(HNM) - Khởi nguồn từ quê hương Đan Phượng, phong trào phụ nữ
Bài 5: "Ba đảm đang" - hậu phương vững chắc
(HNM) - Khởi nguồn từ quê hương Đan Phượng, phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" đã lan tỏa, động viên hàng triệu phụ nữ miền Bắc tiễn chồng con ra trận đánh giặc Mỹ. Và ở nơi quê nhà, mỗi chị lại hăng hái đảm nhiệm những phần việc của nam giới, thi đua lao động sản xuất góp sức chi viện cho chiến trường miền Nam.
Làm việc thay nam giới
Năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong không khí sôi sục của cả nước, tháng 3-1965, Hội nghị Ban Chấp hành Hội LHPN huyện Đan Phượng đã gửi thư lên Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Đông lúc đó, hứa sẽ quyết tâm vận động phụ nữ trong huyện thực hiện tốt 3 nhiệm vụ. Đó là: "Gánh vác thêm phần việc của chồng con, anh em, hoàn thành mọi nhiệm vụ sản xuất ở địa phương để chồng con, anh em yên tâm lên đường chiến đấu; khuyến khích chồng con, anh em gia nhập bộ đội hoặc tiếp tục ở lại chiến trường chiến đấu cho đến ngày không còn một tên lính Mỹ trên đất nước ta; tích cực tham gia mọi công tác chính quyền, đoàn thể, bảo vệ trị an, phục vụ chiến đấu ở địa phương, sẵn sàng gia nhập quân đội, chiến đấu giết giặc khi Tổ quốc cần". Phong trào của phụ nữ huyện Đan Phượng đã được Báo Nhân Dân (ngày 18-3-1965) đưa tin, cổ vũ trên trang nhất. Ngày 22-3-1965, Ban Thường trực Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã ra Chỉ thị số 03/CT phát động phong trào "Ba đảm nhiệm" trong phụ nữ cả nước và sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi tên thành phong trào "Ba đảm đang" (đảm đang sản xuất, công tác thay thế chồng, con đi chiến đấu; đảm đang công việc gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu; đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết). Từ đây, phụ nữ Đan Phượng được nhân dân cả nước biết đến với tên gọi "Quê hương người gái đảm" và trở thành nơi khởi nguồn của phong trào "Ba đảm đang".
Bà Tạ Thị Ái Liên, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tây cũ cho biết, tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" là khí thế chung, là niềm vui, lẽ sống của thanh niên lúc bấy giờ. Lớp lớp thanh niên, trung niên, cha trước con sau nhập ngũ, tái ngũ đi chiến trường đánh Mỹ. Ở quê nhà lúc đó, chỉ còn phụ nữ, ông già, trẻ em và những người không đủ điều kiện đi bộ đội. "Làm sao để việc cày bừa, cấy hái, nuôi con, học hành, chữa bệnh suôn sẻ; để nhà máy, xí nghiệp vẫn hoạt động; để người đi chiến đấu yên tâm đánh Mỹ; để xây dựng hậu phương miền Bắc vững vàng, chi viện tốt cho miền Nam ruột thịt" là những trăn trở của chị em hồi đó. Được sự chỉ đạo của cấp ủy, Hội LHPN Hà Tây khi đó đã tổ chức hàng trăm cuộc mít tinh quán triệt chủ trương của Trung ương Hội, hàng vạn chị em phụ nữ tham dự hô vang khẩu hiệu thể hiện khí thế quyết tâm thực hiện phong trào. Sau hơn một tháng phát động đã có hơn 20 vạn lượt hội viên phụ nữ học tập Chỉ thị của Trung ương và đăng ký thực hiện phong trào "Ba đảm đang". Cũng từ đây, hàng vạn đơn tình nguyện cho chồng con đi chiến đấu chống Mỹ. Có bà mẹ tiễn 3 con nhập ngũ (mẹ Phẩm, xã Cao Dương, Thanh Oai); nhiều bà mẹ có con độc nhất cũng tình nguyện cho con vào bộ đội. Để động viên phong trào, Trung ương Hội có huy hiệu "Ba đảm đang" để tặng chị em đạt danh hiệu. Ngoài ra, Hội phụ nữ phối hợp với các địa phương mở trường lớp "Ba đảm đang". Tính đến cuối năm 1966 đã mở được 184 trường với 481 lớp học "Ba đảm đang" nhằm bồi dưỡng cho phụ nữ về văn hóa, kỹ thuật nông nghiệp, kiến thức nuôi dạy con, về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và công tác Hội phụ nữ.
Thành quả to lớn
Có thể nói, phong trào "Ba đảm đang" thực sự là cuộc cách mạng để chị em vươn lên tự tin, tự chủ thay thế nam giới. Về sản xuất, trước đây việc cày bừa, đào mương, đắp đập thường là việc của nam giới, thì thời điểm năm 1965 trở về sau, hầu như do chị em đảm nhận và có đến 80% đội trưởng đội sản xuất thời đó là phụ nữ. Trong xí nghiệp, công trường, nữ công nhân vừa điều khiển máy, vừa là thợ sửa chữa máy. Khẩu hiệu "Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm", "Địch đánh ban ngày ta sản xuất ban đêm" đã trở thành hiện thực cuộc sống phụ nữ thời đó.
Ông Nguyễn Quý Thưởng, nguyên Bí thư Huyện ủy Đan Phượng nhớ lại: "Chỉ tính riêng ở huyện Đan Phượng, hàng nghìn phụ nữ thi đua phấn đấu sản xuất để vượt mốc 5 tấn/ha. Các chị trong đội sản xuất đã xem xét lại khâu kỹ thuật như làm bèo hoa dâu, ngâm ủ thóc giống đúng kỹ thuật, cải tiến việc chăn nuôi lợn… Từ sự cố gắng lớn của phụ nữ, năm 1970, huyện Đan Phượng đã đạt mốc 7 tấn/ha. Cùng với phụ nữ cả nước, phụ nữ Đan Phượng đã góp sức lực chi viện lương thực cho chiến trường miền Nam". Bà Lê Thị Quýnh, nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Trung Châu, huyện Đan Phượng cho biết, cùng với hăng hái thi đua sản xuất, trong gia đình, chị em thể hiện rõ vai trò làm chủ xây dựng gia đình văn hóa mới, hiếu thảo với cha mẹ, thủy chung với chồng. Có chị, chồng đi chiến đấu hàng chục năm, vẫn chung thủy chờ chồng, chăm sóc bố mẹ chồng chu đáo... Chị em còn trực chiến vững vàng trên mâm pháo, hạ nhiều máy bay Mỹ.
Phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" trong kháng chiến chống Mỹ đã tập hợp được sức mạnh của hàng chục triệu phụ nữ toàn miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Phong trào có sức sống mạnh mẽ khơi dậy khả năng tiềm tàng và sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phong trào đã ghi dấu ấn không thể phai mờ về hình ảnh người phụ nữ trong gian khổ và sự khốc liệt của chiến tranh đã vượt lên đảm trách mọi việc mà trưởng thành. Đó là những phụ nữ lao động cần cù, vượt khó, sáng tạo, có sức chịu đựng phi thường, đức hy sinh cao cả, thủy chung và chiến đấu quả cảm. Họ là những phụ nữ vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà, góp phần cùng toàn dân làm nên chiến thắng lịch sử - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ năm 1965 đến 1967, phụ nữ các huyện, thị xã của Hà Nội ngày nay đã động viên, tiễn đưa 35 vạn lượt thanh niên nhập ngũ, trong đó có gần 1 vạn là nữ; 3.000 nữ thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến trực chiến ngày đêm trên các trận địa. Bom đạn vừa trút xuống, chị em đã có mặt san lấp hố bom, tiếp tục trồng cây, sản xuất. Đã xuất hiện nhiều đơn vị nữ dân quân quyết thắng như: Đồng Tâm (Mỹ Đức), Kim Hoàng (Hoài Đức), Bình Minh (Thanh Oai), 22 nữ dân quân thôn Nghĩa Lập, xã Châu Can (Phú Xuyên)…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.