hội vào tháng 10-2013.
* Sáng 27-2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức lấy ý kiến các tổ chức thành viên và các tổ chức khác góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại hội nghị, các ý kiến đều nhất trí với nội dung của Điều 4, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là vô cùng quan trọng, có tính sống còn đối với đất nước. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng "Lời nói đầu" của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dài, nên giữ nguyên theo nội dung trong Hiến pháp năm 1992. Điều 21, "Mọi người có quyền sống", là không đủ, nên sửa thành "Mọi người có quyền sống, học tập, lao động, xây dựng và bảo vệ đất nước". Điều 50, "Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế" cần phải làm rõ hơn, bởi những người không có thu nhập (trẻ em, người cao tuổi, người bệnh…) không thể nộp thuế. Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam Tạ Thị Minh Lý cho rằng: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần được sửa đổi, loại bỏ các nội dung chồng chéo và phải phù hợp với nội dung các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết…
* Ngày 27- 2, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 7, lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về vấn đề vai trò quản lý nhà nước trong nền kinh tế; về vấn đề sở hữu; về hình thức thu hồi đất; làm rõ mối quan hệ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; trách nhiệm đầu tư của Nhà nước đối với từng lĩnh vực về văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường...
* Cùng ngày, một số tổ chức xã hội ở Hà Nội đã góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hầu hết ý kiến đều nhất trí cao với yêu cầu, quan điểm của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các nội dung cơ bản của dự thảo; đồng thời đánh giá, dự thảo được kết cấu chặt chẽ, khoa học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.